Hay nhỉ, ở thành phố bây giờ cầm 10.000 đồng ra ngoài không mua nổi ổ bánh mì thịt, chứ đừng nói là một tô bánh canh chị em ạ. Vậy mà đọc báo Thanh Niên, em mới biết ở cuối đường Nguyễn Duy Dương, quận 10, TP.HCM có một quán bánh canh rất lạ, chỉ cần 5.000 đồng vẫn có một tô bánh canh ngon để ăn.
Theo bài báo chia sẻ, quán bánh canh lạ ấy đã xuất hiện từ 40 năm trước trên con đường này và thú thật rất ít ai biết được trừ khi họ đi làm về khuya, bởi quán chỉ mở từ 3h – 5h sáng. Chủ của quán bánh canh là một phụ nữ 68 tuổi, mọi người thường gọi là cô Tuyết.
Dù mở cửa từ tờ mờ sáng, giữa lúc cả thành phố đang chìm trong giấc ngủ, nhưng nếu có dịp ghé ngang chị em sẽ thấy khoảng 2h50 là mọi người đã lục tục đứng trước cửa chờ. Dường như mọi người hiểu ý nhau, nên chẳng ai bảo ai, cứ nhẹ nhàng từ tốn chờ đợi cô chủ quán dọn hàng ra để bắt đầu phục vụ khách.
Vừa dọn hàng ra xong cũng là lúc đồng hồ điểm 3h, lúc này khách hàng lần lượt vây quanh cô Tuyết gọi món. Người kêu tô bánh canh thịt xắt, còn người giò heo không hành, hoặc tô xương ống... Thậm chí chỉ cần bảo như cũ là cô chủ biết ăn gì để phục vụ ngay. Nghe kể đủ thấy quán nhộn nhịp cỡ nào, thắp sáng cả con hẻm giữa màn đêm tĩnh mịch. Diễn tả sự hấp dẫn bao nhiêu đi chăng nữa, cũng không bằng đích thân chị em đến quán bánh canh này cảm nhận được không khí ồn ào náo nhiệt xen lẫn mùi thơm của nồi nước lèo tỏa ra trong đêm khuya tĩnh mịch.
Lần đầu tới quán ăn, nhiều người không khỏi ngạc nhiên với giờ mở cửa kỳ lạ này, vừa múc tô bánh canh phục vụ khách, cô Tuyết vừa tâm sự hồi đầu mình mở quán bánh canh lúc 7 giờ sáng, bán cho đến khi nào hết thì thôi. Chỗ bán cũng là nơi cô đang ở nên chẳng phải tốn tiền mặt bằng, cô bán chủ yếu để nuôi 2 đứa con ăn học. Nhưng càng bán nhiều khách càng đòi cô mở sớm hơn để họ ăn còn kịp giờ làm, số khác tan ca khuya cũng có chỗ để ăn lót dạ. Nghe họ nói cũng có lý nên cô quyết định mở sớm hơn, riết rồi kéo tới 3h sáng như bây giờ cũng được hơn chục năm. Vậy là không phải tự dưng quán mở cửa sớm mà là để chiều lòng khách.
Không chỉ gây tò mò cho nhiều người về giờ giấc mở cửa, quán bánh canh của cô Tuyết còn thu hút thực khách bởi hương vị bánh canh thơm ngon ở đây và đặc biệt là vấn đề giá cả. Nhiều quán ăn bây giờ chỉ phục vụ thực khách với mức giá định sẵn, trong khi quán bánh canh của cô Tuyết thì khác, thực khách có quyền lựa chọn mức giá cho mình, từ 5.000 đồng tới trăm ngàn đồng một tô, bao nhiêu cô cũng bán. Nhưng chủ yếu khách đến quán ăn tô bánh canh 30.000 – 35.000 đồng, không quá to nhưng ăn lại vừa no bụng.
Nghe diễn tả, chắc mọi người nghĩ quán hoành tráng lắm, nhưng thực tế không gian có chút xíu à. Vài ba cái bàn với ghế ngồi, nên ai ăn xong đứng dậy nhường chỗ cho người khác, hiếm khi nào dư chỗ. Khách đến mua, có người ăn tại chỗ, nhưng cũng có người mua mang về. Dù mua kiểu nào đi chăng nữa, cũng tính tiền tại quầy và tự phục vụ, chứ không có ai mang ra dùm, bởi quán của cô Tuyết neo người, không gian lại nhỏ, bước vài bước là tới bàn ăn, nên chẳng ai nề hà hay cảm thấy phiền phức gì cả.
Ăn ở quán bánh canh của cô Tuyết lâu dần, nhiều người ghiền hương vị thơm ngon ở đây, sợi bánh canh trắng phau, thịt tươi ngọt và nước lèo đậm đà ăn kèm với hành thì ngon số dzách không phải bàn. Vì xem khách như người thân và con cháu trong nhà nên từ cách cô chế biến cho đến nấu nướng và phục vụ cũng tận tâm hệt như cho gia đình mình. Khách quen đến đây ăn đều cảm giác thân thuộc như trong gia đình, chứ không chỉ đơn thuần là quán ăn.
Ảnh trái: Không gian quán bánh canh lạ mở cửa từ 3h sáng. Ảnh phải: Tô bánh canh thịt xương đơn giản phục vụ thực khách. Nguồn: Báo Thanh Niên.
Mỗi ngày cô chuẩn bị sẵn nguyên liệu cần thiết trước, rồi ngủ đến 2h sáng thức dậy dọn hàng ra để 3h bắt đầu bán. Có hôm khách đến đông kỷ lục, chỉ 1 tiếng là hết. Cũng có hôm thưa người, nhưng chừng 2 tiếng là bán xong hết, dọn hàng vào. Vậy đó mà ngót nghét quán bánh canh này cũng đã gắn bó với cô Tuyết 40 năm. Hồi xưa đúng là vì mưu sinh, nuôi con cái nên gầy dựng cơ nghiệp này, chứ giờ con cái thành tài hết rồi, thậm chí có người làm phó giám đốc ngân hàng nhưng cô vẫn không muốn bỏ nghề vì cô nhớ và quý mến khách. Mỗi ngày gặp khách là niềm hạnh phúc đối với cô. Cô cho rằng niềm vui ở nơi tuổi già có thể làm việc tự kiếm sống nuôi bản thân, không phụ thuộc vào con cháu, dù cực chút nhưng cảm thấy vui vì mình còn ý nghĩa với cuộc sống.