Gia tài cha mẹ để lại cho con cái không chỉ là nhà cửa, đất đai mà đó phải thật sự là một mái ấm. Muốn làm được vậy, cha mẹ đừng đổ tội nhau việc lớn, cũng đừng vướng bận nhau việc nhỏ.

Nhà cửa ấm êm là nơi trú ẩn an toàn, là nơi lan tỏa hạnh phúc, là nguồn vui và là cội nguồn. Ngược lại nếu nơi đó không còn tiếng cười, mà chỉ toàn lời cãi vã thì đó không khác gì tù ngục.

Định nghĩa gia đình nói rõ đó là một xã hội thu nhỏ, trong đó mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng cần có khuôn mẫu tốt đẹp. Muốn giữ được mái ấm, được ví như của cải, gia tài để lại cho con cái thì bố mẹ phải làm được những việc sau:

1. Cha mẹ đừng đổ tội nhau những việc lớn

Có người lên mạng hỏi "Phong thủy tốt nhất cho một gia đình là gì?"

Người khác đã trả lời rằng: "Đừng đổ lỗi cho nhau khi chuyện lớn xảy ra, đó mới là thứ phong thủy tốt nhất cho một gia đình."

hình ảnh

Chuyện kể rằng một nhà kia có hai anh em. Người anh là C.D và người em là L.Y.

C.D một thời lẫy lừng trong giới buôn bán thủy tinh. Vợ ông là C.N, người không có học nhiều.

Năm 1969, C.D vừa kết hôn thì rơi vào tuyệt vọng vì phá sản, phải bán hết của hồi môn của vợ. Những người vợ khác sẽ không chịu đựng được cú sốc này nhưng C.N không làm ầm ĩ hay phàn nàn chồng.

Sau đó, C.D lại chuyển sang bán nấm ngoài chợ, còn vợ anh ở nhà chăm sóc mẹ già đau ốm.

Lần này, C.D lại một lần nữa kém duyên kinh doanh, làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất. Kết quả là C.D đã bán tất cả những gì gia đình có thể bán được, chỉ để lại một ngôi nhà nhỏ.

C.N vẫn không phẫn uất hay đay nghiến. Dù là bán của hồi môn hay bán tài sản gia đình, người vợ này vẫn không hề phàn nàn và hoàn toàn ủng hộ sự nghiệp của chồng.

Về phần người em L.Y, anh cũng khởi nghiệp thất bại và phải gánh khoản nợ lớn. Sau khi công ty của L.Y phá sản, anh đi vay ngân hàng và ký cam kết vay. Người kiểm soát rủi ro của ngân hàng yêu cầu vợ của L.Y cùng ký.

L.Y gọi cho vợ không chút do dự. Vợ liếc nhìn anh một cách ngập ngừng rồi ký tên.

Khi về đến nhà, vợ L.Y nói thẳng: "Anh bảo tôi ký, tôi sẽ ký vì còn là vợ anh. Nhưng anh đừng bao giờ nghĩ đến việc tôi phải làm thế nào để trả nợ nếu có chuyện gì xảy ra với anh."

Lúc này, L.Y mới cảm thấy chua chát cho cuộc đời mình.

Có câu vạn vật vô thường, gia đình nào cũng không thể tránh khỏi những cơn mưa to, gió lớn. Cha mẹ nếu cứ mù quáng oán trách cứ lẫn nhau, vì những biến cố lớn trong nhà mà quay lưng, đổ tội, hay đay nghiến lẫn nhau thì chỉ khiến con cái bất an, sợ hãi. Gia đình ấy sớm muộn gì cũng tan nát.

Nhưng khi một gia đình bện chặt thành sợi đan chéo, kết dọc, chằng ngang, cùng nhau gánh vác trách nhiệm và bình tĩnh giải quyết những vấn đề hiện tại thì không có gì trở ngại. Một gia đình có bố mẹ hành xử thấu đáo như vậy thì sớm muộn cũng có thể gầy dựng nên tài sản dù có xuất phát điểm nghèo khổ đến đâu chăng nữa.

2. Cha mẹ đừng vướng bận nhau những điều nhỏ nhặt

Cha mẹ là người lớn hiểu chuyện nhưng đôi khi vẫn to tiếng với nhau chỉ vì những chuyện rất nhỏ nhặt.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Instagram jude_devir

Người chồng vội đi làm nên quên lời vợ dặn phải kéo quần áo vào kẻo trời mưa. Hôm ấy mưa to thật. Người vợ về tới nhà thì xâu quần áo của cả nhà đã ướt nhèm nhẹp. Quá bực bội, cô trách: “Anh làm gì biết trách nhiệm gia đình là cái chi chi. Có mỗi chuyện quần áo nhắc đi nhắc lại rồi vẫn quên thì đủ hiểu rồi đó.”

Sáng nay, người chồng lên cơ quan bị sếp mắng vì đến muộn do anh phải ghé qua lớp học thêm trả tiền học phí cho con gái. Chưa kịp minh oan thì vợ đã xối xả. Đi làm thì cấp trên to tiếng. Về nhà lại bị vợ cưỡi đầu, người chồng trong lúc nóng giận đã nổi cơn tam bành làm gãy luôn cả sào phơi.

Cuộc chiến giữa hai vợ chồng bắt đầu bằng chuyện quần áo theo cách đó. Người chồng khơi lại chuyện cũ, trách vợ ham tiền, nghe theo lời người khác buôn đất làm mất cả mấy trăm triệu tiền cọc, đẩy gia đình vào cảnh khó khăn. Người vợ nghe chồng trách lại bới móc: “Anh tốt đẹp quá mà. Đi làm tiền lương mang về đây bao nhiêu. Nếu tôi không gánh vác kinh tế thì gia đình này có được cơm ngon, áo ấm chắc.”

Đâu đó, có rất nhiều cặp vợ chồng, những ông bố, bà mẹ bất chấp trước mặt còn có con vẫn quát tháo to tiếng lẫn nhau. Tất cả cũng đều từ những vướng bận nhỏ nhặt mà chuyện bé xé chuyện to. Chuyện tưởng vụn vặt lại lâm đến cảnh chí chóe rồi thậm chí ly hôn.  

Như câu nói, trái tim chỉ cách ba tấc đất, không có chỗ cho đúng sai. Trái tim bao la, đầy khoan dung thì những khó chịu, bực dọc tự khắc không có chỗ nảy nở.

Nếu cha mẹ muốn của để dành cho con mình là một mái ấm có cha, có mẹ, có hạnh phúc thì hãy học cách kiềm chế cảm xúc nóng giận, biết mở lòng khoan dung để bỏ qua cho nhau những vụn vặt.

3. Có thể tìm được điều gì đó để nói

Điều buồn nhất trong một mái nhà là gì?

Không phải là bố mẹ không có tình cảm hay là ly hôn mà là bố mẹ vẫn sống với nhau, nhưng không có gì để nói.

Một cuộc khảo sát ở Mỹ cho thấy 25% các cặp vợ chồng dành ít hơn 10 phút giao tiếp mỗi ngày; 40% trong số họ phớt lờ bạn đời của mình hoàn toàn vì họ quá bận rộn; 25% trong số họ không nhớ lần cuối cùng khi hai người còn bình tĩnh trò chuyện với nhau; 67% cảm thấy rằng họ có xu hướng sống ảo và ở một mình hơn là ăn uống và trò chuyện với người bạn đời.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Instagram jude_devir

Có một câu nói rất đau lòng: “Nếu được lựa chọn lại, tôi thà chết một mình, còn hơn bước vào lồng tù hôn nhân”.

Thực tế hạnh phúc của cha mẹ cũng chính là hạnh phúc của con cái. Mối quan hệ của bố mẹ trong hôn nhân không chỉ là ảnh hưởng qua lại giữa hai con người được gọi là vợ và chồng mà ở đó còn tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến con cái của họ. Nếu bố mẹ không tìm cách giữ gìn hạnh phúc hôn nhân của mình, vun đắp nó mỗi ngày thì không ai khác, sau cùng, người tổn thương nhiều nhất là các con. Ngược lại, nếu bố mẹ còn nói cười và dành cho nhau những ánh mắt nồng ấm thì đó chính là phúc phần gia sản của các con.