Khoảng thời gian 6 tuần sau sinh ( thời gian hậu sản), các cơ quan trong cơ thể người mẹ, nhất là cơ quan sinh dục sẽ dần dần trở về trạng thái bình thường như trước khi có thai trừ tuyến vú vẫn tiếp tục phát triển để tiết sữa nuôi con. Trong khoảng thời gian này, cần theo dõi những thay đổi của cơ quan sinh dục để tránh những viêm nhiễm không đáng có ở thời kỳ hậu sản.
1. Những đổi thay của “vùng kín”
Sau sinh, tử cung người mẹ sẽ co lại từ từ, đến khoảng ngày thứ 12-13 thì không còn sờ thấy đáy tử cung ở trên bụng nữa. Sự thu hồi tử cung ở người sinh con so nhanh hơn con rạ, ở người cho con bú nhanh hơn người không cho con bú. Khi tử cung bị nhiễm trùng thì sự thu hồi này sẽ chậm hơn bình thường và gây đau rát.
Sản dịch tiết ra có màu đỏ trong 3-4 ngày đầu, về sau chỉ còn là chất nhầy trong mờ. Nhưng nếu bị nhiễm trùng thì sản dịch sẽ có mùi hôi, có thể lẫn mủ. Khi đi tiểu sẽ thấy có mùi tanh hơn trước thì đó là hiện tượng bình thường vì âm đạo vẫn còn bị xước và nước tiểu chảy qua sẽ có mùi tanh. Có những trường hợp âm đạo sưng và đau nhức khó chịu.
2. Lưu ý khi vệ sinh “vùng kín” sau sinh : chuyện không hề nhỏ
Vì cơ quan sinh dục lúc này rất mẫn cảm và còn đang trong giai đoạn hồi phục nên cần được chú ý giữ vệ sinh thật kỹ :
- Mặc quần rộng vải bông và mang băng vệ sinh. Thay băng vệ sinh thường xuyên để tránh viêm nhiễm. Chỉ nên dùng nước ấm, sạch để vệ sinh, không nên dùng nước muối hay dung dịch vệ sinh phụ nữ, cũng không được thụt rửa âm đạo trong giai đoạn này.
- Nên uống nhiều nước để giảm nồng độ nước tiểu và tránh táo bón. Sau khi đi vệ sinh nên dùng nước rửa sạch sau đó lau khô. Cũng không nên tiếp xúc quá nhiều với nước vì môi trường ẩm ướt cũng dễ bị viêm nhiễm.
- Nếu bí tiểu ( thường gặp ở các ca sinh khó), sản phụ có thể chườm nóng, xoa nhẹ bụng dưới.
- Sau sinh chỉ nên nằm bất động trên giường từ 8-10 giờ sau đó nên tập ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng theo khuyến cáo chuyên môn để giúp cơ thể thích nghi dần với cuộc sống và hạn chế đau sau sinh. Tuy nhiên, ban đầu lưu ý ngồi dậy từ từ, hít thở sâu, chậm rãi đứng thẳng lên để tránh bị choáng. Nếu thấy chóng mặt cần nằm xuống để máu lưu thông lên não, tránh bị ngất, ngã.
- Tuyệt đối không giao hợp trong 2 tháng đầu sau sinh vì cơ quan sinh dục chưa kịp phục hồi sẽ rất dễ tổn thương.
- Nếu âm đạo đau nhức có thể dùng nước đá chườm trong thời gian vài ngày sau sinh. Nếu vẫn không khỏi thì phải báo cho bác sĩ.
- Nếu được may lại tầng sinh môn sau sinh thì vết may cần được kiểm tra ( xem có sưng nề, bầm tím, tụ máu, có mủ… hay không) và làm thuốc 3 lần mỗi ngày bằng thuốc sát trùng. Sản phụ nên tự rửa khi đi tiêu tiểu. Nếu vết may tốt và lớp da may bằng chỉ không tiêu thì thường sẽ được cắt chỉ và ngày thứ 5 sau sinh.
- Sau 7-10 ngày sau sinh cần đến bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn.
Kết luận : việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ sau sinh là một công việc đòi hỏi sự nhẹ nhàng và sạch sẽ, vì nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ mà còn tác động không ít đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Hãy thật chu đáo khi chăm sóc cho chính mình như khi bạn chăm sóc cho thiên thần vừa chào đời của bạn.