Lạp xưởng mai quế lộ có mùi thơm đặc trưng từ rượu, lớp vỏ giòn giòn và vị bùi béo của nhân thịt mỡ. Đây là món ăn ngày Tết không thể thiếu trong mâm cơm của gia đình Việt.
Những ngày Tết mà được nhâm nhi miếng lạp xưởng béo thơm thì còn gì tuyệt vời hơn. Lạp xưởng ăn kèm với dưa chua, củ kiệu, ăn với cơm trắng, làm cơm chiên, bò bía… đều rất hấp dẫn.
Là một món ăn có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng lạp xưởng dần phổ biến trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Nghe có vẻ phức tạp, công phu nhưng để chế biến được những cây lạp xưởng ngon lại không quá khó.
Cùng tìm hiểu với Món Ăn Ngon cách làm lạp xưởng Mai Quế Lộ thơm ngon này nhé.
Nguyên liệu làm lạp xưởng Mai Quế Lộ
- 1kg thịt heo xay
- 200g mỡ
- 50g hành tím
- 50g tỏi
- 1 ống rượu áp xanh
- 2 mét ruột già
- 450ml rượu trắng
1.5 muỗng canh rượu Mai Quế Lộ - Gia vị: ½ muỗng canh bột ngọt, ½ muỗng canh muối, 1 muỗng canh tiêu hạt, 150g đường
Cách chế biến lạp xưởng Mai Quế Lộ
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Tỏi băm nhỏ. Hành tím cắt lát. Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào phi thơm hành, tỏi. Bạn điều chỉnh mức lửa nhỏ, cho hành vào trước sau đó với đến tỏi. Phi cho đến khi tỏi và hành vàng thơm thì tắt bếp.
Bắc một chảo khác lên bếp, cho tiêu vào rang cho đến khi tiêu dậy mùi thơm là được.
Xay nhuyễn thịt nạc và mỡ chung với nhau
Dùng rượu trắng rửa qua ruột già, vừa giúp khử mùi hôi vừa giúp dễ cạo bột, nhớt. Đặt lòng lên mặt thớt phẳng, dùng sống dao phẳng cạo sao cho ruột mỏng dính, không còn chất bột nào. Sau đó nhồi muối vào lòng rồi rửa lại bằng nước sạch.
Bước 2: Ướp thịt
Bạn cho thịt xay vào âu lớn ướp cùng với 150g đường, 1 muỗng canh muối, 1 muỗng canh bột ngọt, tiêu đã rang, phần hành và tỏi đã phi thơm, ống rượu áp xanh, rượu mai quế lộ và trộn đều tất cả lên. Tiếp theo, bạn mang ra nắng phơi khoảng 30 phút, cứ mỗi 15 phút thì bạn đảo đều lên 1 lần. Phơi nắng là cách giúp cho phần mỡ trở nên trong hơn.
Bước 3: Nhồi thịt vào bên trong ruột
Bạn dùng vỏ chai nước suối, cắt phần đầu chai làm phễu rồi tròng phần đầu của ruột vào miệng chai. Để chắc chắn hơn, bạn dùng cọng thun buộc chặt phần ruột và miệng chai lại với nhau.
Tiếp theo, bạn cho thịt vào túi bắt kem rồi đưa vào miệng chai và bóp từ từ thịt vào bên trong ruột.
Phần cuối của đoạn ruột, bạn dùng dây buộc chặt lại. Bạn có thể dùng dây để buộc chia lạp xưởng thành những đoạn lớn nhỏ tùy ý.
Bước 4: Phơi lạp xưởng
Sau khi đã nhồi thịt vào bên trong ruột. Bạn cho tất cả lạp xưởng vào âu và đổ vào đó khoảng 250ml rượu và rửa sơ qua. Đây là cách làm lạp xưởng có màu đỏ đẹp mắt, cuốn hút hơn.
Tiếp theo, bạn vớt lạp xưởng ra để ráo và dùng tăm xăm những lỗ nhỏ trên lạp xưởng. Với cách làm này sẽ giúp cho lạp xưởng khi phơi không bị nứt phần vỏ bên ngoài.
Cuối cùng, bạn đem lạp xưởng ra nắng phơi khoảng 3 ngày. Và, bạn chú ý phơi dưới nắng gắt nhé!
Thưởng Thức
Bắc chảo lên bếp cho lạp xưởng vào cùng với 100ml nước đun sôi cho đến khi cạn. Trong suốt quá trình đun, bạn đảo lạp xưởng liên tục để lạp xưởng chín đều là đã thưởng thức được rồi đấy! Ngoài chiên nước, bạn còn có thể nướng.
>> Tham khảo: Các món ngon từ lạp xưởng
Cách bảo quản lạp xưởng
Sau khi phơi nắng, bạn cho lạp xưởng vào túi nilon rồi đem đi hút chân không, cho vào ngăn mát tủ lạnh có thể bảo quản được 2 tháng và nếu cho vào ngăn đông có thể bảo quản được 6 tháng.
Một số lưu ý khi chếbiến lạp xưởng
- Nếu không dùng thịt xay, bạn có thể cắt thịt mỏng và nhuyễn để có độ kết dính. Tuyệt đối bạn đừng nên băm hay thái hạt lựu.
- Ngoài thịt heo, bạn có thể sử dụng cá với tỷ lệ 8 nạc cá, 2 mỡ heo; tôm với tỷ lệ 4 thịt nạc heo, 4 tôm nõn, 2 mỡ để làm lạp xưởng.
- Bạn có thể tự làm rượu mai quế lộ theo cách sau: đại hồi, tiểu hồi, quế khâu, đinh hương, thảo quả, hạt ngò, mỗi thứ 100g rồi bạn đem rang vàng. Khi các nguyên liệu này còn nóng thì đổ vào 5 lít rượu trắng, ngâm 1 tuần trở lên thì có thể dùng được. Rượu ngâm bằng cách này có thể sử dụng được vài năm.
Trên đây là cách làm lạp xưởng ngon, bạn có thể thực hiện để mang đến một món ăn đậm đà hương vị Tết cho gia đình hoặc có thể kinh doanh.
Chúc các bạn thành công!