Các mẹ ơi, mấy hôm trước mình đọc báo thấy có vụ mà người dân ra chợ mua tôm xong thấy có chất lạ màu trắng (ở Đà Nẵng) nên không nấu mà trả lại rồi cáo kiện mãi, báo chí vào cuộc. Hôm nay đọc trên Infornet thấy có kết quả công bố rồi các mẹ. Hóa ra cái chất lạ màu trắng đấy được bơm vào thật.
Đọc mấy thông tin này mà hoang mang quá các mẹ ơi. Không mua thì chẳng có gì ăn mà mua thì lại lo chứ. Giờ chợ không tin được, siêu thị cũng khó nói vì vừa có vụ siêu thị to mà ‘phù phép’ rau chợ thành rau ‘sạch’ đấy thây. Các mẹ bảo giờ phải làm thế nào đây?
Thông tin cụ thể, mời các mẹ xem phần bên dưới nhé.
Tôm được bày bán ngoài chợ. Ảnh minh họa, nguồn: VNN
Vụ tôm tươi có chất lạ ở Đà Nẵng, xác định được chất bột màu trắng được bơm vào
Theo đó, UBND quận Sơn Trà vừa thông tin kết quả thử nghiệm hóa học mẫu tôm có chứa tạp chất lạ do chị N.H mua của bà Lê Thị Hoa tại khu hàng rong chợ Nại Hiên Đông ngày 10/9 vừa qua.
Sau khi mời các bên làm việc, lấy mẫu của người bán (ký hiệu T-01) và người mua (ký hiệu T-02), UBND quận đã gửi Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng II để yêu cầu thử nghiệm mẫu.
Kết quả thử nghiệm mẫu tôm. Ảnh: infornet
Sau quá trình thử nghiệm, Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng II thông báo kết quả mẫu tôm của người bán không phát hiện tạp tinh bột và agar. Tuy nhiên, mẫu tôm của người mua lại có phát hiện tạp chất này.
Do đó, phòng Kinh tế và ban quản lý (BQL) chợ quận Sơn Trà đã mời hộ kinh doanh lên làm việc. Đồng thời, thông báo kết quả và cung cấp thông tin để truy xuất nguồn gốc của tôm, ký cam kết đảm bảo an toàn toàn thực phẩm khi kinh doanh tại chợ.
Trước đó, vào ngày 10/9, chị H mua 1,5kg tôm với giá 300.000 đồng tại sạp hàng của bà Hoa ở chợ Nại Hiên Đông. Khi mang về sơ chế, chị phát hiện phần đầu của các con tôm đều có 1 cục bột to bằng hạt cam giống đông sương, màu trắng đục. Vì sợ tôm bị bơm hóa chất nên chị không nấu mà mang tới trả. Tuy nhiên, bà Hoa phản ứng, không chấp nhận. Vì thế, chị liên hệ tổ quản lý chợ để can thiệp song người phụ trách giải quyết không thỏa đáng. Cuối cùng, chị phản ánh lên lãnh đạo UBND phường.
Ngay sau khi nhận được phản ánh, UBND phường đã đề nghị chị H mang toàn bộ số tôm đã mua về trụ sở UBND phường để kiểm tra. Đồng thời, liên hệ phòng Kinh tế quận, tổ quản lý chợ và người bán lên để làm việc.
Vậy bột agar có trong con tôm mà chị H mua có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
Trước đó, ở Hà Nội cũng từng xảy ra vụ việc bơm agar vào tôm và chuyên gia đã phân tích mức ảnh hưởng của hoạt chất này với sức khỏe
Theo đó, tạo chất agar được tìm thấy trong tôm thực chất là thạch rau câu. Tạp chất này đã được các gian thương sử dụng để bơm vào tôm nhằm thu lợi nhuận trong những năm gần đây.
Tôm nhìn tươi ngon hơn nhờ vào chất hóa học được bơm vào, ảnh minh họa, nguồn: VGT
Với vấn đề nó có gây nguy hiểm cho người tiêu dùng không, PGS. TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học – Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN) từng cho hay: Agar là bột thạch để làm thạch. Thực chất, nó không độc nhưng lại được người ta bơm vào tôm để làm giả. Hơn nữa, bột này cũng không có tác dụng làm tôm tươi trở lại. Nó chỉ khiến tôm phồng, trông béo và bắt mắt hơn.
Bột thạch nay rất rẻ mà họ còn hòa tan thêm nước nên sẽ được lượng dung dịch rất lớn. Vởi bản thân con tôm, việc này không gây độc hại vì đó là thạch mà chúng ta ăn hàng ngày. Họ chỉ pha loãng ra thành dạng sệt để bơm chứ không phải dạng cứng như bình thường.
Ông Côn cũng nói thêm: Nếu chúng ta ăn phải thì cũng không độc hại. Nhưng nếu là tôm bị ươn, hỏng rồi mà bơm tạp chất này vào để trông bắt mắt thì không tốt cho sức khỏe.
Còn PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN) cho rằng: Việc bơm agar vào tôm tuy không gây độc hại nhưng đó là hành vi gian lận, đáng lên án.
Trong khi đó, TSKD Dương Đức Tiến (Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Sinh học vào đời sống và sản xuất) thông tin: Bột agar là sản phẩm được chiết xuất từ tảo đỏ. Nó có khả năng kết dính thực phẩm nên hay được dùng trong chế biến thạch rau câu, giò chay, bánh và một số món ăn khác.
Bản thân thạch không độc hại nhưng khi bơm vào tôm thì đây là môi trường thích hợp cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển. Nếu ăn phải, người tiêu dùng có nguy cơ ngộ độc, mắc bệnh tiêu chảy, tả, thương hàn, rối loạn tiêu hóa. Nếu gian thương bơm vào tôm ươn, hỏng thì người tiêu dùng đối mặt với nguy cơ ngộ độc rất cao.
Bột agar, ảnh: TSH
Có thể nhận biết tôm bơm tạp chất hay không?
+ Theo những người có kinh nghiệm, loại tôm được chọn để bơm tạp chất chủ yếu là tôm sú.
+ Tôm bị bơm tạp chất sẽ cứng, thẳng đơ trong khi bình thường nó phài mềm và cong.
+ Mang tôm bơm tạp chất cũng cứng, phồng căng còn tôm bình thường thì mềm và phẳng.
+ Vì được bơm tạp chất nên tôm thường mập, căng bất thường đến nỗi đốt trên thân tôm bị giãn ra, nhấ là đốt nối giữa phần đầu và thân.
+ Tôm bơm tạp chất khi nấu sẽ chảy nhiều nước, thịt tôm teo lại, ăn bở, vị nhạt hơn.
+ Tôm bị bơm thạch thì sau khi chín, bóc vỏ ra sẽ thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm, nhất là ở phần đầu.
Đây là toàn bộ thông tin mà mình tìm hiểu được ở trên báo chính thống đó các mẹ. Giờ toàn thấy người Việt vì lợi ích mà tự hại nhau ý, chẳng biết bao giờ mới có thể an tâm ra chợ mua thực phẩm nữa.