Hôm nào ăn trưa xong mấy chị em cũng rủ nhau ra quán trà trá ở hẻm cạnh cơ quan vừa uống vừa tán ngẫu. Lâu dần đâm ra nghiện, hôm nào mưa gió bão bùng không được sử dụng loại thức uống này cũng nhớ phết.

Mình cũng được biết uống trà đá cũng có nhiều cái lợi cho sức khỏe lắm nhá, chẳng hạn như: giúp tỉnh táo để làm việc hiệu quả hơn, tốt cho răng miệng, hạn chế mất nước và còn chống cả ung thư nữa đấy.

Thế mà hôm qua có một chị trong nhóm rủ mãi cũng không đi nữa, chị bảo mới đi khám sức khỏe tổng thể có kết quả bị sỏi thận, chị vào mạng tìm hiểu thì thấy thông tin người bị bệnh này thì không nên uống trà đá các mẹ ạ.

Uống trà đá thường xuyên gây những tác hại gì?

Mặc dù lâu nay trà đá được xem là thức uống dân dã rẻ tiền, không chỉ mang tính giải khát mà còn có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên y học đã chứng minh uống trà đá quá nhiều, nhất là những loại trà có đường sẽ dẫn đến một số tác hại như sau:

Bệnh về thận: Những người nghiện trà đá rất có nguy cơ bị sỏi thận. Điều này là do một số loại trà như hồng trà chứa chất hóa học có thể gây ra sỏi thận hay thậm chí suy thận nếu sử dụng nhiều. Hãng tin CBS News đã từng đưa tin về một bệnh nhân tại bang Arkansas, Mỹ bị suy thận do thói quen uống 1 gallon (khoảng 3,78 lít) trà đá mỗi ngày.

Tiểu đường: Nếu uống trà đá pha thêm đường sẽ gây ra bệnh tiểu đường nếu bạn liên tục uống với lượng lớn. Do vậy, những người thường có thói quen uống trà đá với đường tốt nhất nên bỏ ngay để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đột quỵ: Uống trà đá thường xuyên cũng có thể gây đột quỵ, nguyên nhân bởi loại thức uống này là một trong những nhân tố có thể gia tăng mức triglyceride trong cơ thể, từ đó dễ dẫn tới đột quỵ.

Bệnh về tim mạch: Chất hóa học và caffeine trong trà đá có thể khiến huyết áp tăng cao và nhịp tim nhanh, với một số trường hợp còn gây ra chứng loạn nhịp tim.

hình ảnh

Ảnh minh họa/Nguồn:  Internet

Những ai không nên uống trà đá

Người bị bệnh hô hấp: Trà đá là thức uống có tính lạnh, có thể kích thích niêm mạc vùng hầu họng và đường hô hấp. Do vậy, những người đang mắc bệnh viêm phổi, viêm mũi, viêm phế quản, viêm họng... nếu uống nhiều trà đá sẽ khiến cho bệnh càng nặng hơn hoặc khó điều trị khỏi.

Người bị sỏi thận: Chất oxalate có trong trà đá có thể lắng đọng và hình thành sỏi trong thận, vì vậy nếu uống nhiều trà đá lại làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Người đang đói: Khi bụng đang đói tuyệt đối không nên uống trà đã, điều này bởi trà có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày như viêm loét dạ dày, tá tràng... Hơn nữa, nước trà sau khi vào cơ thể sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, dễ dàng hấp thụ một lượng lớn caffein vào cơ thể, từ đó gây tình trạng chóng mặt, yếu chân tay, đánh trống ngực... Không chỉ vậy, trà đó còn có thể khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, ảnh hưởng hệ thống hô hấp, đặc biệt là phổi nếu như uống lúc bụng đang đói.

Người khó ngủ, mất ngủ: Thành phần caffeine trong trà đá có thể giúp tỉnh táo, nhưng lại có tác dụng ngược lên giấc ngủ. Vì vậy những người đang gặp tình  trạng mất ngủ, khó ngủ không nên uống trà đá, nhất là vào buổi tối.

Vậy uống trà đá thế nào để không gây hại sức khỏe?

Để không gây hại sức khỏe, bạn có thể uống trà đá theo cách như sau:

- Không nên uống quá nhiều trà đá mỗi ngày, chỉ uống 1-2 cốc/ngày.

- Hạn chế uống trà đá vỉa hè vì sẽ không đảm bảo vệ sinh. Nếu có thể bạn nên tự pha trà  ở nhà rồi mang theo để uống.

- Không nên uống trà đã để qua đêm, vì có thể khiến trà biến chất, sản sinh ra các chất độc hại cho cơ thể.

Nguồn:  Tổng hợp