Có chuyện này em thấy lạ lắm luôn nè các mẹ. Chẳng là hôm nọ em có việc về quê. Mà về vội quá xong quên khuấy đi mất, không rửa nồi cơm, cơm trong nồi thì vẫn còn. Đi đến nửa đường rồi em mới chợt nhớ ra. Cứ nghĩ hôm nay lên thì nồi cơm phải mốc xanh mốc đỏ, có khi còn chảy nước bốc mùi rồi cơ.
Ấy vậy mà hôm nay em lên tới nơi, chạy vào mở nồi cơm ra thì thấy cơm vẫn bình thường, không hề bị thiu hay mốc gì cả. Lạ ghê. Trong khi ngày trước em mà để cơm 1 ngày thôi là nó hỏng rồi ấy. Không hiểu kiểu gì luôn.
Em mới mang chuyện này nói với đứa bạn thì nó ‘nửa thật nửa đùa’ nói với em: Hay là tại cơm nhà mày được nấu bằng gạo tẩm hóa chất đấy. Lúc nghe nó nói em cũng thấy có lý, chứ làm gì có chuyện cơm để ở nhiệt độ bình thường mà 3 – 4 ngày không hỏng thế kia. Nhưng chợt nghĩ lại, chắc gạo thì không bị tẩm hóa chất đâu các mẹ nhỉ, trước giờ em chưa thấy ai bảo tẩm hóa chất vào gạo bao giờ cả.
Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng chẳng biết thực hư ra sao nên em cũng đi mua loại gạo mới rồi. Các mẹ có biết vì sao không ạ?
Em tìm hiểu qua báo chí thì thấy chuyên gia cũng giải thích rồi nhưng chưa có yên tâm lắm. Phần giải thích của chuyên gia em để ở bên dưới nhé. Các mẹ xem và cho em xin ý kiến. Với cả, có nhà mẹ nào cũng từng gặp trường hợp như em chưa ạ?
Sau mấy ngày, nồi cơm chưa hề có dấu hiệu thiu. Ảnh minh họa, nguồn: Gia đình mới
Cơm nấu để 3- 4 ngày bên ngoài mà không thiu là vì sao?
Liên quan tới vấn đề này PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho hay: Trước hết, việc để cơm ở ngoài nhiệt độ môi trường bình thường mà 4 ngày không thiu là điều bất thường. Do đó, chúng ta tốt nhất không dùng cơm này nữa.
Bình thường, cơm sau khi được nấu chín sẽ mềm và có chứa gluxit là chính. Thế nên, sau khi nấu chín nếu không được bảo quản cẩn thận sẽ rất nhanh bị thiu, nhất là trong thời tiết nắng nóng, nồm ẩm.
Khi cơm được để trong nồi cơm điện và đậy nắp kín thì nguy cơ bị thiu nhanh hơn so với việc để cơm trong lõi nồi điện rồi đặt trên bàn. Lý do là vì nắp vung thường có hơi nước đọng nên vi khuẩn dễ xâm nhập.
Bình thường, nếu cơm được nấu và bảo quản đúng cách thì có thể để ở ngoài môi trường nhiệt độ bình thường khoảng 24 giờ sẽ không thiu. Còn quá thời gian trên, vi khuẩn, côn trùng sẽ xâm nhập và làm biến chất. Từ đó dẫn tới hiện tương cơm bị thiu, chua.
Còn với trường hợp ăn xong còn cơm nguội và mang bảo quản trong tủ lạnh thì thời gian sẽ được lâu hơn. Tuy nhiên, bạn cũng không nên bảo quản quá lâu. Hơn nữa, nếu muốn tái sử dụng, bạn chỉ nên dùng trong 24 giờ là tốt nhất. Vì dù để cơm trong tủ lạnh không bị thiu nhưng lại gây mất chất.
Trong trường hợp cơm để 4 ngày không thiu, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân bằng cách làm xét nghiệm kiểm định chuyên sâu nếu có điều kiện. Không thì cứ bỏ đi là được.
Trường hợp cơm không thiu có khả năng do gạo hoặc cơm có chứa chất bảo quản. Với gạo, các thương lái có thể dùng chất bảo quản để chống mọt là chính. Vì gạo rất ít khi bị mốc, nó chỉ bị mốc khi bị ẩm và dính nước.
Cơm cũng có thể dùng chất bảo quản nhưng điều này chỉ xảy ra ở những bếp ăn công nghiệp hay quán cơm bình dân. Chứ nhà ăn thì làm gì có ai dùng chất bảo quản cơm bao giờ.
Ngoài ra, nguồn nước cũng có thể là vấn đề. Song, nếu vấn đề ở nguồn nước thì các thành viên trong gia đình có thể gặp vấn đề nào đó trước đó khi dùng nguồn nước này.
Nói tóm lại, PGS. Thịnh khuyến cáo: Nếu có điều kiện thì làm xét nghiệm để biết nguyên nhân chính xác nhất. Còn không thì cứ bỏ cơm, gạo đó đi là được.
Cơm nên ăn sau khi nấu vừa ngon vừa đảm bảo chất dinh dưỡng. Ảnh: Eva
Với cơm bình thường, khi không ăn hết thì nên bảo quản thế nào?
Theo TS. BS Trương Hồng Sơn (Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện y học Ứng dụng) đã chia sẻ cách bảo quản cơm nguội như sau:
+ Không để cơm ngoài không khí ở nhiệt độ thường mà nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và đậy nắp kín. Khi ăn, bạn mang ra hấp lại. Cơm trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản phải được làm nguội trước.
+ Không để cơm quá 24 giờ cũng không nên hâm lại quá 2 lần.
+ Không để lẫn thực phẩm hoặc thức ăn khác với cơm.
+ Khi hấp cơm bằng nồi cơm điện nên để riêng vào một góc nồi chứ không đảo chung với cơm mới. Còn nếu hấp lại bằng lò vi sóng thì nên cho vào bát có nắp, không đậy kín.
Đọc lời giải thích của chuyên gia trên báo thì có khi em mua phải gạo lởm thật rồi các mẹ ạ. Giờ đúng chẳng biết đâu mà lần nhỉ, cả gạo cũng có hóa chất thế kia.