Kết quả sơ bộ từ một nghiên cứu mới cho thấy sự kết hợp của các hợp chất thảo dược tự nhiên gồm curcumin và qingdai có thể giúp ích cho những người bị viêm loét đại tràng đang hoạt động.
Những phát hiện ban đầu từ một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng những người mắc bệnh viêm loét đại tràng đang hoạt động có thể giảm triệu chứng và thuyên giảm bằng cách sử dụng một loại thuốc có nguồn gốc thực vật được kết hợp từ các thành phần thảo dược curcumin và qingdai.
Curcumin là hợp chất chính có trong củ nghệ và đã được sử dụng cho mục đích y học trong nhiều thế kỷ. Qingdai, còn được gọi là Indigo Naturalis, là một hợp chất được tìm thấy trong một số loại thực vật và cũng có lịch sử sử dụng thuốc lâu dài.
Mặc dù một số nghiên cứu trước đây cho thấy những chất này có thể có lợi cho bệnh nhân viêm loét đại tràng, nhưng kết quả vẫn chưa thống nhất, một số lo ngại về an toàn đã được nêu ra và hầu hết các thử nghiệm đều còn quá nhỏ và quá ngắn để đưa ra kết luận chung.
Nghiên cứu mới đã tiến hành ba thí nghiệm khác nhau để xác định tính an toàn và hiệu quả của các hợp chất này. Trong giai đoạn đầu của thử nghiệm, 10 bệnh nhân viêm loét đại tràng đã được sử dụng hỗn hợp curcumin và qingdai trong bốn tuần.
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ được trình bày tại Đại hội Crohn và Viêm đại tràng năm 2023 ở Denver, 7 bệnh nhân có phản ứng lâm sàng (có nghĩa là các triệu chứng của họ trở nên ít thường xuyên hơn hoặc nghiêm trọng hơn) và 3 người đã thuyên giảm.
Curcumin và qingdai là hai loại thảo mộc có nguồn gốc thực vật đã được chứng minh là có đặc tính chữa bệnh.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Trong phần thứ hai của thử nghiệm, 42 bệnh nhân viêm loét đại tràng được chỉ định ngẫu nhiên dùng giả dược hoặc hỗn hợp curcumin và qingdai trong 8 tuần.
86% bệnh nhân điều trị bằng thảo dược đã có phản ứng lâm sàng, trong khi chỉ có 31% người dùng giả dược đạt được.
Những bệnh nhân đáp ứng với điều trị bằng thảo dược sau đó được dùng thêm curcumin trong 8 tuần tiếp theo. 80% người đã thuyên giảm và gần như tất cả đều có phản ứng lâm sàng bền vững.
Chuyên gia dinh dưỡng Byron Vaughn, phó giáo sư y khoa và đồng giám đốc khoa nghiên cứu viêm ruột tại Đại học Minnesota ở Minneapolis, chia sẻ: “Những kết quả này rất đáng kinh ngạc!”
Tiến sĩ Vaughn, người không tham gia vào nghiên cứu hiện tại, cho biết thêm rằng: “Điều cực kỳ quan trọng là phải tìm hiểu xem liệu tác dụng này có thể được nhân rộng hay không và nó biểu hiện như thế nào ở các nhóm dân số mắc bệnh viêm ruột khác nhau.”
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu sơ bộ không đưa ra được cái nhìn tổng quan về độ an toàn của chất curcumin và qingdai.
Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng tỷ lệ bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ là tương đương với cả nhóm điều trị và nhóm dùng giả dược trong nghiên cứu, nhưng họ không cung cấp được bất kỳ chi tiết nào về số lượng bệnh nhân bị ảnh hưởng hoặc những vấn đề họ gặp phải.
Ngoài ra, những phát hiện này cũng không được công bố hay được xác minh độc lập trên bất kỳ tạp chí y khoa nào.
Bác sĩ Sunanda Kane, giáo sư và chuyên gia về bệnh viêm ruột (IBD) tại Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota, người không tham gia vào nghiên cứu nói trên, cho biết:
“Ngoài ra, lượng chính xác của chất curcumin và qingdai được sử dụng trong nghiên cứu không được chỉ định, gây khó khăn cho việc xác định hỗn hợp nào của các hợp chất này có thể mang lại hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân.”
Tiến sĩ Kane nói: “Mặc dù bạn có thể tìm mua từng loại hợp chất này trên mạng, nhưng sự kết hợp của cả hai thì không. Không thể xác định liệu những kết quả này có thể được lặp lại hay không nếu không biết số lượng chính xác của từng thành phần trong công thức.”
Mặc dù vậy, những phát hiện từ nghiên cứu mới này đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy curcumin và qingdai đáng được thử nghiệm thêm như một phương pháp điều trị tiềm năng cho bệnh viêm loét đại tràng, Vaughn nói.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tham Khảo Ý Kiến Của Chuyên Gia Về Bệnh Viêm Ruột (IBD) Trước Khi Dùng Thảo Dược Để Điều Trị Viêm Loét Đại Tràng (UC)
82 bệnh nhân bị viêm loét đại tràng đã thuyên giảm được chỉ định ngẫu nhiên dùng chất curcumin hoặc giả dược trong thời gian 6 tháng trong một nghiên cứu lâm sàng.
Tất cả các bệnh nhân đều dùng sulfasalazine hoặc mesalamine – những loại thuốc thường được kê đơn cho bệnh viêm loét đại tràng.
Sau 6 tháng, bệnh nhân dùng curcumin đã có khả năng thuyên giảm cao hơn khoảng 95% so với những người dùng giả dược.
Một thử nghiệm khác tập trung vào 50 bệnh nhân bị viêm loét đại tràng đang dùng mesalamine. Họ được chỉ định ngẫu nhiên dùng curcumin hoặc giả dược trong vòng 1 tháng.
54% bệnh nhân dùng curcumin đã thuyên giảm bệnh, nhưng không có bệnh nhân nào dùng giả dược làm được điều này.
81% bệnh nhân trong một thử nghiệm quy mô nhỏ về qingdai đối với bệnh viêm loét đại tràng đang tiến triển đã nhận thấy phản ứng lâm sàng sau 2 tháng với liều qingdai được thử nghiệm cao nhất, so với chỉ 14% ở nhóm dùng giả dược.
38% bệnh nhân dùng liều qingdai cao nhất đã thuyên giảm lâm sàng, so với ít hơn 5% ở nhóm dùng giả dược.
Tuy nhiên, nghiên cứu này làm dấy lên mối lo ngại về an toàn đối với những người dùng qingdai, vì đã có một bệnh nhân bị tăng áp phổi và 10 người bị rối loạn chức năng gan nhẹ.
Trong một nghiên cứu nhỏ khác trên 20 người lớn bị viêm loét đại tràng tiến triển, đã có 10% bệnh nhân gặp vấn đề về gan sau khi dùng qingdai trong 2 tháng.
Nghiên cứu này đã phát hiện ra rằng 72% bệnh nhân có phản ứng lâm sàng và 33% bệnh nhân đã thuyên giảm nhờ qingdai.
Bác sĩ Shomron Ben-Horin, tác giả chính của nghiên cứu hiện tại và trưởng khoa tiêu hóa tại Trung tâm Y tế Sheba thuộc Đại học Tel Aviv ở Israel, khuyến nghị rằng bất kỳ ai đang cân nhắc sử dụng hợp chất curcumin hoặc qingdai trước tiên hãy thảo luận với chuyên gia IBD.
Tiến sĩ Ben-Horin đã đạt được thành công khi bổ sung curcumin và qingdai vào phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh nhân viêm loét đại tràng tiến triển tại phòng khám tư của ông.
Ben-Horin cho biết: “Sau khi nhận được lời tư vấn phù hợp từ bác sĩ điều trị, chúng tôi luôn khuyên bệnh nhân nên sử dụng nó như một tác nhân bổ trợ với bất kỳ loại thuốc sinh học hoặc thuốc nào khác mà họ đang dùng.”
Có thể bạn quan tâm: Thực Phẩm Nên Ăn và Tránh Khi Bị Viêm Loét Đại Tràng
Bài viết được dịch từ www.everydayhealth.com
Dịch giả Trinh Lê
https://anchay.vn/kien-thuc-an-chay/thuc-vat-va-viem-loet-dai-trang.html