Mình hay dùng ngải cứu để chữa đau bụng kinh. Tuy nhiên, đã có hơn 1 lần mình bị run tay chân sau khi ăn ngải cứu. Thật ra hồi đấy không biết là tại ăn ngải cứu nên mình không nghĩ gì, vẫn ăn hoài. Mãi tới một hôm mình không hề ăn linh tinh, chỉ ăn mỗi trứng ngải cứu. Vừa ăn xong thì mình run tay sau đó thì co giật nên chị mình vội vàng đưa mình tới viện cấp cứu. Lúc đấy bác sĩ có nói là do mình ăn nhiều quá (mình ăn tận 4 bữa/ngày) nên mới dính tác dụng phụ của ngải cứu. Sau đó, mình có về tìm hiểu thì thấy trên các trang như kiểu sức khỏe đời sống, Vietnamnet, lao động… đều có bài viết cảnh báo ngải cứu có chứa chất độc thần kinh nên không được ăn nhiều. Mình nghĩ ai cũng biết ngải cứu tốt nhưng ít người biết nó cũng độc không kém. Thế nên mình chia sẻ tại đây để mọi người cùng biết mà cảnh giác.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngải cứu chứa chất độc thần kinh mạnh

Theo Đông y, ngải cứu là một thảo dược vừa có thể ăn lại có công dụng chữa bệnh. Nó đặc biệt tốt với những người bị đau cơ, đau bụng do bị lạnh, đau bụng trong kì kinh nguyệt… Tuy nhiên, ngải cứu cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng như là hắt hơi, phát ban…

Đặc biệt, trong ngải cứu còn có chứa chất độc thần kinh khá mạnh. Do đó, nó có thể gây ra hiện tượng ngộ độc, tay chân run hoặc co giật do thần kinh trung ương hung phấn quá mức. Sau đó, người bệnh có thể bị co cứng, tê liệt, nói nhảm, tổn thương tế bào não… Sau khi bệnh nhân khỏi bệnh vẫn để lại di chứng như xuất hiện ảo giác, hay quên, viêm thần kinh…

Ai không nên ăn ngải cứu?

Ai không nên ăn ngải cứu? Theo lương y Dương Xuân Mến (Phòng khám Đông y 195 Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, để tránh gặp tác dụng phụ nói trên, những nhóm người sau nên tránh xa ngải cứu.

+ Người bị viêm gan:

Lý do là vì trong ngải cứu chứa tinh dầu có thể chữa bệnh nhưng cũng có chứa độc tính. Vì vậy, nếu bệnh nhân viêm gan mà ăn ngải cứu thì chất độc này sẽ đi vào gan, phá hủy hoạt động của gan dẫn tới viêm gan cấp tính, viêm gan vàng da…

+ Người bị rối loạn đường ruột cấp tính:

Ngải cứu có tính lợi tiểu, nhuận tràng nên với người bình thường thì rất tốt còn với người mắc bệnh đường ruột cấp tính thì ngược lại. Nó có thể khiến bệnh thêm trầm trọng hơn, gây ra những cơn đau bụng, khiến quá trình chuyển hóa thức ăn bị ảnh hưởng.

+ Phụ nữ trong 3 tháng đầu thai kỳ:

Mặc dù ngải cứu tốt cho phụ nữ có thai nhưng theo lương y Mến, mẹ bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ không được ăn. Bởi, nó có thể gây động thai, thậm chí là sảy thai. Vì vậy, tốt nhất là các mẹ không nên ăn, chờ tới tháng thứ 4, thứ 5 khi thai kỳ đã ổn định hãy dùng.

Liều lượng ăn như thế nào?

Vậy nên ăn bao nhiêu ngải cứu thì tốt cho sức khỏe? Theo các chuyên gia, để tránh tác dụng phụ thì mọi người nên ăn 1 – 2 lần/tuần. Với người không bị bệnh thì không nên uống nước sắc ngải cứu mà có thể kết hợp với trứng gà, trứng vịt lộn để ăn.

Với người bệnh cần dùng ngải cứu sắc, bạn chỉ nên dùng 3 – 5g khô (tương đương với 9 – 15g ngải cứu tươi)/lần.

Nguồn: Tổng hợp