Đang mùa dịch COVID-19, ngoài tuân thủ việc đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người và rửa tay thường xuyên bằng nước xà phòng diệt khuẩn… thì vấn đề ăn uống cũng được gia đình em quan tâm lắm các chị ạ.
Nói gì thì nói, chứ theo em thì dinh dưỡng có ảnh hưởng không nhỏ đến việc ngăn ngừa dịch bệnh, vậy nên khi vào mạng để tìm hiểu về nguồn thực phẩm lành mạnh, có lợi vào lúc này, em “nhặt” được ngay bài chia sẻ về thực đơn để phòng ngừa COVID-19. Mà cái này do Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo đấy các chị ạ. Vậy nên các chị cứ yên tâm mà bổ sung cho thực đơn của gia đình mình nhé!
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Dưới đây là những nguyên tắc trong thực đơn để phòng ngừa COVID-19 như sau:
4 MÓN ĂN CẦN HẠN CHẾ
Hạn chế tiêu thụ đường
- Các loại thực phẩm chứa lượng đường cao cần hạn chế như: Nước ép trái cây, đồ uống có ga, nước có hương vị, nước uống năng lượng và thể thao, đồ uống có sữa, trà và cà phê pha sẵn...
- Khi lựa dùng món tráng miệng, hãy lựa chọn loại có ít đường và chỉ nên tiêu thụ hạn chế. Ngoài ra, hãy ăn trái cây tươi thay vì đồ ăn nhẹ ngọt như: Bánh ngọt, bánh quy và sô cô la.
- Không nên thêm muối và đường vào thực phẩm bổ sung cho trẻ dưới 2 tuổi và nên hạn chế đối với những bé lớn hơn.
Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn
Theo khuyến cáo của WHO:
Thứ nhất: Khi chế biến thực phẩm hàng ngày, chúng ta cần giảm lượng muối và hạn chế sử dụng nước sốt và gia vị mặn (như nước tương, nước kho hoặc nước mắm).
Thứ 2: Khi mua hàng, cần kiểm tra nhãn trên thực phẩm và chọn sản phẩm có hàm lượng natri thấp để không làm ảnh hưởng sức khỏe.
Lượng muối ăn hàng ngày của mỗi người lớn, theo khuyến cáo của WHO là 5g (tương đương với một muỗng cà phê).
Chỉ bổ sung một lượng vừa phải chất béo và dầu
WHO khuyên người dân:
- Nên thay thế bơ, dầu ăn và mỡ lợn bằng các loại chất béo lành mạnh hơn như: dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ô liu hoặc dầu ngô khi nấu ăn.
- Nên chọn các loại thịt trắng như thịt gia cầm và cá vì chúng thường ít chất béo hơn thịt đỏ. Ngoài ra cần hạn chế tiêu thụ thịt chế biến.
- Hãy chọn sữa và các sản phẩm từ sữa loại ít béo hoặc giảm béo.
- Tránh sử dụng các thực phẩm chế biến, nướng và chiên có chứa chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp.
Tránh sử dụng rượu
Theo WHO thì việc uống rượu không bảo vệ cơ thể bạn chống lại COVID-19 mà thậm chí còn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe hơn. Ngoài ra, dùng thức uống này lâu dài còn gây tổn thương gan, ung thư, bệnh tim và bệnh tâm thần…
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
2 MÓN NÊN BỔ SUNG
Bổ sung đủ nước
Nước lọc có thể giúp điều khiển mọi hoạt động trong cơ thể, điều chỉnh thân nhiệt, giúp tiêu hóa tốt, thải trừ độc tố ra khỏi cơ thể. Nếu cơ thể thiếu nước không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ, nó còn làm giảm khả năng phòng ngừa COVID-19.
Chính vì vậy WHO khuyến cáo: Mỗi người lớn cần đảm bảo uống đủ 1,5-2 lít nước/ngày và uống nước lọc thay cho đồ uống có đường để hạn chế lượng đường và lượng calo dư thừa.
Sử dụng nhiều thực phẩm nguyên hạt, trái cây và rau quả
Hỗn hợp từ các loại nguyên hạt như: các loại đậu, lúa mì, ngô và gạo, nhiều trái cây và rau quả tươi, với một số thực phẩm từ các nguồn động vật (ví dụ như thịt, cá, trứng và sữa) có khả năng giúp tăng sức đề kháng trong mùa dịch. Chính vì vậy WHO khuyên mỗi người nên bổ sung thường xuyên.
Ngoài ra, nên chọn thực phẩm nguyên hạt như gạo nâu, yến mạch, lúa mì, ngô chưa chế biến, kê nếu có thể bởi chúng rất giàu chất xơ và có thể giúp chúng ta cảm thấy no lâu hơn.
Nên chọn trái cây tươi và các loại hạt không ướp muối khi sử dụng đồ ăn nhẹ.
Nguồn: Tổng hợp