Khi ăn gừng thì mọi người hay có thói quen gọt vỏ hay để cả vỏ vậy ạ? Nhà em hôm qua vừa có trận tranh luận to lắm vì vấn đề này ý. Em thì em hay quen kiểu gọt vỏ gừng ra rồi mới đập dập, băm nhỏ cho vào ướp hoặc bỏ bát nước mắm. Nhưng hôm qua mẹ chồng em lên chơi, bà thấy em làm thế thì bảo em là không biết gì cả, phải để cả vỏ.
Thật sự thì em chỉ nghĩ đơn giản rằng gừng trồng dưới đất. Kể cả có rửa nước sạch bao nhiêu thì vẫn có thể có đất hoặc vi khuẩn nó bám ở các kẽ vỏ bên ngoài. Mà củ gừng thì nó lắm cái kẽ nhỏ chứ. Thế nên em nghĩ để cả vỏ ăn không sạch. Em cũng thật thà nói với mẹ chồng thế thì bà quát bảo: ‘Tao trước giờ vẫn để cả vỏ, nuôi thàng T (chồng em) lớn bằng ấy, có làm sao đâu. Nhà chị chỉ vẽ chuyện’.
Em cũng chẳng biết làm thế nào, hỏi mọi người thì cũng mỗi người một ý, người để cả vỏ đập dập, người thì gọt vỏ giống em.
Em lên báo tìm hiểu thì thấy cũng có đưa tin. Thông tin em để ở bên dưới, các mẹ xem rồi cho em xin ý kiến với nhé.
Nhiều người gọt vỏ gừng khi ăn. Ảnh minh họa, nguồn: Eva
Ăn gừng nên gọt hay để cả vỏ thì tốt hơn?
Chuyên gia dinh dưỡng Dana Angelo White cho biết: Vỏ gừng khá an toàn để tiêu thụ, nó không có chứa độc tố. Ngược lại, trong vỏ gừng còn có chứa nhiều chất xơ hơn so với phần thịt của củ gừng.
Y học Trung hoa từ lâu cũng khuyên mọi người nên ăn gừng cả vỏ. Bởi, gừng có vị hăng, tính ấm. Trong khi đó, vỏ gừng thì lại có tính mát tự nhiên, vị cay nồng với công dụng lợi tiểu và tiêu sưng.
Việc ăn gừng cả vỏ có thể bổ trợ cho nhau như một cặp âm dương. Nó giúp cân bằng dược tính của nhau. Nhất là những người đang bị phù nề, táo bón, hôi miệng thì nên ăn gừng cả vỏ.
Tất nhiên, cũng có những người không nên ăn gừng cả vỏ mà nên gọt bỏ vỏ trước khi ăn. Cụ thể:
+ Người bị bệnh dạ dày, lá lách không ăn vỏ gừng vì có tính mát. Khi ăn cả vỏ có thể gây ra tình trạng khó chịu cho tỳ vị, dạ dày.
+ Những người bị cảm lạnh cũng nên gọt bỏ vỏ gừng để giữ trọn vẹn tính ấm của nó. Việc này giúp giải cảm nhanh chóng hơn.
+ Khi nấu hải sản, bạn cũng nên gọt vỏ gừng vì vỏ có vị cay nồng sẽ ảnh hưởng tới hương vị. Hơn nữa, hải sản có tính lạnh nên bạn bỏ vỏ sẽ giúp trung hòa món ăn, tốt cho sức khỏe.
Gừng có nhiều công dụng cho sức khỏe. Ảnh minh họa, nguồn: sekrety
Khi ăn gừng, ngoài vấn đề gọt hay không gọt vỏ thì còn có một số điều bạn cần lưu ý:
+ Không ăn gừng vào ban đêm:
Bạn chỉ nên sử dụng gừng vào buổi sáng. Bởi, lúc này giúp tăng cường và cải thiện tốc độ lưu thông máu, thúc đẩy khả năng tiêu hóa và kháng khuẩn. Tuy nhiên, nếu bạn ăn vào buổi tối thì lại khiến cơ thể bị nóng nực. Điều này không có lợi với giấc ngủ.
+ Không ăn gừng bị nẫu:
Nghiên cứu của FDA Hoa Kỳ chứng minh: Trong củ gừng bị nẫu có chứa safrole. Đây là một chất có khả năng gây K gan. Do đó, nếu thấy củ gừng có triệu chứng chảy nước, mềm nhũn thì nên bỏ đi.
+ Gừng đã mọc mầm:
Gừng mọc mầm dù vẫn còn vị cay nhưng lại không tốt cho sức khỏe. Khi chế biến, nó có thể sản sinh ra lưu huỳnh – loại độc tố làm tổn thương gan. Nếu bạn ăn gừng mọc mầm, dạ dày và ruột cũng hấp thụ được rất ít chất dinh dưỡng. Ngược lại, nó có thể khiến tế bào gan bị nhiễm độc và biến tính, cực kỳ hại gan.
+ Người bị nóng trong không nên dùng:
Những người bị nóng trong hoặc mắc bệnh viêm phổi, lao phổi, viêm loét dạ dày, viêm túi mật, viêm thận bể thận, đái tháo đường, trĩ, mụn nhọt không nên dùng trong thời gian dài. Bởi, tính nóng của gừng sẽ khiến tình trạng bệnh nặng thêm
+ Không nên sử dụng gừng vào mùa thu:
Y học cổ truyền đánh giá: Trong 1 năm thì bạn nên hạn chế ăn gừng vào mùa thu. Lý do được đưa ra là, mùa thu khí hậu mát mẻ, khô ráo, không khí khô dễ tổn thương phế. Nếu bạn ăn gừng thì tính cay của gừng sẽ đi vào trong cơ thể. Từ đó dễ dẫn tới tình trạng khô khan, mất nước và gây ra nhiều tổn thương cho phổi. Ngoài gừng thì những món ăn có tính cay cũng không thích hợp ăn vào mùa thu.
Đây là những thông tin mà em tìm thấy trên báo. Nói thế thì ăn cũng được mà không ăn cũng chẳng sao các mẹ nhỉ. Tóm lại thì ai cũng đúng, ai cũng có lý lẽ cho riêng mình. Thôi thì ai quen kiểu nào thì làm kiểu ấy vậy.