Hầu hết các chuyên gia đều khuyên nên bổ sung nhiều rau quả mỗi ngày để cân bằng dưỡng chất, tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, thời gian gần đây có rất nhiều thông tin về tình trạng rau quả được phun bón và ngâm hóa chất độc hại để tránh sâu bệnh và bảo quản được lâu.
Vậy nên hôm nào đi chợ, mẹ chồng tớ cũng dặn dò phải chọn mua cẩn thận không lại hại cả nhà đấy. Nhưng nói gì thì nói, dù cố gắng mua hàng chỗ uy tín, nhưng thật khó tránh khỏi mua phải rau quả còn dư lượng thuốc t r ừ sâu và thuốc bảo quản các mẹ ạ.
Cũng bởi vậy mà lâu nay tớ toàn phải lên mạng tìm cách rửa rau quả sạch hóa chất, chứ nhà toàn người già, trẻ nhỏ, ăn xong phải vào viện thì khổ.
Ảnh minh họa/Nguồn: sina
Nhưng trước hết, các mẹ cần tránh những sai lầm khi rửa rau quă như sau nha, vì trước đây tớ cũng thường làm vậy, nhưng sau này đọc báo mới biết mình sai rồi đấy ạ!
+ Chỉ cần rửa rau quả 2-3 nước là sạch, khi nấu lên các vi khuẩn và ký sinh trùng sẽ bị loại bỏ hết. Đây là suy nghĩ sai lầm, bởi thực tế để rau thực sự sạch thì cách rửa phải cầu kỳ hơn thế rất nhiều.
Nói về điều này, TS. Phan Thanh Tâm - bộ môn Công nghệ thực phẩm - Sau thu hoạch, Viện Công nghệ Sinh học thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cảnh báo, nếu chỉ rửa 2-3 nước không thể loại bổ hết đất, rác và các ký sinh trùng hay vi sinh vật. Chưa kể chúng còn tồn dư thuốc t r ừ sâu, thuốc bảo quản...
Để chứng minh điều này, các chuyên gia ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP. HCM) đã xét nghiệm trên 104 mẫu rau thuộc 8 loại rau thường được dùng ăn sống, bao gồm: xà lách, xà lách xoong, cải bẹ xanh, rau đắng, rau má, rau muống, rau tần ô (cải cúc), rau thơm gia vị... mua ở chợ.
Kết quả cho thấy, có những loại rau bị nhiễm ký sinh trùng 100% như: cải bẹ xanh, xà lách xoong, rau má, rau đắng, rau tần ô. Còn xà lách, rau muống, rau gia vị cũng bị nhiễm ký sinh trùng 92,3%.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đem rửa các loại rau này 3 lần bằng nước sạch theo cách thông thường, rồi làm xét nghiệm lại. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng trên các mẫu rau này vẫn còn ở mức 51,9-82,6%.
+ Chần qua rau rồi nấu cho an toàn. Theo Ths. Nguyễn Mỹ Linh - bộ môn Rau và Cây gia vị, Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam, cách chần này vừa làm giảm vitamin vừa làm mất các chất giúp phòng ngừa bệnh ung thư (UT) có trong rau.
Vậy nếu dùng nước rửa rau quả có an toàn tuyệt đối không?
Trước kia tớ rửa xong rau quả để ăn sống thường ngâm qua nước muối loãng khoảng 30 phút là yên tâm ăn được. Từ hồi biết đến một số loại dung dịch rửa thay muối, tớ càng tự tin hơn rồi í.
Thế nhưng, khi nói về tác dụng này, bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết,nước rửa rau quả có thể loại bỏ nhanh các vết bẩn và một số hoá chất độc hại bám trên bề mặt rau quả, trong khi các loại thuốc bảo vệ thực vật được phun lâu ngày, thường ngấm sâu vào bên trong. Vậy nên, khi rau quả bị hoá chất gây hại ngấm sâu, những loại nước tẩy rửa này hầu như là vô hiệu.
Hơn nữa, thuốc bảo vệ thực vật hiện nay có rất nhiều hoạt chất cũng như có nhiều thương hiệu sản xuất. Trong khi ở mỗi loại có tính chất riêng, một vài hoạt chất rửa được rau quả này nhưng lại không rửa được ở rau quả khác.
Đề cập đến vấn đề trên, PGS – TS. Ngô Quốc Quyền, Viện Hoá học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cũng khẳng định rằng, với những loại nước rửa rau quả sử dụng các chất như nước khử ion... chúng chỉ có tính chất sát trùng, sát khuẩn, chứ không có khả năng tẩy rửa. Còn nếu như sử dụng các chất hoá học để tẩy rửa rau quả để ăn thì lại rất nguy hại.
Còn với máy rửa rau quả, theo cảnh báo của ông Dương Minh Trí -Phó viện trưởng Viện Vật lý TP HCM, trên thị trường có nhiều loại máy rửa rau quả bằng ozone, thế nhưng đây là một loại khí rất độc, có thể gây bệnh UT, nên không thể sử dụng ozone trong gia đình, nhà bếp.
Hơn nữa, ozone cũng không thể sử dụng vào nước đã có clo, bởi nó có thể tạo ra một hợp chất mới độc lại bền. Trong khi hiện nay nguồn nước máy chứa khá nhiều clo.
Ảnh minh họa/Nguồn: Health
Vậy rửa rau quả thế nào để an toàn cho sức khỏe? Để làm sạch và loại bỏ tối đa chất độc hại trong rau quả, các chuyên gia khuyên:
Với các loại rau xanh được chia làm 4 loại: lá, quả, củ và hoa. Ở mỗi loại sẽ có nguy cơ nhiễm bẩn, ô nhiễm nguồn nước khác nhau nên khi rửa cần phân loại để làm sạch. Cụ thể:
+ Rau ăn lá: Loại này được xếp vào dạng ô nhiễm nhiều nhất
Nhặt sạch rau, ngâm qua nước, rửa từng lá, cọng dưới vòi xối. Các cành rau nhỏ thì phải rửa làm nhiều lần, rửa từng mớ nhỏ bằng nắm tay dưới vòi nước.
Để loại bỏ các khuẩn tả, nên ngâm qua nước muối loãng trong vòng 5 phút: Với 1 chậu nước khoảng 10 lít chỉ cho lưng thìa cà phê (1 thìa nhỏ) muối.
+ Rau ăn quả: Thường ít ô nhiễm hơn rau ăn lá vì chủ yếu leo giàn nên ít bị dính chất thải, nhưng dễ bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.
Nên rửa sạch từng quả rồi bọc nylon cho vào tủ lạnh, ăn sau 2 ngày, cách này giúp rau có thời gian để thuốc phân hủy, mà vẫn giữ được độ tươi ngon. Còn với các loại rau quả cần ăn ngay nên rửa sạch dưới dòng nước và ngâm nước muối loãng trước khi ăn.
+ Rau ăn củ: An toàn hơn 2 loại rau trên, tuy nhiên khi chế biến nên rửa sạch vỏ sau đó gọt và rửa lại lần nữa để hạn chế các chất bẩn dính ngoài vỏ củ vào phần thịt củ đã gọt.
+ Rau ăn hoa: Loại rau này được xem là đảm bảo vệ sinh nhất. Vì chúng thường ở trên cao rất khó dính bẩn và rất kỵ với các loại thuốc bảo vệ thực vật hay chất thải phun trực tiếp vào. Vậy nên, khi chế biến, các mẹ chỉ cần rửa hoa sạch dưới vòi nước là đảm bảo an toàn.
+ Rau gia vị: Chỉ cần rửa qua là được
Tuy nhiên với các loại rau gia vị như hành, thì là hay các loại quả vỏ trơn bóng như cà chua, ớt tươi và cà tím... cũng cần phải rửa sạch như các loại rau khác, vì nhiều nông dân có thể tưới chất thải tươi... khi trồng, nên nguy cơ nhiễm ký sinh trùng là rất cao.
Những thông tin trên đã được báo chí chia sẻ rồi, mọi người tham khảo để rửa rau củ quả đúng cách để an toàn nha.