Cá là thực phẩm giàu dinh dưỡng và tốt cho cơ thể. Đặc biệt, với trẻ nhỏ loại thực phẩm này còn có tác dụng bồi bổ trí não, giúp trẻ thông minh hơn. Nhưng mà cá cũng có nhiều loại nên mình nghĩ có loại tốt cũng có loại xấu. Xong rồi lại còn chia ra cá biển với cá đồng.

Nhắc đến cá biển với cá đồng mới nhớ, hôm trước nhà mình vừa có quả ‘đại chiến’ vì nó xong. Mình thì mình nghĩ cá biển tốt hơn vì nó sống ngoài tự nhiên, ăn sinh vật biển. Ngoài biển cũng có sự đa dạng về mặt sinh vật nên thức ăn của cá phong phú hơn. Vì thế, dinh dưỡng cũng tốt hơn.

Còn chồng mình thì bảo: Anh ăn cá đồng từ nhỏ đến lớn, vẫn rất thông minh, khỏe mạnh còn gì. Vậy nên cá đồng tốt hơn, em cứ mua cá đồng về cho con ăn là được. Có mỗi việc mua cá mà hôm nào nhà mình cũng phải tranh luận xem mua loại nào. Sau rồi quyết định mỗi hôm một kiểu, nay mua cá đồng thì mai mua cá biển.

Mỗi tội, trong thâm tâm mình không phục tí nào đâu. Thế nên là mình cũng đi hỏi, tham khảo ý kiến nhiều người. Cơ mà cũng 9 người 10 ý, người thì đồng tình với chồng mình, người thì cùng quan điểm với mình nên cũng chả biết thế nào.

Nay ngồi lướt báo thì mình thấy có đề cập đến thông tin cá đồng hay cá biển tốt hơn. Mình chia sẻ lại ở bên dưới những gì mình đọc được, các mẹ xem rồi cho mình xin ý kiến xem sao nha.

Cá biển có chứa nhiều chất dinh dưỡng

Cá biển có chứa nhiều chất dinh dưỡng. Ảnh minh họa, nguồn: GĐ

Cá đồng với cá biển, loại nào tốt hơn?

Trước khi khẳng định loại nào tốt cho sức khỏe hơn thì chúng ta cần phải so sánh hàm lượng chất dinh dưỡng trong 2 loại cá này.

Theo các chuyên gia, trong cá đồng và cá biển thì đều có hàm lượng dinh dưỡng gần như cao ngang nhau. Cụ thể, cả hai loại cá này đều có chứa nhiều protein với hàm lượng từ 15 – 22%. Còn hàm lượng chất béo gồm cả chất béo không no và axit béo là 1 – 10%. Hơn nữa, cá đồng và cá biển còn chứa nhiều vitamin A, D, B2 cùng các khoáng chất thiết yếu như canxi, natri, kali, magie.

Đối với hàm lượng DHA thì cả cá đồng và cá biển không có sự chênh lệch nhau nhiều lắm. Một vài phân tích cho hay: Cá biển có DHA cao hơn cá đồng. Song, nó chỉ là phân tích mang tính tham khảo. Với lại, cũng còn tùy vào từng loại cá cụ thể mà lượng DHA khác nhau.

Do đó, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng: Hàm lượng dinh dưỡng trong cá đồng và cá biển không có sự chênh lệch quá nhiều. Việc cho trẻ ăn 2 loại cá này đều tốt và mang tới những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời cho sức khỏe. Có thể kể tới một vài mặt lợi như cung cấp protein, chất béo không no và không bão hòa, vitamin, khoáng chất, cải thiện não bộ…

Mặc dù có hàm lượng dinh dưỡng tương đương nhưng nếu xét về hương vị thì chúng có những điểm riêng. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo: Tốt nhất, mọi người nên đan xen cả hai loại cá này vào thực đơn để giúp tăng thêm sự phong phú trong bữa ăn của con trẻ.

Cá đồng hay cá biển đều tốt cho sức khỏe

Cá đồng hay cá biển đều tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa, nguồn: VNE

Không chỉ thế, khi cho trẻ ăn cá đồng hay cá biển thì phụ huynh cũng cần tuân thủ một số lưu ý sau nhằm đảm bảo an toàn và lượng dinh dưỡng cho cơ thể con:

+ Chọn mua những con cá tươi ngon, an toàn:

Dù là cá đồng hay cá biển, bạn cũng nên chọn loại tươi và được mua ở những điểm bán uy tín, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu không sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của con. Có thể nó không gây hại ngay nhưng sẽ gây hại về lâu dài.

+ Tránh sử dụng những loại cá dễ nhiễm thủy ngân:

Thủy ngân là một chất hóa học nguy hiểm có thể gây ra nhiều vấn đề với cơ thể trẻ, nguy hiểm nhất là các bệnh lý về não. Trong khi đó, trẻ em là đối tượng mà cả não bộ lẫn thân thể đang ở giai đoạn phát triển. Nếu có sự xuất hiện của thủy ngân sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Những loại cá có khả năng chứa nhiều thủy ngân đã được cánh bảo gồm: Các loại cá có tuổi thọ cao, cá chuyên bắt mồi như cá buồm, cá mập, cá ngừ đại dương hay những loại cá to được nuôi…

+ Không được cho trẻ ăn mật cá:

Nhiều người sử dụng mật cá để chữa bệnh này kia theo phương pháp dân gian nhưng bạn cần phải biết rằng việc này rất sai lầm. Trong mật cá đồng lẫn cá biển đều có chứa những chất có khả năng gây suy gan, suy thận… Vì thế, khi sơ chế, tốt nhất bạn hãy làm sạch mật cá cẩn thận để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

+ Chế biến các món ăn từ cá đúng cách:

Vì cơ thể trẻ vẫn đang ở giai đoạn phát triển hoàn thiện nên khi cho con ăn, cha mẹ nên nhớ nấu chín kỹ rồi mới cho bé sử dụng. Đặc biệt, cha mẹ không được cho con ăn cá sống, cá chín tái để tránh nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng, rối loạn tiêu hóa, đau bụng… Tốt nhất, bạn nên chế biến cá bằng cách hấp để giữ nguyên hương vị tươi ngon của cá.

+ Cho trẻ ăn cá với lượng đủ, phù hợp với nhu cầu của cơ thể:

Các chuyên gia cho rằng: Trẻ nên ăn cá 2 – 3 lần/tuần và nên có sự thay đổi luân phiên giữa cá đồng với cá biển. Điều này nhằm tăng sự đa dạng cho các món ăn. Không nên lạm dụng ăn quá nhiều vì nếu chỉ ăn mỗi mình cá thì cơ thể con trẻ có thể thiếu những chất khác.

Không được cho trẻ ăn gỏi cá, cá chưa chín kỹ

Không được cho trẻ ăn gỏi cá, cá chưa chín kỹ. Ảnh minh họa, nguồn: VNE

Vậy đâu là những loại cá tốt cho sức khỏe mà bạn nên sử dụng?

Hiệp hội Tim mạch Mỹ đã ra khuyến cáo: Bạn nên bổ sung cá trong thực đơn hàng ngày. Những loại cá có hàm lượng omge 3 cao nên ăn ít nhất 2 lần/tuần. Vậy những loại cá nào thì có lợi cho sức khỏe?

+ Cá hồi:

Đây là loại cá có hàm lượng omega 3 dồi dào nhất. Ước tính, cứ 100g cá hồi thì chứa 2,3g omega 3. Nó có tác dụng làm giảm cholesterol trong cơ thể, duy trì tính linh hoạt của động mạch, tĩnh mạch, tăng cường cơ tim. Nhờ đó, giúp tim luôn khỏe mạnh, hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, omega 3 cũng có thể làm giảm huyết áp và ngăn ngừa tình trạng cứng thành động mạch.

Protein trong cá hồi giúp cơ thể dễ tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng cần thiết. Đặc biệt, cá hồi còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như sắt, canxi, phốt pho, selen, vitamin A, D, B. Do đó, nó thúc đẩy quá trình chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể, giúp cơ thể có đủ chất để phát triển.

+ Cá rô:

Cá rô có thể sống ở cả nước mặn và nước ngọt. Trong Đông y, thịt cá rô có vị ngọt, tính bình với tác dụng bổ hư, nhuận tràng, ích khí. Ăn cá rô thường xuyên sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, hạn chế tình trạng bị đau đầu, nhức mỏi người.

Canh cá rô đồng là món ngon và rất thích hợp cho những người mới ốm dậy dùng để bồi bổ thể lực, cải thiện sức khỏe, nhanh chóng phục hồi.

Hơn nữa, bạn có thể tìm mua cá rô một cách dễ dàng ngoài các chợ mà giá thành của nó cũng tương đối rẻ. Do đó, chẳng có lý do gì mà không đưa nó vào thực đơn hàng ngày cả.

Cá thu giàu dinh dưỡng

Cá thu giàu dinh dưỡng. Ảnh minh họa, nguồn: NLD

+ Cá ngừ:

Loại cá này có hàm lượng dinh dưỡng cao. Theo các chuyên gia, cứ 100g cá ngừ thì có 184 calo, 30g đạm, 10mg canxi, 64mg magie cùng các loại vitamin tốt cho sức khỏe. Những chất này có công dụng ngăn ngừa tình trạng xơ vữa động mạch, phòng thiếu máu do thiếu sắt.

Bên cạnh đó, cá ngừ còn có nhiều protein và DHA – rất có lợi cho sự phát triển trí não của trẻ nhỏ. Đồng thời, nó còn giúp cân bằng dinh dưỡng, thúc đẩy sự tái sinh của tế bào não, cải thiện trí nhớ.

+ Cá trích:

Đây là loại cá thon dài, ít vảy, nhiều thịt và có vị tanh. Vì thế, nhiều người không thích ăn cá trích. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng, loại cá này có giá trị dinh dưỡng cao. Nó còn được gọi là cá béo vì dầu của cá trích có chứa nhiều axit béo omega 3 có lợi cho cơ thể và não bộ.

+ Cá thu:

Đã từ lâu, cá thu trở thành món ăn thân thiết với người Việt chúng ta. Loại cá này có hình dáng thuôn dài, khá giống với cá ngừ nhưng kích thước của nó nhỏ hơn nhiều. Trong cá thu có chứa rất nhiều chất béo lành mạnh. Nó đã được chứng minh là có khả năng làm giảm huyết áp, hạn chế sự tích tụ máu đông trong động mạch. Nhờ vậy mà có thể phòng ngừa bệnh liên quan tới tim mạch, huyết áp.

+ Cá tuyết:

Cá tuyết là loại cá có thớ thịt trắng, nhìn rất đẹp mắt. Loại cá này có chứa nhiều photpho, niacin, vitamin B12 tốt cho sức khỏe.

Ước tính, cứ 100g cá tuyết thì có 1g chất béo, 15 – 20g protein và 90 calo. Không chỉ thế, trong cá tuyết còn chứa hàm lượng vitamin A, C, D, E phong phú cùng các khoáng chất thiết yếu.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và sử dụng dưỡng chất trong cá tuyết thành dược liệu để chữa bệnh. Những người bị viêm khớp dùng dầu chiết xuất từ gan cá tuyết sẽ có thể làm giảm thoái hóa các khớp sụn. Trong khi đó, selen và vitamin B12, vitamin D có trong cá tuyết thì có tác dụng làm giảm nguy cơ bị ung thư ruột kết.

+ Cá mòi:

Đây là loại cá được liệt vào nhóm ‘siêu thực phẩm’ vì cực kỳ tốt cho sức khỏe. Trong cá mòi chứa gần 1.200mg chất béo omega ở mỗi khẩu phần ăn. Cá mòi cũng là một trong rất ít thực phẩm tự nhiên có chứa vitamin D.

Không chỉ thế, cá mòi còn có chứa nhiều canxi với hàm lượng 33% nhu cầu canxi mỗi ngày trong 1 khẩu phần ăn. Do vậy, loại cá này đặc biệt tốt cho sự phát triển thể chất của trẻ. Đồng thời còn phòng bệnh về xương khớp ở người lớn.

Đọc những thông tin này trên báo thì từ nay nhà mình có thể yên tâm, thoải mái dùng xen kẽ cá biển với cá đồng cho con ăn rồi. Thấy nhiều công dụng vầy thì chắc từ nay mình cũng chăm mua cá bổ sung vào thực đơn ăn uống hàng ngày cho cả nhà thôi nè.

Các mẹ cũng nên làm thế đi ạ, vì mình còn thấy bảo là, cá là thịt trắng ăn có lợi hơn mấy loại thịt đỏ đó nha. Giờ sức khỏe mà không quan tâm, không bảo vệ sớm là chỉ có khổ chính mình thôi.