Theo các mẹ thì bữa sáng chúng ta nên ăn đồ nước hay là đồ khô ạ? Nhà em thì mỗi người một nết ăn. Em thích ăn đồ khô còn chồng thì thích đồ nước. Bình thường thì ai thích gì ăn nấy nhưng tự nhiên chả hiểu sao hôm vừa rồi chồng em lại ngồi tranh luận ăn gì mới tốt.
Chồng em một mực bảo là sáng ăn đồ nước như bún phở thì tốt hơn vì nó có tinh bột, có chất béo từ thịt, rồi còn có cả chất xơ từ rau. Nói chung là nghe chồng nói thì em thấy có lý nhưng vẫn lấn cấn cái là ngày xưa các cụ toàn ăn cơm sáng mà vẫn khỏe mạnh đấy thôi.
Nay bạn em qua chơi xong ngồi nói chuyện lại nhắc tới vấn đề này. Thế là em mới lên báo tìm hiểu xem thực hư thế nào. Thông tin em sẽ chia sẻ ở bên dưới, các mẹ xem và cho em xin ý kiến nhé.
Ăn bánh mỳ vào bữa sáng là lựa chọn của nhiều người. Ảnh minh họa, nguồn: Eva
Sáng nên ăn đồ khô hay đồ nước thì tốt cho sức khỏe?
Nhiều người nghĩ rằng bữa sáng thì nên ăn đồ nước như bún, phở hoặc cháo để dễ tiêu. Đồng thời, bổ sung nước cho cơ thể sau một đêm dài. Song có những người lại cho rằng, sau một đêm nghỉ ngơi, cơ thể tiêu hao hết năng lượng. Lúc này, những món như bánh mỳ, xôi cơm… là lựa chọn thích hợp. Với lại, bún phở có thể gây khó tiêu nên không tốt khi ăn sáng.
Liên quan tới điều này, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Trưởng khoa khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn – Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho hay: Mỗi người có một lựa chọn khác nhau. Việc ăn gì vào buổi sáng còn liên quan tới nhiều yếu tố. Theo ông, không có công thức hay bữa sáng nào phù hợp với tất cả mọi người. Nó còn phụ thuộc vào sở thích, tuổi tác, vùng miền, khả năng tiếp cận cũng như tài chính của một người.
Ông cho rằng: Chúng ta không thể ép một người thích ăn xôi vào buổi sáng chuyển sang ăn phở chỉ vì phở có nước. Hay một người chỉ có 5.000 đồng không thể bắt họ ăn bát bún 30.000 đồng được.
‘Mọi người ý thức được việc ăn sáng có lợi là tín hiệu đáng mừng nhưng không nên so sánh đồ nước hay đồ khô tốt hơn. Bản chất của việc ăn sáng là cung cấp năng lượng cho cơ thể. Do đó, ăn món gì để cung cấp năng lượng hợp lý, cân đối thì đều tốt. Tất nhiên, những người mắc bệnh nền hay liên quan tới độ tuổi (người già, trẻ nhỏ) thì lại khác’, TS. Hưng nói.
Còn TS. BS Từ Ngữ (Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam) cho biết: Lựa chọn ăn sáng hiện nay của nhiều người đa phần dựa vào điều kiện kinh tế, tính chất công việc cũng như sở thích. Chẳng hạn, dân văn phòng, học sinh thì ăn bánh mỳ, bún phở… Còn người lao động thì ăn xôi, cơm nắm…
Tuy nhiên, ông cho rằng: Đa số mọi người hiện chưa ăn sáng thật sự khoa học và hợp lý. Chẳng hạn, xôi dù đủ các thành phần như protein, lipid từ đậu xanh, mỡ và hành phi nhưng số lượng rất ít, thành phần nhiều nhất là gluxit. Còn với bún thì rõ ràng có nhiều protein và đa dạng chất hơn nhưng lại hạn chế lượng chất xơ và vitamin.
‘Nếu so sánh về mặt chất lượng thì việc ăn một bát bún sẽ cân đối hơn gói xôi nhưng chi phí lại cao hơn. Ngược lại, để đảm bảo năng lượng thì bún lại không no bằng xôi được’, vị tiến sĩ này cho hay.
Có người ăn xôi có người lại thích bún, phở. Ảnh minh họa, nguồn: TN
Vậy như thế nào là bữa ăn sáng hợp lý?
Theo TS. Từ Ngữ, chúng ta không nên bỏ bữa sáng. Bữa ăn cần có thành phần tinh bột (gluxit) nhưng cũng cần bổ sung thêm lượng rau xanh nhiều hơn dù bạn có ăn đồ nước hay đồ khô.
Ông cho rằng, bữa ăn hợp lý thì cần có 13 – 15% lượng protein. Lipid thì còn tùy vào môi trường sống là nóng hay lạnh nhưng nó dao động trong khoảng 25 – 30%. Còn lại 50% là gluxit. Song, khi ăn mọi người cần chú ý ăn đa dạng và cân đối. Nếu bữa này ăn nguyên cơm, bữa sau ăn nguyên thịt thì tổng số lượng trong ngày vẫn đủ. Song, nó không được coi là bữa ăn khoa học.
Ngoài ra, mọi người không nên ăn 1 món trong nhiều bữa sáng liên tiếp. Với bún phở, đúng là nó cần thời gian tiêu hóa lâu hơn nhưng nó hoàn toàn không gây hại.
Đọc đến đây thì em thấy chúng ta bận thế thôi ăn bún phở hay xôi đều được. Quan trọng nhất là không bỏ bữa sáng ý các mẹ. Tất nhiên, cái này không áp dụng với trẻ nhỏ vì đang trong thời điểm cơ thể cần nhiều chất nên bữa sáng của chúng sẽ khác.