Mỗi lần sang thu là cơ thể của chúng ta lại dễ bị suy kiệt âm khí, dẫn tới khô họng, khô mũi và khô da. Điều này ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của chúng ta. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên ăn những thực phẩm có tác dụng dưỡng ẩm. Trong đó, một số loại củ sống dưới nước có tác dụng thanh mát, dưỡng ẩm, điều trị bệnh hiệu quả.
Thông tin này mình đọc được trên báo nên chia sẻ lại với mọi người. Những loại củ này rất dân dã, không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng. Tuy nhiên, dường như không phải ai cũng biết tới công dụng của nó đâu các mẹ.
Cụ thể là những loại nào, mọi người xem phần chia sẻ của mình ở bên dưới nha.
Củ sen rất tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa, nguồn: SK&ĐS
Củ sen
Đây là loại củ được rất nhiều mẹ nội trợ yêu thích vì nó dễ ăn mà còn có tính thanh mát. Loại củ này có ít nước, hàm lượng tinh bột cao nên giúp món ăn có độ dẻo và thơm ngon.
Theo quan niệm y học Trung Hoa, củ sen là biện pháp rất tốt để thanh lọc độc tố trong cơ thể. Những người trung niên, người già có dạ dày không tốt thì nên ăn củ sen để bổ tỳ vị, bồi bổ dạ dày. Người kém ăn có thể dùng củ sen xào với rau cần tây hoặc xay thành tinh bột, rất phù hợp với người có nhu động đường tiêu hóa kém.
Người Hàn Quốc gọi củ sen là ‘nhân sâm dưới nước’ và thường dùng nó trong các bữa ăn. Họ còn dùng củ sen khô giúp cải thiện đường hô hấp, lọc máu và dễ ngủ hơn. Người Ấn Độ còn dùng củ sen để điều trị huyết áp, cầm máu, thiếu máu do bị rong huyết, bảo vệ tim, điều hòa nhiệt độ, loại bỏ chất nhầy…
Củ mã thầy
Loại củ này có bề ngoài không được đẹp vì màu đen sì, nhiều rễ bám quanh thân. Tuy nhiên, khi bóc lớp này ra thì sẽ lộ phần thịt trắng như tuyết.
Y học Trung Hoa nhận định: Củ mã thầy có vị ngọt. Nó rất tốt với kinh mạch phổi, nhất là những người hay bị ho, dung tích phổi thấp. Loại củ này làm ẩm phổi nên giúp giảm các triệu chứng đường hô hấp.
Hơn nữa, trong củ mã thầy còn có chứa chất xơ với công dụng bài tiết đường tiêu hóa, chữa bệnh táo bón do dạ dày gây ra.
Ngoài ra, củ mã thầy còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông dạ dày. Đây cũng là thực phẩm hay được dùng để giải cảm hanh khô vào mùa thu.
Củ ấu và củ mã thầy. Ảnh minh họa, nguồn: Eva
Củ ấu
Củ ấu sau khi luộc chín có mùi thơm nhẹ, đập vỏ ra bên trong là thịt trắng, bở. Củ ấu có thể ăn cả sống lẫn chín.
Nước củ ấu sống có khả năng làm dịu cơn khát. Trong khi củ ấu luộc chín mới ăn có thể tăng cường sức khỏe lá lách. Nếu ăn quá nhiều dầu mỡ, bạn có thể ăn củ ấu, có thể giúp thanh hỏa, khử khô, rất thích hợp với những người khó tiêu, ăn nhiều dầu mỡ.
Củ ấu non ăn sống có công dụng chống nóng chống nắng, giải độc say rượu, trừ rôm sảy. Trái ấu già có tác dụng kiện tỳ bổ khí, dùng cho trường hợp tỳ hư tiết tả, kinh nguyệt quá nhiều, trĩ xuất huyết, chống suy nhược.
Sở dĩ củ ấu có thể được sử dụng làm lương thực chính là vì nó có chứa nhiều năng lượng. Tinh bột có chứa từ 50 – 90%. Đồng thời, củ ấu còn chứa glucose, protein, canxi, photpho, sắt, vitamin nhưng rất ít chất béo.
Củ súng
Củ súng là phần củ của cây hoa súng, sống dưới nước, mọc hoang trong ao, hồ, ruộng nước. Mọi người thường trồng làm cảnh và lấy cuống hoa. Song, ít ai biết được, củ của nó còn có thể làm thức ăn.
Củ của loại cây này có tác dụng chữa di mộng tinh, bồi bổ khí lực, tăng cường sức khỏe. Đồng thời, nó còn có thể cải thiện tình trạng suy nhược cơ thể, đổ mồ hôi trộm. Loại củ này cũng có tác dụng chữa ho, rát cổ do viêm họng. Ngoài ra, nó cũng có khả năng hỗ trợ điều trị hen suyễn ở người già và trẻ nhỏ.
Đây là những thông tin mà mình tổng hợp được trên báo chí chính thống, muốn chia sẻ lại với các mẹ để biết mà sử dụng. Chứ những củ này dân dã nhưng nhiều người chưa biết nó tốt như nào đâu.