Áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng với thực phẩm toàn phần giàu chất xơ có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của bệnh trĩ, hay còn gọi là bệnh lòi dom theo dân gian.

Bệnh trĩ, thường được gọi là trĩ, là tình trạng các tĩnh mạch bị viêm, sưng bao quanh hậu môn hoặc ở phần dưới trực tràng, nơi chất thải tích tụ trước khi được tống ra ngoài dưới dạng phân.

Bệnh trĩ có thể phát triển bên trong trực tràng gọi là trĩ nội, hoặc dưới da xung quanh hậu môn gọi là trĩ ngoại:

  • Trĩ nội: Là tình trạng búi trĩ xuất hiện từ phía trên đường lược – là đường hình răng cưa, ranh giới giữa lớp trong cùng (biểu mô) của hậu môn và trực tràng.
  • Trĩ ngoại: Là tình trạng búi trĩ xuất hiện ở phía dưới đường lược, và nằm bên dưới lớp da của hậu môn.

Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường và Tiêu hóa và Bệnh thận (NIDDK), cứ 20 người Mỹ thì có 1 người mắc bệnh trĩ. Khoảng 50% người lớn trên 50 tuổi có thể mắc phải căn bệnh này vào một thời điểm nào đó.

Chế độ ăn uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh trĩ.

Ở nội dung sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những loại thực phẩm giàu chất xơ tốt nhất dành cho người bệnh trĩ và những loại thực phẩm cần tránh. Ngoài ra, còn có thêm một số biện pháp giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh trĩ.

Chế Độ Ăn Uống Có Thể Hỗ Trợ Cho Người Bệnh Trĩ Ra Sao?

Ăn nhiều chất xơ, ít chất béo, thực phẩm toàn phần thường có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh trĩ. Đó là bởi vì chất xơ dường như có thể:

  • Tăng trọng lượng phân, giảm thời gian phân ở trong ruột già (thời gian vận chuyển ruột già)
  • Tăng khả năng giữ nước ở đại tràng, làm phân mềm và dễ thải ra ngoài hơn
  • Giảm nồng độ pH trong ruột già, từ đó làm giảm thời gian vận chuyển ruột già hoặc lượng thời gian cần thiết để thức ăn di chuyển qua ruột già.

Theo Hướng dẫn Chế độ ăn uống cho người Mỹ phiên bản 2015 – 2020, một người bình thường nên cố gắng tiêu thụ 14 gam (g) chất xơ trong 1.000 calo.

Chế độ ăn uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh trĩ.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Những Loại Thực Phẩm Nên Ăn

Có rất nhiều loại thực phẩm có chứa chất xơ, tuy nhiên sau đây là một trong những loại tốt nhất để ngăn ngừa bệnh trĩ:

Cám Mì và Lúa Mì Vụn

Chỉ cần 1/3 đến 1/4 cup ngũ cốc cám ăn liền, giàu chất xơ có từ 9.1 – 14.3 g chất xơ. 1  đến  1/4 cup ngũ cốc lúa mì ăn liền dạng vụn có từ 5 – 9 g chất xơ.

Cám lúa mì và lúa mì vụn có chứa chất xơ không hòa tan, làm tăng trọng lượng cho phân và dễ đi ngoài hơn.

Mận Khô

Mận, dù đã nấu chín hay sấy khô, đều rất giàu chất xơ. Khoảng 3.8 g chất xơ có thể được tìm thấy chỉ trong nửa cup mận hầm.

Mận khô cũng có thể giúp dạ dày cảm thấy no lâu hơn, giảm nhu cầu ăn thường xuyên. Theo một báo cáo được công bố vào năm 2009, điều này có thể giúp giảm táo bón và béo phì, đây có thể là những yếu tố nguy cơ gây bệnh trĩ.

Các hợp chất phenol có trong mận khô có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng bằng cách hoạt động như một chất kháng khuẩn trong đường tiêu hóa.

Táo

Theo một bài báo xuất bản vào năm 2020, táo là một nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời. Một quả táo vừa còn nguyên vỏ có chứa khoảng 4.4 g chất xơ, giúp nó trở thành một trong những loại trái cây giàu chất xơ nhất.

Vỏ táo có chứa các chất xơ không hòa tan, loại chất xơ này không bị phân hủy trong quá trình tiêu hóa và hỗ trợ làm đầy phân, có tác dụng nhuận tràng.

Lê rất giàu chất xơ và nhiều hợp chất khác rất có lợi cho những người mắc bệnh trĩ. Một quả lê còn nguyên vỏ có thể chứa khoảng 6 g chất xơ. Lê cũng chứa đường fructose, có thể hoạt động như một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên.

Lúa Mạch

Lúa mạch chứa nhiều một loại chất xơ được gọi là β – glucan, chất xơ này sẽ phân hủy và tạo thành một loại gel nhớt trong ruột già, giúp làm mềm phân. Nghiên cứu cũng cho thấy tiêu thụ lúa mạch có thể giúp tăng cường sức khỏe ruột già.

Ngô

Một cup ngô ngọt nấu chín có khoảng 4.2 g chất xơ. Ngô đã được sử dụng như một phương thuốc chữa bệnh trĩ từ lâu đời.

Điều này có thể là do ngoài chất xơ, ngô còn chứa chất chống oxy hóa mạnh giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào do các gốc tự do, cùng nhiều hợp chất khác có khả năng giảm đau.

Một cup bột yến mạch nấu chín có khoảng 4 g chất xơ. Chất xơ trong yến mạch có thể cải thiện sức khỏe đường ruột. Nó cũng giúp làm mềm phân, giúp dễ đi ngoài hơn và giảm nguy cơ rặn.

Đậu Lăng

Các loại đậu như đậu lăng, đậu gà, đậu lima và đậu tách hạt, là một trong những nguồn cung cấp chất xơ hàng đầu. Một cup đậu lăng nấu chín có khoảng 15.6 g chất xơ.

Và một số nghiên cứu cho thấy tiêu thụ đậu lăng xanh giúp làm tăng đáng kể trọng lượng của phân và giảm thời gian phân ở trong ruột già.

Bánh Mì Nguyên Cám, Mì Ống và Ngũ Cốc

Các sản phẩm lúa mì nguyên hạt chưa qua chế biến hoặc sơ chế rất giàu chất xơ không hòa tan, giúp tăng trọng lượng phân và thời gian vận chuyển đến ruột già.

Để tăng cường chất xơ, hãy chọn các sản phẩm lúa mì nguyên hạt có chứa nhiều loại hạt.

Có thể bạn quan tâm: Chất Xơ Giúp Bảo Vệ Đường Ruột Chống Lại Sự Ăn Mòn Của Vi Khuẩn

vgye6e6ew

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Quả Mọng

Các loại quả mọng như mâm xôi, dâu đen và dâu tây, có tỷ lệ vỏ trên thịt cao, có nghĩa là chúng chứa rất nhiều chất xơ trong mỗi khẩu phần ăn. Một khẩu phần 100 gam quả mâm xôi có khoảng 6.5 g chất xơ.

Các loại quả mọng cũng chứa nhiều nước, giúp làm mềm phân và giữ cho hệ thống tiêu hóa hoạt động trơn tru. Ngoài ra, chúng còn chứa fructose, có tác dụng nhuận tràng tự nhiên.

Atisô

Atisô và các loại cây kế (họ hàng của Atisô) được sử dụng để chữa bệnh trĩ trong một số hệ thống y học cổ truyền. Hàm lượng chất xơ cao của chúng có thể là một yếu tố góp phần. Một bông atisô nấu chín cỡ trung bình có khoảng 10.3 g chất xơ.

Khoai Lang và Khoai Tây

Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ 2015 – 2020, một củ khoai lang nướng cỡ vừa còn nguyên vỏ chứa 3.8 g chất xơ. Một củ khoai tây cỡ vừa nướng cả vỏ chứa khoảng 3.6 g chất xơ.

Cả khoai lang và khoai tây đều có chất xơ hòa tan và không hòa tan. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy tác dụng nhuận tràng của chất xơ trong khoai lang mạnh hơn nhiều so với nhiều loại rau củ khác.

Bông Cải Xanh

Một cup bông cải xanh luộc chứa khoảng 5.1 g chất xơ. Bông cải xanh cũng chứa một hợp chất gọi là sulforaphane, có thể giúp cải thiện tiêu hóa và bảo vệ đường ruột.

Trong một nghiên cứu năm 2017, tiêu thụ 20 g mầm bông cải xanh sống mỗi ngày trong 4 tuần giúp giảm bớt các triệu chứng táo bón và đẩy nhanh nhu động ruột, từ đó giảm thiểu nguy cơ rặn.

Cà Chua

Cà chua chứa chất xơ và nước, vừa có thể giảm táo bón vừa giúp đại tiện dễ dàng hơn.

Cà chua cũng chứa naringenin, một chất chống oxy hóa tự nhiên mà các nhà khoa học đã chứng minh là có tác dụng nhuận tràng đối với một số dạng táo bón.

Trái Cây Có Múi

Đường chỉ bao quanh phần múi của những loại trái cây có múi, chẳng hạn như chanh, cam và bưởi, chứa rất nhiều chất xơ.

Tương tự như cà chua, trái cây có múi cũng chứa naringenin, một hợp chất có tác dụng nhuận tràng. Chúng cũng chứa nhiều nước, giúp giảm táo bón và làm mềm phân.

Kiwi

Theo FoodData Central, 100 g kiwi chứa khoảng 3 g chất xơ và rất nhiều nước.

Nghiên cứu cho thấy quả kiwi có thể hoạt động như thuốc nhuận tràng, tăng cường tần suất và đi tiêu dễ dàng, đồng thời tăng trọng lượng phân, từ đó làm giảm thời gian vận chuyển qua ruột già.

Ngoài ra, loại quả này cũng chứa enzyme zyactinase, có thể giúp giảm táo bón bằng cách cải thiện hệ tiêu hóa.

Các Loại Đậu

Tương tự như nhiều loại đậu khác, các loại đậu khô rất giàu chất xơ. Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ 2015 – 2020, nửa cup đậu trắng nấu chín có chứa đến 9.6 g chất xơ, trong khi nửa cup đậu tây chỉ chứa khoảng 5.7 g chất xơ.

Ăn nhiều chất xơ, ít chất béo, thực phẩm toàn phần thường có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh trĩ.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Những Loại Thực Phẩm Cần Tránh

Thực phẩm đã qua chế biến và những món chứa nhiều chất béo, đường hoặc carbohydrate tinh chế cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc phải những triệu chứng gây ra bệnh trĩ, đặc biệt là táo bón.

Để ngăn ngừa các triệu chứng bệnh trĩ hoặc nguy cơ mắc phải, một người có thể cần tránh:

  • Đồ chiên và đồ mặn
  • Khoai tây chiên và nhiều loại snack khác
  • Sản phẩm sữa nguyên béo
  • Thực phẩm chế biến sẵn hoặc chế biến nhiều
  • Thịt đỏ
  • Kẹo và sôcôla
  • Soda, đồ uống thể thao, nước tăng lực và cà phê có thêm sữa, đường hoặc kem
  • Rượu bia
  • Uống quá nhiều caffein

Biện Pháp Giúp Hỗ Trợ Điều Trị Và Phòng Ngừa Bệnh Trĩ

Có một số biện pháp khắc phục tại nhà và thói quen sinh hoạt có thể giúp điều trị bệnh trĩ hoặc giảm nguy cơ mắc phải, chẳng hạn như:

  • Sử dụng kem bôi trĩ không kê đơn (OTC) hoặc viên trĩ (thuốc đặt hậu môn) trong khoảng 1 tuần trước khi tìm đến chuyên gia chăm sóc sức khỏe
  • Sử dụng thuốc nhuận tràng OTC hoặc thuốc làm mềm phân
  • Tránh nâng vật nặng khi có thể và nâng bằng đầu gối
  • Cố gắng tránh rặn khi đi tiêu, nhịn đi tiêu hoặc ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu
  • Giữ nước bằng cách uống nước, nước ép trái cây, nước canh trong, hoặc nhiều loại chất lỏng khác có thể cải thiện sự hấp thụ chất xơ từ chế độ ăn kiêng
  • Sử dụng thuốc giảm đau OTC
  • Tắm ngồi, ngâm mình trong bồn nước ấm, vài lần mỗi ngày
  • Duy trì cân nặng ở mức phù hợp được khuyến nghị
  • Tránh giao hợp qua đường hậu môn
  • Tập thể dục thường xuyên

hemorrhoid treatments and home remedies 89353 5c04b0c5c9e77c000149cec6

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Tổng Kết

Ăn thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như các loại đậu (đậu trắng, đậu lăng, đậu gà), trái cây và rau củ, với tỷ lệ da trên thịt và hàm lượng nước cao, cùng ngũ cốc nguyên hạt, có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh trĩ và ngăn ngừa chúng.

Người bệnh nên tăng dần lượng chất xơ ăn vào để giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, chẳng hạn như chướng bụng và đầy hơi.

Họ cũng nên tìm đến ​​bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời nếu bệnh trĩ ngày càng trở nặng, kích thước phát triển to hơn hoặc không cải thiện sau 2 tuần tự chăm sóc và điều chỉnh chế độ ăn uống.


Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com

Dịch giả Trinh Lê

https://anchay.vn/kien-thuc-an-chay/thuc-pham-cho-nguoi-benh-tri.html