Những năm gần đây, người ta ngày càng quan tâm đến siêu thực phẩm, adaptogen (những chất tự nhiên có thể giúp cơ thể tránh khỏi căng thẳng) và thực phẩm chữa bệnh khi chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn về những gì chúng ta ăn và hấp thụ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh sức khỏe thể chất và tâm lý của chúng ta.
Thực tế, có một lĩnh vực khoa học đang mở rộng được gọi là dinh dưỡng học, lĩnh vực này nghiên cứu cách thức ăn ảnh hưởng đến biểu hiện gen và góp phần vào sức khỏe hoặc nguy cơ bệnh tật và cách một chế độ ăn uống lành mạnh được cá nhân hóa có thể được sử dụng để ngăn ngừa và giảm thiểu các bệnh mãn tính.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi có nhiều loại thực phẩm và thành phần mà bạn có thể đã sử dụng hàng ngày, có chứa các hợp chất cụ thể mang lại cho chúng các dược tính có thể phòng chống bệnh tật và giúp làm chậm tác động của lão hóa. Dưới đây là danh sách một số nguồn thuốc từ thực vật yêu thích của chúng tôi.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Nghệ
Củ nghệ đã được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ và Đông Nam Á trong hàng ngàn năm như một loại gia vị và dược liệu. Các hợp chất hoạt tính sinh học trong củ nghệ, được gọi là curcuminoids, và hợp chất được nghiên cứu nhiều nhất về các đặc tính và lợi ích chữa bệnh của nó, được gọi là curcumin.
Khía cạnh tác động mạnh mẽ nhất của curcumin là nó có đặc tính kháng viêm và chống viêm khớp. Một dạng curcumin có khả năng sinh học cao đã được phát hiện là có hiệu quả hơn trong việc làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp so với các loại thuốc chống viêm không chứa steroid thông thường.
Một trong những đặc tính được chấp nhận rộng rãi hơn của curcumin trong cộng đồng khoa học trên thực tế là khả năng kiểm soát cơn đau bằng cách ngăn chặn các chất dẫn truyền viêm nhiễm, và vì vậy nó có thể hữu ích cho nhiều tình trạng bệnh.
Ví dụ, những người mắc bệnh tiêu hóa mãn tính, chẳng hạn như IBS, bệnh Crohn và viêm loét đại tràng, có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng và giảm việc sử dụng corticosteroid trong điều trị kê đơn – biện pháp này có thể làm giảm đau nhưng làm hỏng niêm mạc ruột theo thời gian và thực sự làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Vì lợi ích của nghệ bao gồm các đặc tính chống viêm và chống oxy hóa nên nó cũng có thể có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh về da. Nó có thể giúp tăng tốc độ chữa lành vết thương, làm dịu lỗ chân lông để giảm mụn trứng cá và sẹo, đồng thời làm dịu các đợt bùng phát của bệnh vẩy nến.
Tất nhiên, hầu hết các nghiên cứu về loại thảo mộc này được thực hiện bằng cách sử dụng chất chiết xuất từ củ nghệ có chứa chủ yếu là chất curcumin, với liều lượng thường vượt quá 1 gam mỗi ngày.
Thật khó để đạt được mức này từ gia vị nghệ trong thực phẩm thông thường, nhưng điều đó không có nghĩa là sử dụng nó trong món cà ri chay yêu thích hoặc thưởng thức sữa nghệ hàng ngày sẽ không có lợi cho sức khỏe. Chỉ cần nhớ luôn ăn cùng với hạt tiêu đen – có chứa piperine, vì chất curcumin được hấp thụ vào máu khá kém.
Khi lựa chọn sử dụng các chất bổ sung với liều lượng cao, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Những người đang dùng một số loại thuốc cũng nên cẩn thận khi bổ sung vì nghệ có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc chống đông máu, thuốc không chứa steroid và thuốc chống viêm.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Gừng
Gừng là một loại cây khác có lịch sử rất lâu đời, với dược tính của mình, gừng được sử dụng làm trong các phương thuốc cổ truyền và thuốc thay thế giúp cải thiện tiêu hóa, giảm buồn nôn hoặc giúp chống cảm lạnh và cúm. Bạn có thể tìm thấy nó ở nhiều dạng như tươi, khô, ngâm và dạng bột.
Hợp chất hoạt tính sinh học chính chịu trách nhiệm về đặc tính chữa bệnh của gừng là gingerol, một trong những loại dầu tự nhiên có trong loại củ này.
Công dụng phổ biến và nổi tiếng nhất của gừng là khả năng làm giảm các triệu chứng buồn nôn và nôn nhờ tính chất tống hơi (có thể phá vỡ và tống khí ra ngoài) và đặc tính chống co thắt. Gừng thường được khuyên dùng để ngăn ngừa say sóng, ốm nghén khi mang thai và cũng có thể làm giảm buồn nôn và nôn sau khi trải qua phẫu thuật hoặc hóa trị.
Nhưng đặc tính chính của gingerol là chống viêm, giống như nghệ, có thể có hiệu quả trong việc kiểm soát và giảm đau do viêm khớp cũng như giảm tần suất, liều lượng sử dụng thuốc giảm đau.
Chiết xuất gingerol đã được báo cáo là có tác dụng giảm đau, chống viêm mạnh và dầu gừng dùng qua đường uống có thể làm giảm đáng kể sưng khớp. Sự kết hợp của gừng, bột mastic, quế và dầu mè, có thể làm giảm đau và cứng khớp ở bệnh nhân viêm xương khớp khi bôi tại chỗ.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Nấm
Một số loài nấm từ lâu đã được sử dụng trên khắp châu Á cho mục đích y học vì chúng được biết là có nhiều dược tính trị liệu khác nhau. Nhiều nghiên cứu khoa học đã xác nhận việc sử dụng truyền thống và đã chứng minh lợi ích sức khỏe của nấm bao gồm các đặc tính chống oxy hóa và chống tăng huyết áp, bảo vệ gan, chống viêm, chống vi rút và chống vi khuẩn.
Các loại nấm dược liệu như linh chi, nấm chaga, nấm maitake và nấm hầu thủ kích thích các đại thực bào và tăng mức độ yếu tố hoại tử khối u (TNF) và interleukin (cả hai hợp chất chống viêm) cũng như tế bào lympho T và B. Ví dụ, nấm shiitake được biết là làm tăng tế bào T, tế bào T tiêu diệt tự nhiên và mức độ cytokine chống viêm.
Thêm vào đó, chúng dường như cải thiện hiệu suất các hoạt động thể thao và tăng cường oxy hóa máu, vì vậy một ly cà phê nấm thơm ngon có thể là thức uống lý tưởng trước hoặc sau khi tập luyện.
Điều quan trọng là hãy chọn các loại nấm được trồng hữu cơ, vì nấm hấp thụ và chứa mọi thứ từ đất nơi chúng được trồng, chẳng hạn như kim loại nặng, chất gây ô nhiễm không khí và nước.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tỏi
Loại cây này không chỉ mang lại hương vị thơm ngon cho bữa ăn mà còn có những đặc tính chữa bệnh tuyệt vời đã được biết đến từ thời cổ đại.
Hầu hết các tác dụng tích cực đối với sức khỏe là do một trong những hợp chất lưu huỳnh được hình thành khi một tép tỏi được cắt nhỏ, nghiền nát hoặc nhai. Hợp chất này được gọi là allicin, cũng chính là chất tạo ra mùi hăng. Mặc dù chúng ta thường chỉ ăn tỏi, nhưng allicin có thể di chuyển từ đường tiêu hóa và phát huy tác dụng sinh học mạnh mẽ của nó trên toàn bộ cơ thể.
Bổ sung tỏi được biết là giúp tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch và việc bổ sung chiết xuất tỏi hàng ngày có thể làm giảm số lần và thời gian mắc cảm lạnh cũng như khả năng tái phát bệnh cúm.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy việc bổ sung tỏi có tác động tích cực trong việc giảm huyết áp ở những người bị tăng huyết áp. Tất nhiên, tác dụng này sẽ khó đạt được khi tiêu thụ tỏi tươi, vì vậy nó cần được kê đơn ở dạng chiết xuất. Vì lý do này, những người hiện đang dùng các loại thuốc chống đông máu và huyết áp cao khác nên rất cẩn thận khi bổ sung tỏi.
Ngoài ra, do đặc tính chống vi-rút và chống nấm, tỏi có thể được sử dụng để cải thiện tình trạng nhiễm nấm candida và dầu tỏi có thể được bôi lên da hoặc móng tay để điều trị nhiễm nấm.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Quế
Loại gia vị ngọt ngào thơm ngon này không chỉ là thành phần chứa dược tính có mùi và vị ngon nhất để thêm vào sô cô la nóng, bánh quy, món tráng miệng và trà, mà nó còn chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa bảo vệ có hoạt tính chống viêm mạnh mẽ.
Giảm viêm có nghĩa là dầu và chiết xuất quế có thể có lợi trong trường hợp đau mãn tính như đau nửa đầu và viêm khớp, vì quế có thể thúc đẩy lưu thông máu, giúp kích thích và đẩy lưu thông máu đến các dây thần kinh và khớp.
Cho dù được sử dụng dưới dạng trà, dầu hay chiết xuất, quế đều chứa một lượng lớn hợp chất hoạt tính gọi là cinnamaldehyde, một hợp chất có đặc tính chữa bệnh. Trên thực tế, loại gia vị này ở dạng bổ sung cô đặc nổi tiếng giúp kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách cải thiện tình trạng kháng insulin.
Quế tác động trực tiếp trên các tế bào cơ, buộc chúng loại bỏ đường khỏi máu, nơi nó được chuyển hóa thành năng lượng bằng cách can thiệp vào nhiều enzym tiêu hóa làm chậm quá trình phân hủy carbohydrate trong đường tiêu hóa.
Ngoài ra, quế đã được chứng minh là có khả năng chống lại các yếu tố nấm, vi khuẩn và virus trong thực phẩm, và trong y học cổ truyền, nó được sử dụng để cải thiện các vấn đề về tắc nghẽn phổi, vì nó giúp làm sạch chất nhầy và khuyến khích lưu thông khí.
Một lần nữa, tác dụng chữa bệnh có thể được nhìn thấy với liều lượng có thể cao hơn mức tiêu thụ hàng ngày, sử dụng loại gia vị này như một phần trong bữa ăn, thêm nó vào cả món ngọt và món mặn, sẽ không chỉ mang lại hương vị thơm ngon mà còn tốt cho sức khỏe.
Bài viết được dịch từ www.veganfoodandliving.com
Dịch giả Trinh Lê
https://anchay.vn/kien-thuc-an-chay/10-thanh-phan-co-duoc-tinh-2.html