Mỗi tuần, nữ tiến sĩ trẻ đều gọi video cho bà chủ trọ ngoại quốc, người mà chị mang ơn vô cùng trong quãng thời gian xa xứ du học đầy khó khăn. 

Những câu chuyện về tình người đối đãi với nhau ấm áp, bất kể có khoảng cách về quốc gia luôn có sức hút to lớn đối với tôi. Chẳng hạn như câu chuyện của TS. Vũ Thị Tần (37 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) mà tôi vừa có dịp đọc trên trang Vietnamnet.

Hiện, TS. Vũ Thị Tần giảng dạy các môn Vật liệu vô cơ tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo như Vietnamnet đăng tải thì chị Tần đam mê Hóa học từ nhỏ. Ba năm học cấp 3, chị đều đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Hóa cấp tỉnh. Sau đó, chị thi đậu vào khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2005, chị được nhận học bổng du học Nga. Nhờ vượt khó và chăm chỉ học hành mà chị Tần tốt nghiệp đại học với điểm trung bình 3,81/4. 

hình ảnh

TS. Vũ Thị Tần nhận medal cho thành tích nghiên cứu ở Nga (Ảnh NVCC/Vietnamnet)

Sau khi tìm hiểu, chị Tần biết các nước EU có nhiều trung tâm hiện đại phục vụ nghiên cứu. Vì vậy, chị liền săn tìm học bổng, tự học thêm tiếng Anh. “Ngày đó, tiếng Anh của tôi rất kém, bởi cấp 3 chỉ học trường làng. Sang Nga, tôi lại tập trung học tiếng Nga, không có thời gian trau dồi tiếng Anh. Năm cuối đại học ở Nga, tôi thường vào thư viện trường, tìm tài liệu tự học tiếng Anh”, chị chia sẻ. 

Sở dĩ chị Tần chọn học tiến sĩ ở đất nước Tây Ban Nha là vì quốc gia này không đặt nặng yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh mà chú trọng về thành tích nghiên cứu và điểm GPA. Tháng 6/2010, chị trúng tuyển, nhận được học bổng do chính phủ Tây Ban Nha tài trợ. Nơi chị đến là Oviedo, không có người Việt mà bản thân chị lại không biết tiếng Tây Ban Nha, chỉ có vốn tiếng Anh ít ỏi. 

Ngoài tiếng Anh, chị tần phải học thêm tiếng Tây Ban Nha nhưng vì chỉ có ít tiền trước khi nhận học bổng hàng tháng nên chị không thể theo học ở các trung tâm ngoại ngữ. Cô gái trẻ khi ấy đành tự học qua mạng, truyền hình, người bản địa. Sau 3 tháng thì chị bập bẹ nói được vài câu thông dụng. 

Ở nơi lạ nước lạ cái, may mắn là chị Tần được nhiều người giúp đỡ. Trong số ấy, ấn tượng nhất là chủ nhà trọ và một gia đình người Tây Ban Nha. Cứ cuối tuần, chị thường đến nhà họ ăn uống, nghỉ ngơi. Vì mang ơn nên đến giờ, chị Tần vẫn trân trọng và giữ liên lạc. Hằng tuần đều tranh thủ gọi video hỏi thăm, chuyện trò. “Bà chủ trọ và gia đình người Tây Ban Nha yêu thương và xem tôi như con gái. Hàng năm, tôi đều sang Tây Ban Nha thăm họ”, chị Tần kể.

hình ảnh

hình ảnh

Cô gái Việt được gia đình bà chủ trọ ở Tây Ban Nha yêu thương như con gái ruột (Ảnh NVCC/Vietnamnet)

Do muốn thử sức và học hỏi kinh nghiệm làm việc ở Tây Ban Nha nên chị Tần mạnh dạn đăng ký ứng tuyển vào tập đoàn thép lớn nhất thế giới. Chị xuất sắc vượt 3.000 ứng viên và 6 cuộc thi, 2 lần phỏng vấn để được nhận vào đội ngũ 30 kỹ sư chất lượng cao phục vụ kế hoạch nghiên cứu của tập đoàn. Cô gái Việt Nam nhỏ bé đã vận dụng kiến thức học được ở Nga và Tây Ban Nha để đóng góp cho tập đoàn 15 sáng chế về lĩnh vực vật liệu. Đọc mà tự hào quá phải không mọi người?

hình ảnh

TS. Vũ Thị Tần làm việc ở tập đoàn thép (Ảnh NVCC/Vietnamnet)

Nhiều năm xa quê và giữ tình yêu đối với Việt Nam, chị Tần cuối cùng cũng trở về quê hương, tham gia giảng dạy bộ môn Công nghệ các chất vô cơ, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội. “Qua tìm hiểu, tôi biết tình hình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đang phát triển rất tốt. Các nhà khoa học trẻ được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Ngoài ra, bố mẹ tha thiết, mong tôi về bên cạnh. Người yêu cũng trông ngóng tôi suốt nhiều năm”, chị nói thêm. Bên cạnh đó, chị còn khởi nghiệp với các sản phẩm tẩy rửa từ ý tưởng góc bếp nghèo của mẹ. 

Phải nói rằng, thành công hiện tại của TS. Vũ Thị Tần là kết quả của sự hội tụ nhiều yếu tố tích cực. Đó là tố chất thông minh, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân chị, là công ơn của đấng sinh thành, là lòng tốt của quý thầy cô, bạn bè và cả những con người tốt bụng như bà chủ trọ, gia đình người Tây Ban Nha... Bản thân tôi cũng ngưỡng mộ chị vô cùng, không chỉ là ngưỡng mộ tinh thần vượt khó học tập của chị mà còn ngưỡng mộ cái cách chị sống hướng về quê hương. Khi đang có một vị trí công việc rất tốt bên Tây Ban Nha nhưng chị vẫn quyết định về Việt Nam cống hiến và khởi nghiệp.