Sự an toàn của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn, nên đừng bao giờ xem nhẹ việc cẩn trọng ngay chính trong gia đình mình.
Mới cách đây mấy ngày thôi các mẹ, đọc cái tin trên báo mà tức ghê luôn. Nghĩa sao mà chai đựng xăng đem bỏ vô tủ lạnh, rồi bà thấy xanh xanh còn đem đưa cho trẻ uống. Cũng may là em bé được đưa đi viện kịp, nhưng mà chắc chắn là sau này con cũng sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ khi uống nhầm xăng. Mà lỗi cũng chẳng phải do con vì con quá bé bỏng. Nhưng các mẹ ơi, đừng bao giờ để những thứ như thế trong nhà, và cũng nên chú ý đến con mọi lúc mọi nơi. Những tai nạn như thế thật lòng em thấy thương các con bé dại quá.
Ảnh TĐP
Mới đây em đọc trên báo Thanh Niên thì Khoa Nhi – Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh có tiếp nhận và xử trí cho một bệnh nhi 15 tháng tuổi. Được biết trước đó gia đình có mua một loại diệt chuột dạng viên màu hồng không rõ tên để trong nhà. Bề ngoài nhìn chẳng khác gì cốm hay kẹo ngọt.
Gia đình cho biết, trước vào viện khoảng 30 phút, trẻ vô tình nuốt phải viên diệt chuột này. Gia đình đã kịp thời phát hiện, lấy bỏ được ½ viên thuốc từ miệng trẻ và nhanh chóng đưa trẻ cấp cứu. Sau khi khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng, các bác sĩ đã tiến hành rửa dạ dày, làm các xét nghiệm cần thiết và theo dõi sức khỏe của trẻ. May mắn là em bé đã được cứu sống, may mắn hơn cả là gia đình đã đưa bé kịp thời đến viện. Chứ trước đây đã từng có trường hợp 3 anh em trong một nhà nhặt ống si rô lạ ngoài đường, uống vào thì bé không qua khỏi, bé thì cấp cứu.
Ảnh TNO
Bác sĩ khuyến cáo trẻ ăn phải liều lượng diệt chuột có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như co giật, rối loạn nhịp tim, suy thận, rối loạn đông máu (xuất huyết não, xuất huyết phổi, xuất huyết tiêu hoá...), thậm chí không qua khỏi. Người nhà cần thận trọng, cất giữ đúng nơi và tránh xa tầm tay trẻ, do những viên này thường có màu sắc bắt mắt khiến trẻ nhỏ tò mò nhặt cho vào miệng.
Em bé trên mới 15 tháng thôi đó các mẹ. Tuổi này là bắt đầu học đi học nói, thích khám phá tìm tòi, sẩy mắt 1 phát là có chuyện liền. Chẳng nói đâu xa, vừa rồi các bác sĩ Đơn vị bỏng, khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị cho bé gái T.N., 19 tháng tuổi, ở Hà Nội, bị bỏng vùng cổ. Mẹ bé cho biết chị có mua chai xịt tẩy dầu mỡ về để tẩy rửa dầu mỡ bám trên máy hút mùi của gia đình. Trong lúc người lớn bất cẩn, cháu bé đã cầm lấy chai này và bấm vào vòi xịt khiến một phần hoá chất xịt vào vùng cổ trái của bé. Mẹ thấy cổ của con đỏ lên liền cho bé rửa cổ dưới vòi nước một vài giây. Tuy nhiên, em bé tỏ ra đau đớn và khóc nhiều nên gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Mặc dù em bé 19 tháng đến bệnh viện ngay, nhưng không được sơ cứu ban đầu tốt, nên khi vào đến viện, hóa chất còn tồn đọng trên da làm tổn thương bỏng sâu thêm, chừng 1% (100cm2). May mắn là không vào những vùng nguy hiểm như mắt. Qua điều trị, vùng da bị bỏng của em bé đã dần hồi phục. Nói thật với các mẹ chứ hóa chất như này, xịt vào da người lớn còn không chịu nổi, huống gì là làn da non nớt của con trẻ.
Ảnh BVNTW
Qua những trường hợp trên, có thể thấy những tai nạn trong nhà ở trẻ dưới 2 tuổi phần lớn đều xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn. Các mẹ nhớ lưu trữ hóa chất và sản phẩm gia dụng thì cần chú ý những điểm sau:
- Giữ tất cả các hóa chất gia dụng và các sản phẩm tẩy rửa - bao gồm cả viên tẩy rửa cho máy rửa bát hoặc máy giặt - ngoài tầm nhìn và trong tủ có nắp chống trẻ em
- Để các sản phẩm có khả năng gây hại ở trên cao và xa tầm với - không bao giờ để dưới bồn rửa hoặc trên sàn nhà cạnh nhà vệ sinh.
- Di chuyển sản phẩm ra xa tầm tay trẻ nếu bố mẹ bị gọi đi khi đang sử dụng - ví dụ: nếu điện thoại đổ chuông khi mẹ đang dọn dẹp nhà vệ sinh
- Vứt bỏ các thùng rỗng một cách an toàn và xa tầm với của trẻ
Mẹo sử dụng hóa chất và sản phẩm gia dụng trong nhà có trẻ nhỏ:
- Tìm kiếm các sản phẩm có nắp chống trẻ em nhưng hãy nhớ điều này không làm cho chúng bớt nguy hiểm - một số trẻ em dưới ba tuổi có thể mở chúng trong vài giây.
- Hãy nhớ rằng viên nang chất tẩy rửa vẫn có thể nguy hiểm nếu trẻ cầm hoặc bóc trên tay.
- Tìm kiếm các sản phẩm có chất gây đắng - điều này làm cho chúng có mùi vị kinh khủng và giúp ngăn trẻ nhỏ nuốt phải chúng
- Hãy nhớ rằng xì gà, đồ có cồn, nước hoa, dầu thơm và nước súc miệng đều có thể gây độc cho trẻ em
- Không bao giờ để đồ sơn ở nơi có trẻ nhỏ (hoặc phụ nữ mang thai) - bụi có thể chứa chì gây hại
Bảo quản hóa chất ngoài trời
- Giữ tất cả các hóa chất như sơn, dầu, chất diệt cỏ dại và thuốc trừ sâu ở trên cao, xa tầm tay và khuất tầm nhìn
- Lắp một ổ khóa vào tủ, nhà kho hoặc nhà để xe nơi cất giữ những chất tẩy rửa này.
- Giữ tất cả các hóa chất trong các vật chứa ban đầu, có nhãn của chúng - không để chúng vào một chai hoặc thùng chứa khác
Sơ cứu
Nếu bố mẹ cho rằng con mình đã nuốt phải thuốc hoặc hóa chất độc hại, hãy hành động nhanh:
Nhận lời khuyên ngay lập tức từ dược sĩ, bác sĩ hoặc bệnh viện tai nạn và bộ phận cấp cứu
Tìm chai hoặc gói hóa chất mà trẻ nuốt phải/đụng vào và mang theo nếu đến bệnh viện
Không cho trẻ uống nước muối hoặc bất cứ thứ gì khác nếu nghi ngờ chúng nuốt hóa chất, chỉ làm ướt môi bằng nước lạnh nếu trẻ bị rát
Nếu trẻ bất tỉnh hoặc có vết bỏng ở miệng, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức
Tổ chức Ủy thác Phòng chống Tai nạn Trẻ em Hoa Kỳ (CAPT)