Trong quan niệm lâu đời của nhiều nước Á Đông, người đàn ông luôn gắn liền với hình ảnh mạnh mẽ, nam tính, là trụ cột tài chính trong gia đình. Ngược lại, người phụ nữ sẽ đảm nhận công việc bếp núc, chăm lo cho con cái, cha mẹ già.
Bởi vậy, trong nhiều năm, trong khi phụ nữ bị trói buộc với công, dung, ngôn, hạnh, nam giới cũng được kỳ vọng phải làm được những thứ “đao to búa lớn”, mạnh mẽ, đáng tin cậy. Thế nhưng giờ đây, vị trí của đôi bên có thể “tráo đổi” cho nhau, miễn là gia đình hạnh phúc.
Ví như câu chuyện của anh Lee (54 tuổi) sống cùng vợ và con gái đang học tiểu học ở thành phố Sejong (Hàn Quốc) mà tôi từng đọc trên Zing đăng tải. Mỗi ngày của anh bắt đầu bằng việc thức dậy, làm bữa sáng cho vợ - một nhân viên chính phủ - chuẩn bị đồ ăn nhẹ và nước giải khát cho con.
Khi bà xã và con gái rời nhà đến chỗ làm, trường học, Lee bắt tay rửa bát, giặt quần áo, lau nhà, đổ rác, đi chợ, cho thú cưng ăn. Anh phải làm xong bữa tối trước khi vợ tan làm về nhà. Ăn uống xong xuôi, ông bố ngoài 50 tuổi giúp con gái hoàn thành bài tập về nhà.
Lee trở thành người chồng nội trợ toàn thời gian sau khi nhà hàng pizza của anh làm ăn khó khăn và đóng cửa vào tháng 2 năm ngoái. "Tôi từ bỏ công việc bên ngoài để ở nhà nội trợ. Điều đó cũng đúng thôi vì bà xã tôi có nghề nghiệp ổn định và kiếm được nhiều tiền hơn", Lee nói.
Dù chấp nhận lùi về làm hậu phương cho vợ, nhiều quý ông châu Á vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Một người đàn ông 37 tuổi nuôi hai đứa trẻ 3 và 5 tuổi ở Hàn Quốc nói: "Bất cứ khi nào tôi đến nhà trẻ mà không có vợ đi cùng, tôi lo ngại rằng những bà mẹ khác có thể nghĩ rằng tôi là ông bố đơn thân".
Không ít người sau khi chuyển sang làm nội trợ cho biết công việc này thực chất còn đòi hỏi nhiều công sức hơn việc ngồi làm 8 tiếng/ngày ở văn phòng. Theo những ông bố Hàn Quốc, công việc nội trợ xứng đáng với mức lương khoảng 4,8 triệu won (4.239 USD), cao hơn so với mức lương trung bình hàng tháng của phụ nữ.
Baek In-woo, một người đàn ông 33 tuổi, đã làm nội trợ được hai năm, cho biết, "Tôi lo lắng rằng sau này tôi sẽ khó đi làm trở lại vì đó thường là vấn đề đối với phụ nữ khi họ nghỉ việc một thời gian”. Mặt khác, vợ chồng Baek cũng phải giữ kín chuyện chồng ở nhà tề gia nội trợ vì sợ hàng xóm, người ngoài dị nghị.
“Dù đó là quyết định của hai vợ chồng và chúng tôi đều cảm thấy hài lòng với điều đó, những người xung quanh lại có cách nhìn khác. ‘Liệu anh ta có còn là đàn ông thực thụ không?" là cách họ có thể mỉa mai về việc tôi chỉ ở nhà chăm con.
(Ảnh minh họa: sohu/2sao)
Ngẫm cũng thật buồn cười, khi trong một xã hội đề cao sự bình đẳng nam nữ mà người đàn ông ở nhà nội trợ, chăm con lại bị cho rằng không có bản lĩnh và tự trọng. Mỗi nhà mỗi cảnh, ai làm kinh tế tốt hơn thì đi làm, người ở nhà chăm con cũng stress cũng cực trăm bề chứ không đơn giản. Khi con cứng cáp rồi, vợ chồng có thể sắp xếp lại công việc, gửi con đi nhà trẻ, và cả hai động viên nhau cùng đi làm sau.
Ừ thì ở thời đại ngày nay, cả nam và nữ ai cũng muốn mình có việc làm ngoài xã hội, có vị trí, thu nhập, được mọi người nể trọng. Người đi làm ngoài xã hội luôn cho rằng người làm việc nhà nhàn hạ, sung sướng hơn, nhưng không ai muốn tình nguyện lui về hậu phương. Cái nhìn không công bằng này đã khiến “nghề” nội trợ bị coi thường, ít ai thông cảm, thậm chí còn bị khinh rẻ.
Thế nhưng vợ chồng là chia sẻ. Chồng thất nghiệp, vợ đảm đương tài chính gia đình là việc bình thường, dù gánh nặng kinh tế đặt hết lên vai người vợ là điều không ai mong muốn, nhưng cuộc sống luôn có những “ngày mưa”. Có vào hoàn cảnh mới hiểu người trong cuộc.
Chưa kể, nghề nội trợ đòi hỏi người làm nghề phải có kiến thức về quản lý kinh tế - chi tiêu hợp lý trong thời buổi kinh tế khó khăn này; có kiến thức về quản trị để sắp xếp 1.001 việc không tên mỗi ngày một cách hợp lý để giải quyết với khoảng thời gian ngắn nhất; đòi hỏi kiến thức về tâm lý để có thể xử lý những tình huống xảy ra giữa các thành viên trong gia đình; đòi hỏi kiến thức về giáo dục để dạy dỗ con cái... - một rừng đòi hỏi đối với một người nội trợ đúng nghĩa.
Lại nói đã từ lâu, các nước châu Âu, châu Mỹ đã từ lâu không xem đàn ông làm nội trợ là “bất tài”, là “quẩn quanh xó bếp” mà coi đó là người đàn ông hiện đại, biết làm các món ăn ngon và biết thưởng thức cùng bạn bè. Cảnh chồng ngồi ngất ngưởng tiếp khách đợi vợ bưng món ăn lên mời các ngài xơi đã lỗi thời, không được giới trẻ chuộng nữa.
Nên nhớ, làm nội trợ không phải là bản năng của loài người, chúng ta vì yêu thương nhau, vì yêu thương gia đình mà chia sẻ công việc. Đặc biệt, đàn ông ở nhà nội trợ không có gì là xấu, thậm chí đáng được hoan nghênh. Những anh chồng như thế so với những gã đã không kiếm được tiền còn không chịu phụ việc nhà thì đáng giá gấp bội lần.