Từ lúc quyết định về quê cho tới lúc dọn đồ chỉ trong 1 tháng. Vợ là người đề xuất, chồng kiểm tra ngân sách cho việc xây nhà, thiết kế, đặt thợ xây, xin chuyển trường cho con.
Trong những năm gần đây, "bỏ phố về quê" là xu hướng đã không còn xa lạ đối với nhiều người. Bên cạnh việc phải chuẩn bị kĩ càng nhiều mặt và đối diện những thách thức thì bù lại, "bỏ phố về quê" sẽ mang đến những lợi thế và cơ hội phát triển mới.
Mới đây, tôi có đọc trên Zingnews câu chuyện "bỏ phố về quê" thành công của gia đình chị Như Ngọc (31 tuổi), thấy thú vị quá nên quyết định chia sẻ lại để những ai đang ấp ủ dự định này thì có thêm kinh nghiệm để hành trình của mình được thuận lợi hơn.
(Ảnh: Zingnews)
Theo Zingnews đăng tải thì vợ chồng chị Như Ngọc kết hôn đã được 8 năm. Họ đều đi học rồi ra làm văn phòng, sau đó kinh doanh tự do tại TP.HCM. Dù gắn bó với phố thị nhiều năm nhưng họ vẫn không thực sự thích thú bởi nhịp sống quá bộn bề, gấp gáp.
Trong thâm tâm, chị Ngọc ý thức được tuổi thơ của con trôi đi rất nhanh, bản thân vợ chồng chị thì già đi mỗi ngày. Chị không thích cả đời phải lao đi kiếm tiền mua đất mua nhà, trả các khoản nợ... mà chị muốn tận hưởng cuộc sống ở quê thanh bình cùng chồng con.
Từ lúc quyết định về quê chồng ở thị xã Ninh Hòa, Tỉnh Khánh Hòa sinh sống cho tới lúc dọn đồ là chỉ trong vòng một tháng. Chính chị Ngọc là người đề xuất, chồng chị kiểm tra ngân sách cho việc xây nhà, thiết kế, đặt thợ xây, xin chuyển trường cho con. Quyết định này được gia đình ủng hộ, đặc biệt là mẹ chồng vì từ nay bà có cơ hội được gần gũi cháu con.
Trong tay đã có sẵn mảnh đất mua từ nhiều năm trước, vợ chồng chị Ngọc chi 350 triệu đồng xây lên một ngôi nhà cấp 4 xinh xắn. Họ kinh doanh đặc sản quê hương và khá bất ngờ khi nhận thấy cơ hội nghề nghiệp rộng mở, chỉ cần chăm chỉ là kiếm được tiền. Bởi trước đây khi nung nấu ý định về quê, họ vẫn lo ngại rằng "về biển là ao ước, nhưng không biết sống bằng gì".
Nhà của vợ chồng chị Ngọc được chăm chút rất xinh xắn (Ảnh: Zingnews)
Gia đình chị Ngọc cảm thấy khá thích thú khi sống ở quê thì chi phí "dễ thở" hơn rất nhiều. Họ có thể thỏa thích ăn cá tươi ngon mỗi ngày. Vườn nhà có trồng rau, nếu hết cũng có thể qua hàng xóm xin hoặc mua của các gánh hàng trong làng. Rau rẻ mà còn tươi và sạch nữa...
Cho đến hiện tại, chị Ngọc cảm thấy cuộc sống ở quê của mình khá ổn. Dù cái nắng vùng biển khiến da chị đen đi nhưng đổi lại, chị sống thoải mái, vui vẻ, không còn nhiều áp lực. Ở quê bây giờ cũng hiện đại rồi, muốn mua gì thì chỉ cần đặt là người ta sẽ giao tới cho mình chứ không khó khăn như xưa nữa. Gia đình chồng cũng rất yêu thương và quan tâm. Còn gia đình bố mẹ đẻ thì ở Nha Trang nên chỉ mất 45 phút chạy xe là có thể về thăm được rồi.
Thêm một điểm cộng lớn nữa là chi phí học hành của các con giảm đáng kể. Theo chị Ngọc kể thì một bé nhà chị đang học lớp 1 và một bé học mầm non trường công. Chi phí học hành hết khoảng 1,5 triệu đồng, đã gồm ở bán trú cho bé lớn (trước đây ở phố học trường tư thì con số này lên đến cả chục triệu đồng).
Xã hội hiện đại, tuy học ở quê nhưng chất lượng, kiến thức mà các con có thể thu nạp được cũng không khác gì so với ở phố. Ngoài ra, các con có cơ hội trải nghiệm cuộc sống thực tế nhiều hơn, vui chơi, giúp đỡ ông bà, khám phá thiên nhiên, hít thở không khí trong lành... nên hoạt bát, khỏe mạnh, rắn rỏi trông thấy.
(Ảnh: Zingnews)
Nghe chị Như Ngọc chia sẻ mà thấy thích quá phải không mọi người? Không biết mọi người thì sao chứ với cá nhân tôi, tôi vẫn thích được về định cư ở quê hơn. Trong số những thách thức khi chọn về quê thì tôi ngại nhất là vụ "không biết làm gì để có tiền" như điều mà chị Ngọc từng trăn trở. Nhưng giờ tôi rất thấm thía với lời tâm sự của chị Ngọc rằng: “Khi thực sự muốn gắn bó ở nơi nào đó, không quan trọng là làm gì để kiếm thu nhập, mà là hiểu khả năng của bản thân thì ở đâu cũng sống được”.
Tôi nghĩ đúng là như vậy, sống ở đâu cũng được hết mọi người à, chỉ cần là nơi đó mình cảm thấy thoải mái nhất, tự tin nhất. Đồng thời, bản thân phải nắm rõ khả năng, thế mạnh của mình là gì để tận dụng điều đó vào công việc, kiếm tiền.
Nói tóm lại thì "bỏ quê lên phố" hay "bỏ phố về quê" cũng đều có những cơ hội và thách thức cả, đừng nhìn đâu cũng thấy toàn màu hồng hay toàn màu đen mà vội vàng xông pha hay vội vàng từ bỏ kẻo ân hận. Hãy cân nhắc, lên kế hoạch, chuẩn bị kĩ trước khi triển khai nhé mọi người.