Trẻ từ 5-11 tuổi đã bắt đầu được tiêm vắc xin, và tỉnh đầu tiên tiêm cho các bé từ sáng 14/4 là Quảng Ninh và TPHCM cũng bắt đầu từ 18/4 rồi.

Ở đợt tiêm này trẻ còn khá nhỏ so với lần trước, nên nhiều bố mẹ rất lo lắng và lóng ngóng không biết sẽ chăm sóc con thế nào để an toàn sau khi con được tiêm chủng.

Mình cũng có con nhỏ sắp được tiêm đợt này, sau khi tìm hiểu mình thấy bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo không cho trẻ vận động mạnh trong 3 ngày sau tiêm vắc xin ‘cô vít’ mọi người ạ.

Những thông tin này mình đọc được trên báo VnExpress, giờ mình chia sẻ cho những ai quan tâm nha.

hình ảnh

Trẻ nhỏ ở nhiều nước đã được tiêm vắc xin. Ảnh minh họa/Nguồn: Sohu

Vì sao không cho trẻ vận động mạnh trong 3 ngày sau tiêm vắc xin 'cô vít'?

Theo bác sĩ Ngãi, người nhà nên theo dõi sát, không cho trẻ vận động mạnh sau tiêm vắc xin ‘cô vít’ để an toàn. Bởi hoạt động thể lực cũng có thể kích thích các phản ứng bất lợi sau tiêm vắc xin ở trẻ.

‘Nên hoãn các bài tập thể lực như đá cầu hay chạy... do các bài tập này ảnh hưởng tới cơ thể trẻ, có thể tạo ra phản ứng như khó thở, nhịp tim nhanh, khó phân biệt và dễ nhầm lẫn với phản ứng và tai biến sau tiêm chủng’, bác sĩ Ngãi cảnh báo.

Theo bác sĩ Ngãi, có 4 mốc thời gian quan trọng để theo dõi trẻ sau tiêm chủng gồm 30 phút, 24 giờ, 3 ngày và 28 ngày. 4 mốc thời gian theo dõi này nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ sau khi tiêm vắc xin.

Chuyên gia này cho biết, thời điểm này trẻ đã đi học, vì vậy nhà trường cần phối hợp với gia đình theo dõi sát trẻ trong vòng 3 ngày đầu sau tiêm.

Các bé cần được theo dõi toàn trạng, diễn biến như sốt, thay đổi màu sắc da, niêm mạc, đặc biệt cần chú ý đến sự thay đổi niêm mạc mắt, có nổi ban trên da hay không.

hình ảnh

Không nên cho trẻ vận động mạnh sau tiêm vắc xin. Ảnh minh họa/Nguồn: gov

PGS Dương Thị Hồng, Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng từng cảnh báo trên tờ Vietnamnet rằng, phản ứng không mong muốn với trẻ em sau tiêm vắc xin ‘cô vít’ đã được ghi nhận tại một số quốc gia là viêm cơ tim.

‘Sau tiêm vắc xin, các bé hoạt động mạnh sẽ tăng thêm áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không may gặp phản ứng phụ này.

Theo thống kê, viêm cơ tim xảy ra nhiều hơn ở mũi thứ 2 và xảy ra ở bé trai nhiều hơn bé gái’, PGS Hồng lý giải. Tuy nhiên, bà Hồng cũng nhấn mạnh, đây là phản ứng rất hiếm gặp.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo, các bố mẹ cần chủ động theo dõi con. Bởi vì các bé có thể bỏ qua, không kể lại cho bố mẹ những triệu chứng bất thường đang gặp.

Trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng, gia đình cần theo dõi trẻ 24/24 nhằm phát hiện sớm các triệu chứng bất thường như sốt cao, khó thở, tím tái, phát ban hoặc mệt mỏi, li bì.

Thông thường phản ứng xảy ra khoảng 4-8 giờ sau tiêm vắc xin, xu hướng giảm dần sau ngày đầu. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế nếu thấy con mình có phản ứng bất thường khác nằm ngoài khuyến cáo.

Trên đây là những thông tin đã được báo chí chia sẻ, bố mẹ nhớ làm theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh cho con vận động mạnh sau tiêm vắc xin để an toàn nha.

Nguồn: Tổng hợp