Khi con trai thứ 2 của tôi lên 7 tuổi là lúc bố của chúng qua đời vì bị cảm nắng lúc đang gặt ngoài đồng. Khỏi phải nói sự ra đi đột ngột của ông nhà tôi lúc đó đã để lại cho vợ cả một gánh nặng. Mất đi người làm trụ cột kinh tế gia đình, tôi bỏ cả việc đồng ruộng đi bán rau củ quả ngoài chợ đầu mối kiếm tiền nuôi 2 con ăn học.

Không ngày nào tôi không dậy từ 4h sáng đi lấy rau cỏ bán và tận 4h chiều mới về nhà. Vì thế 2 con trai ở nhà phải tự đặt chuông báo thức, tự nấu mì tôm hay rang cơm ăn sáng rồi bảo nhau đi học. Cũng may lúc ấy 2 thằng bé nhà tôi ngoan lắm vì biết mẹ vất vả. Chúng nó chăm học và làm đỡ mẹ việc nhà.

hình ảnh

Ảnh minh họa: Nguồn Sanok 

Tôi còn nhớ khi con trai cả 18 tuổi vào đại học cũng là lúc một người đàn ông trong làng góa vợ đến hỏi tôi. Dù biết ông ấy rất tử tế, gia cảnh cũng khá giả nhưng tôi vẫn nhất quyết từ chối không tái giá. Con tôi còn bảo:

“Giờ 2 anh em con lớn rồi, mẹ cứ lấy chồng đi. Dù gì chú ấy cũng cùng làng, mẹ con có phải xa nhau đâu. Mẹ vẫn còn trẻ sống cả đời vậy sao được”.

Nhưng tôi vẫn ôn tồn bảo:

“Thực sự mẹ không muốn tái giá mà chỉ muốn chuyên tâm nuôi anh em con khôn lớn trưởng thành. Cho dù khổ cực vất vả, nhịn ăn nhịn mặc, mẹ chỉ mong 2 con sau này có thể sống tốt để dựa vào nhờ cậy lúc về già”.

Kể từ đó trở đi ở làng có người nào đến hỏi tôi cũng từ chối hết. Khi con còn nhỏ tôi không ngớt tay chân chăm lo từ miếng ăn đến giấc ngủ. Khi chúng lớn lên, tôi lại oằn mình xây cho mỗi đứa 1 cái nhà 2 tầng để cưới vợ được ở khang trang, rộng rãi.

Để các con thoải mái nhất tôi cho ở riêng hết. Khi có cháu nội vì không trông cháu được do vẫn đi chợ kiếm sống, tôi lại thu vén cho mỗi đứa 2 triệu đồng/tháng để hỗ trợ tiền đi nhà trẻ.

Hết lòng hết sức với con cháu là vậy mà con trai con dâu sống thờ ơ bất hiếu với người mẹ già này. Thấy bạn bè có bố mẹ làm ông nọ bà kia cho con đủ thứ, 2 thằng con tôi xúm vào đổ lỗi cho sự "bất tài" của mẹ. Chúng trách tôi không có khả năng đem lại điều chúng muốn.

 2 con dâu tôi càng được thể cứ phàn nàn suốt ngày về mẹ chồng. Nào là bà ấy lề mề quá, nào là già rồi mà nói cứ ra rả. Mỗi khi tôi trái gió trở trời bị ốm, các con toàn chẹp miệng:

“Ốm gì mà ốm lắm thế?”.

Tôi có nhờ chúng nấu cho bát cháo thì thi nhau kể công. Mấy năm nay do sức khỏe kém hơn nên tôi giao việc giỗ chạp cho con trưởng. Anh em nó đùn đẩy nhau đến giỗ bố còn không làm mâm cơm cho đàng hoàng nói gì đến việc xây mộ hay hương khói...

“Sao bỗng dưng phải gánh lắm nghĩa vụ thế, bà còn sống chứ đã chết đâu mà đẩy cho nhà mình”, con dâu tôi bức xúc.

Đợt này thấy tôi hay ốm đau thì chúng xúm vào một mực đòi mẹ chia đất cát:

“Nhân lúc bà còn minh mẫn thì chia rõ ràng căn nhà bà đang ở như thế nào đi không sau này lại đánh nhau”.

“Chúng mày mỗi thằng đã được tao cho cái nhà 2 tầng rồi. Nhà này tao chết thì để làm nhà thờ ông bà tổ tiên”.

“Bà điên à, cả 100m2 mà làm nhà thờ thì phí ra à? Biết điều cứ chia đi sau này tôi khắc cúng giỗ”.

Tôi không nghe theo thì 4 đứa con cứ thường xuyên vào nhà ép mẹ. Cứ tưởng sinh con sẽ được nhờ cậy mà về càng về già, tôi nhìn các con ứng xử như vậy thấy chướng mắt quá.

Tôi có tiền dưỡng già ở ngân hàng và cả cái đầu chưa lú lẫn chắc phải vào viện dưỡng lão thôi mọi người nhỉ? Con cái như này trông mong gì chứ?  

hình ảnh

Ảnh minh họa: Nguồn Sanok