Đời người phủ bóng buồn đau ấy là khi cha mẹ không còn là những vị thần uy nghiêm lừng lẫy trước mặt các con nữa mà chỉ là người phải dòm chừng thái độ của con cái mà sống.
"Nhớ ơn chín chữ cù lao,
Ba năm bú mớm biết bao thân tình."
Ơn cha nghĩa mẹ cao hơn núi là vậy nhưng thử hỏi con cái lớn khôn có còn nhớ ba năm bú mớm?
Khi còn bé, trong mắt mọi đứa con, cha mẹ có khác gì những vị thần linh đầy uy quyền và lộng lẫy. Lời mẹ nói như gom cả biển trời đông tây nam bắc, tiếng cha răn như thép tôi ngàn năm. Cha mẹ như hai ngọn núi sừng sững và vĩ đại, là chỗ dựa mà con luôn thấy mình được an toàn, chở che để chẳng phải lo gì đến sóng gió đời người.
Thế nhưng khi những đứa trẻ ngây thơ ngày nào lớn khôn, đủ lông đủ cánh thì cũng là lúc trong lòng chúng hai ngọn núi kia đã nhỏ dần đi theo chân trời, quyền năng “thần linh” đặc biệt của cha mẹ cũng hết linh ứng. Cha mẹ đã thôi không còn vĩ đại và bao trùm, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của con nữa mà trước mặt các con họ lại trở nên thận trọng đến đau lòng. Vì cái gọi là nước mắt chảy xuôi, cha mẹ già phải thận trọng từng lời ăn, tiếng nói, từng cái ho hen, hắt hơi và từng bước đi run rẩy chỉ để con cháu không cảm thấy bị làm phiền.
Ảnh minh họa
Khi con nhỏ, mẹ giảng bài con không hiểu sẽ luôn than thở: “Dạy đi dạy lại vẫn không thông, thế này thì sao lên lớp?”. Nói vậy thôi nhưng ngày qua ngày mẹ vẫn phải kiên nhẫn dạy con từng chút một. Con chưa hiểu hôm nay thì ngày mai mẹ giảng lại. Giảng cách này không được thì mẹ tìm cách giảng khác. Cứ vậy mà đợi đến khi con hiểu bài mới thôi. Còn bây giờ khi bố mẹ già mở miệng hỏi con một chuyện vụn vặt, con cũng tỏ ra thiếu kiên nhẫn mà gắt gỏng: “Phiền quá! Đã nói bao nhiêu lần rồi mà vẫn làm sai. Nói cái gì chỉ nói một lần thôi chứ!”
Nghe lời này từ miệng con, nhìn thấy sự giận dữ trong mắt con, cha mẹ chỉ còn biết cười giả trân cho yên nhà yên cửa hoặc giấu nỗi buồn vào trong mà tìm góc nhà ôm mặt tủi khóc.
Ở cái tuổi đã qua bao thăng trầm đời người, cha mẹ ngày càng trở nên nhạy cảm với những lời trách móc hơn và càng dễ bị tổn thương hơn. Những lời nói vô tâm của con càng khiến trái tim của người làm cha mẹ như có vết cứa.
Trong một bộ phim truyền hình nổi tiếng “Gia đình hạnh phúc” có một cảnh quay khiến nhiều người xem phải rơi nước mắt. Người con trai sau khi được cha nuôi cho ăn học đã trở thành một bác sĩ tiếng tăm. Sau khi kết hôn, anh ta không muốn dính dáng gì đến gia đình của mình nữa. Giờ đây, anh ta có thể tự vỗ ngực xưng với mọi người “Tôi có được ngày hôm nay đều là dựa vào sự nỗ lực của chính mình” nhưng tuyệt nhiên không hề nhắc đến người cha bán bánh mì đã bao năm cực khổ để nuôi anh khôn lớn. Khi bị người khác chê trách bất hiếu, vị bác sĩ này chỉ biết quay sang trách móc ngược lại cha mình: “Ông lúc nào cũng chỉ biết hỏi tôi có đói không chứ có làm được gì cho tôi không?”. Người cha bật khóc khi nghe con trai trách, ông cúi đầu nhận lỗi: “Cha xin lỗi, là cha bất tài, vô dụng, đã để con phải chịu nhiều thiệt thòi.”
Ảnh minh họa
Khán giả thắt lòng khi xem thấy cảnh này nhưng họ lại không nhận ra rằng biết đâu đó cũng chính là hình ảnh của mình đối với cha mẹ.
Cha mẹ cả đời phải chịu vất vả, hy sinh cái ăn, cái mặc để nuôi con khôn lớn nhưng đứa con chỉ biết nhìn ra bên ngoài, xem thấy người người được ăn sung mặc sướng, thừa kế nhà cao cửa rộng mà thầm trách “Sao tôi có thể đen đủi sinh vào một gia đình thiếu thốn đủ bề thế này?”
Trách thôi chưa đủ, khi đủ lông đủ cánh, lớn khôn và có chút thành tựu, con cái lại quay ra trách móc cha mẹ mình vô dụng, bất tài nên mới để con cái phải chịu thiếu thốn.
Có câu “Trưởng thành thực sự không liên quan đến tuổi tác mà bắt đầu từ việc tha thứ cho những khuyết điểm của cha mẹ.”
Cha mẹ sinh ra ta suy cho cùng cũng chỉ là những con người bình thường. Họ phải đối mặt với những khó khăn, trở ngại trong cuộc đời để có thể đảm bảo cơm ăn, áo mặc cho gia đình. May mắn có thể phất lên, giàu có đem lại cho con một cuộc sống mà bao đứa trẻ thèm khát. Không may có thể sẽ phải chật vật trong cái nghèo đến khi già nua.
Ảnh minh họa
Phần con cái, khi lớn lên, tầm nhìn và quan điểm thay đổi, bỏ xa khoảng cách với cha mẹ. Hiểu thêm được một điều lại cảm thấy cha mẹ lạc hậu, quê mùa mà sinh ra chán ngấy. Có được chút của dư chăm sóc cha mẹ như bổn phận thì lại mất đi sự kiên nhẫn với những chậm chạp, vụng về của người già. Cha mẹ muốn vui nhà vui cửa, cùng con sống dưới một mái nhà trong những ngày bên kia sườn dốc đành phải ngậm ngùi dòm chừng thái độ của con mà sống. Đây chẳng phải là nỗi đau buồn nhất đời người hay sao?
Tại sao cha mẹ càng lớn tuổi càng yếu thế trước con cái, không còn dám lớn tiếng, hay có ý kiến riêng và luôn ngại nói ra điều mình nghĩ? Đó là bởi vì con cái khi đủ lông đủ cánh, mở mắt khắp chốn khắp phương đã thay đổi chóng mặt, trở nên rất thiếu kiên nhẫn, trong lòng nảy sinh sự coi thường và vô tâm gây tổn thương cha mẹ vô số việc. Sau tất cả, vì muốn cuộc sống của con được yên ổn, cha mẹ đành phải biến mình thành những ông bà già thận trọng, vất vả nuôi con đến khi bạc đầu rồi lại phải dè chừng con cái.
Gao Yalin đã nói một điều rất đau lòng trong chương trình “My Girl” rằng: “Cha mẹ chúng ta là bức tường, ngăn cách chúng ta với cái chết.” Nghe qua có thể không hiểu ngay được ý nghĩa của câu nói này, nhưng sau khi nghĩ lại sẽ cảm thấy lòng mình chùng lại.
Khi cha mẹ chúng ta vẫn còn ở đây thì dù con 30 hay 60 tuổi thì vẫn cảm thấy cái chết dường như ở rất xa mình. Đến khi cha mẹ mất đi, con trở thành trẻ mồ côi, sự sống cũng trở nên thật vô thường và mất đi ý nghĩa. Cha mẹ cho con điểm khởi đầu của cuộc đời nhưng không thể cùng con đi đến cuối cuộc đời, đây là sự thật mà chúng ta dù muốn trốn tránh vẫn phải đối mặt.
Vậy nên trước khi mọi thứ đã quá muộn, dù có địa vị cao sang hay phú quý đến đâu, đừng bao giờ để cho cha mẹ phải nhìn thái độ của mình mà sống bởi đó là tủi buồn lớn nhất trong cuộc đời của đấng sinh thành.