Đây là lời khuyên của một CEO thành công gửi đến mọi người về việc đầu tư làm ăn kinh tế trong những năm tới. Thông tin được báo chí đăng tải rồi, mình thấy hay nên chi sẻ lại ở đây cho tất cả cùng biết nhé!
"Cha đỡ đầu của Internet", CEO của tập đoàn Sohu - ông Trương Triều Dương nói: "Khi môi trường xung quanh lạnh giá, hãy quản lý dòng tiền của chính mình và đừng bao giờ mắc nợ".
Hiện nay, kinh tế suy thoái, việc sa thải và cắt giảm lương đã trở thành chuyện bình thường. Nếu bạn còn tiếp tục chi tiêu hoang phí, mua trước trả sau thì có thể một ngày nào đó, cả nhà bạn sẽ sụp đổ.
Trong vài năm tới, bạn phải có cảm giác sợ rủi ro.Bằng cách theo dõi chặt chẽ ví tiền của mình, tránh các loại nợ nần, chúng ta mới có thể vượt qua giông bão của thời đại một cách suôn sẻ.
Đừng dính vào: Nợ khoái lạc
Bộ phim của Mỹ có tên Thủ Phạm Của Tiêu Dùng Không Kiềm Chế, đã tiết lộ thói quen tiêu dùng quá mức của người hiện đại. Có người lương 30 triệu nhưng nhất quyết mua điện thoại trị giá gần 35 triệu.
Một số người tiết kiệm tiền mua thực phẩm và quần áo nhưng cũng muốn mua trả góp một chiếc túi xách hàng hiệu. Một số người rõ ràng không có đủ tiền nhưng họ đang để mắt tới một ngôi nhà lớn hơn hoặc một chiếc ô tô tốt hơn.
Họ là những người nhất quyết chi tiêu nhiều nhưng không sẵn sàng xem lại tình hình tài chính của bản thân. Kết quả thường là chất lượng cuộc sống sụt giảm thay vì được cải thiện, cuối cùng rơi vào cảnh nghèo đói và khó vượt qua.
Trong thời điểm kinh tế căng thẳng này, chúng ta thường dễ thấy những quảng cáo nói rằng bạn nên trả giá cho hạnh phúc của mình.
Nhưng đằng sau bát canh thơm ngon mang tên "sống hưởng thụ" là liều thuốc độc mà bạn không thể tưởng tượng được.
Một cư dân mạng từng đăng tải bảng chi tiêu của mình trong một năm: Thoạt nhìn cô không mua món đồ nào xa xỉ. Nhưng sau 1 năm, tổng những lần uống trà sữa hay mua bộ quần áo gộp lại thành con số rất nhiều, đủ khiến bao công sức làm việc trong một năm của cô trở nên uổng phí.
Một chút hoang phí thậm chí có thể dẫn đến nợ nần. Từ hôm nay trở đi, bạn phải tập luyện điều độ. Kiểm soát ví của mình, chi tiêu ít và tiết kiệm nhiều hơn.
Nếu có thể ăn ở nhà thì đừng ra nhà hàng; nếu có thể mua được đồ với giá phải chăng thì đừng mua từ nhãn hiệu xa xỉ.
Giảm mức tiêu thụ của bạn một cách toàn diện và giữ số tiền tiết kiệm chắc chắn trong tay bạn.
Dù tương lai có thay đổi thế nào đi chăng nữa, bạn sẽ luôn có đủ tự tin để sống cuộc đời mà mình mong muốn.
Đừng dính vào: Nợ khởi nghiệp
Có người từng hỏi một vị doanh nhân rằng: Bí quyết khởi nghiệp thành công là gì?.
Cô chỉ trả lời bằng 2 từ, đó là "may mắn". Cái gọi là "may mắn", hiểu theo nghĩa rộng là xu hướng tuần hoàn của thời đại.
Trong bối cảnh suy thoái của nhiều ngành công nghiệp, việc khởi nghiệp đối với người bình thường thực sự giống như một canh bạc, với kết cục có thể khiến họ trắng tay.
Đầu năm 2000, Nguỵ Bằng gia nhập một công ty trang trí nội thất gia đình sau khi tốt nghiệp đại học. Tận dụng thời cơ, anh trở thành tổng giám đốc chỉ sau 10 năm. Khi đó, Nguỵ Bằng 34 tuổi, lái xe BMW và kiếm được mức lương hàng năm là 800.000 tệ (2,7 tỷ đồng).
Dù cuộc sống sung túc nhưng Nguỵ Bằng không hài lòng với điều này. Với mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn, anh đã nghỉ việc và thành lập công ty mới cùng bạn bè.
Trong hai năm đầu tiên, doanh thu của công ty quả thực rất tốt. Tuy nhiên, bước sang năm thứ 3, bất động sản đi xuống dẫn đến ngành nội thất cũng bị ảnh hưởng. Công ty của Nguỵ Bằng liên tục thua lỗ và nhanh chóng phá sản. Sau đó, Nguỵ Bằng mới nhận ra rằng kinh nghiệm và khả năng mà anh từng tự hào lại dễ dàng bị đánh gục trước giông bão của thời đại.
Để kiếm lại tiền, Nguỵ Bằng bắt đầu tìm việc làm. Tuy nhiên khi ứng tuyển vào vị trí quản lý, Nguỵ Bằng lại bị đánh giá đã quá già. Khi anh ứng tuyển thành nhân viên pha chế hoặc bồi bàn thì liên tục bị từ chối.
Cuối cùng, Ngụy Bằng chỉ có thể làm những công việc lặt vặt trong một cửa hàng hoa, kiếm 12 tệ/giờ (~41.9 ngàn đồng).
Khi không có nhiều tiền, cuộc sống của Nguỵ Bằng ngày càng khó khăn. Nợ vay mua nhà, mua ô tô, chi phí cho sinh hoạt hàng ngày và việc học của con đều đè nặng lên vai anh mỗi ngày.
Trước đây, anh là một giám đốc lớn, có thể dễ dàng chi hàng ngàn tệ cho một bữa tiệc kinh doanh, nhưng giờ đây đến cả một cốc cafe anh cũng không dám uống.
Trường hợp như Nguỵ Bằng không phải là hiếm. Sau một thời gian đi làm, họ nảy sinh ý định khởi nghiệp vì thấy mình đã đủ mạnh.
Tuy nhiên ở những nơi bạn không thể nhìn thấy, có vô số người điêu đứng vì khởi nghiệp.
Khi độ tuổi đã lớn, thứ bạn cần là sự an toàn chứ không phải mạo hiểm. Vì sau lưng bạn còn rất nhiều gánh nặng cần lo toan. Đừng dễ dàng bỏ việc và lao đầu vào khởi nghiệp với một kế hoạch không rõ ràng.
Hãy làm tốt công việc của mình. Thực hiện mọi nhiệm vụ trước mắt một cách nghiêm túc và khi nền kinh tế khởi sắc, bạn sẽ giành được chiến thắng.
Đừng dính vào: Nợ đầu tư
Sau khi kết hôn, Tiểu Hồng và chồng đã dành dụm đủ tiền mua nhà và có cuộc sống thoải mái. Hai năm trước, Tiểu Hồng gặp vấn đề sức khoẻ nên chồng đã nghỉ việc để chăm sóc cô.
Để giảm bớt áp lực tài chính, anh bắt đầu mua bán cổ phiếu. Lúc đầu anh chỉ giao dịch 1.000 - 2.000 tệ (3,4 - 6,9 triệu đồng), mất một ít nhưng cũng thu được một ít. Nhưng sau vài lần ăn đậm, người chồng trở nên nghiện và bắt đầu đầu tư 50.000 - 100.000 tệ (~174 - 349 triệu đồng) vào thị trường chứng khoán.
Sau đó, họ phải bán hết nhà để trả nợ vì thua lỗ. Người vợ giận chồng không biết dừng lại đúng lúc. Hai người tiếp tục cãi nhau dẫn đến hôn nhân tan vỡ.
Nhiều người nghĩ về đầu tư có thể giúp họ xoay chuyển tình thế chỉ trong một nốt nhạc. Nhưng sự giàu có luôn biến động và một khi khoản đầu tư của bạn thất bại, tất cả tài sản của bạn sẽ bị xoá sạch.
Trong vài năm tới, chúng ta phải thận trọng với các khoản đầu tư quy mô lớn. Khi đang nắm tiền trong tay, đừng lãng phí chúng vào các khoản đầu tư mà bạn không hiểu rõ.
Luôn dành cho mình một ít tiền dự phòng để đảm bảo cả gia đình có đủ cơm ăn áo mặc là cách tận dụng thời gian tốt nhất.
Nhà kinh tế học Ludwig Mises từng đề xuất một lý thuyết: Khi suy thoái kinh tế không tuân theo quy luật, các cá nhân không thể đoán được tương lai và không thể làm được gì.
Điều quan trọng nhất lúc này là nắm chặt tài sản của mình.
Đừng tiêu tiền một cách liều lĩnh, đừng mắc nợ và đầu tư thận trọng. Đợi khi suy thoái kinh tế qua đi, mọi thứ sẽ xoay chuyển tích cực hơn.