Nhiều trẻ sơ sinh hay bị nôn và mẹ có thể khắc phục tại nhà cho bé.
Theo phân loại y khoa, nôn được chia thành nôn trớ do sinh lý và nôn ói do bệnh lý. Mẹ cũng cần phải nắm vững kiến thức để phân biệt và kịp thời chữa trị cho bé.
Nôn ói là do co bóp của dạ dày phối hợp với co thắt của cơ bụng và thành ngực khiến lượng sữa hoặc thức ăn bị đẩy ra ngoài. Nôn trớ theo tên gọi dân gian là “ọc sữa” do hiện tượng tống xuất sữa từ dạ dày lên thực quản đến miệng và trẻ sẽ phun một lượng sữa ra miệng do bị đầy bụng hoặc khó tiêu.
Nguyên nhân gây nôn ở trẻ sơ sinh
Do sinh lý
Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng nôn trớ ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là các bé sinh non do hệ thống tiêu hóa chưa phát triển toàn diện. Nhiều bé gặp tình trạng không khí tràn nhiều vào khoang miệng rồi xuống ống tiêu hóa. Khi dạ dày chứa nhiều không khí sẽ khiến áp lực tăng lên và khiến bé dễ bị đầy hơi, chướng bụng. Lúc này, không khí trong dạ dày sẽ thoát ra ngoài bằng cách ợ hơi và kéo theo lượng sữa, thức ăn, dịch nhầy bị ọc ra.
Nôn trớ là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh
Ngoài ra, trẻ sơ sinh gặp tình trạng nôn trớ có thể là do dạ dày còn rất nhỏ, chỉ khoảng 5 - 7ml khi một ngày tuổi. Sau 6 - 12 tháng, dạ dày sẽ tăng lên 100ml. Do đó, đôi khi chỉ cần bú một chút sữa là trẻ cũng sẽ gặp tình trạng bị nôn trớ nên do sữa trong dạ dày bị trào ngược lên.
Do bệnh lý
Khi chăm bé, mẹ nên cẩn thận để ý đến tình trạng “ọc sữa” vì đây cũng có thể là nôn do bệnh lý gây ra hay vì chỉ là tình trạng sinh lý bình thường.
- Ngộ độc thức ăn: Tình trạng này rất dễ gặp ở trẻ em và bé sẽ bị nôn nhiều lần sau khi ăn hoặc uống một thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Ngoài nôn, trẻ còn có những triệu chứng như tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc do đau bụng…
- Viêm dạ dày ruột do nhiễm virus: Trẻ cũng sẽ gặp các triệu chứng như khi ngộ độc thức ăn kèm theo có thể bị sốt. Tuy nhiên, bệnh sẽ khởi phát đột ngột trong khi ngộ độc thực phẩm sẽ khởi phát sau 2 - 12 giờ kể từ khi bé ăn hoặc uống thực phẩm nhiễm khuẩn.
- Tắc ruột: Khi mắc phải bệnh này, trẻ sẽ đau bụng dữ dội, nôn và thậm chí là nôn mật xanh vàng, cơ thể đổ mồ hôi, nhợt nhạt… Đây là bệnh lý hiếm gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm nên mẹ theo dõi các triệu chứng khi bé bị nôn nhiều nhé!
- Ho, cảm: Khi mắc các bệnh về đường hô hấp, trẻ cũng sẽ dễ gặp tình trạng nôn ói kèm theo triệu chứng như sốt, uể oải, lừ đừ…
Làm gì khi trẻ bị nôn?
Cách khắc phục khi trẻ nôn trớ
Do là hiện tượng sinh lý nên mẹ không cần quá lo lắng khi bé bị ọc sữa. Để giảm nôn trớ ở trẻ sơ sinh, khi cho bé uống sữa, mẹ nên canh thời gian khoảng 15-20 phút là đủ vì nếu bé bú nhiều sẽ no căng và dễ ọc sữa. Nếu bé bú bình, mẹ cần chú ý để lượng sữa ngập đến núm vú để tránh bé nuốt quá nhiều không khí khiến dạ dày căng lên dễ bị nôn trớ.
Sau khi cho bé uống sữa xong, mẹ không nên cho bé nằm ngay để tránh bị ọc sữa. Thay vào đó, mẹ nên bế bé và vỗ nhẹ vào lưng để khắc phục tình trạng này.
Để khắc phục nôn trớ, mẹ không nên cho bé nằm liền sau khi uống sữa
Khi bé ở giai đoạn ăn dặm, mẹ nên xây dựng một chế độ ăn hợp lý, khoa học. Khi mới bắt đầu, mẹ nên cho bé tập làm quen dần với thức ăn nấu lỏng để dễ tiêu hóa rồi từ từ mới chuyển qua thức ăn đặc. Mẹ không nên ép bé ăn hoặc uống sữa quá nhiều trong cùng một lúc vì như vậy sẽ dễ khiến bé bị nôn.
Cách xử lý an toàn khi trẻ bị nôn do bệnh lý
Mẹ không nên quá chủ quan đừng tưởng nôn trớ là bình thường nếu trẻ gặp thêm nhiều triệu chứng khác như sốt, lừ đừ, biếng ăn, tiêu chảy... Đặc biệt, khi trẻ gặp các tình trạng như nôn trớ liên tục, nôn ra máu, co giật, sốt cao, đau bụng dữ dội..., mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ thăm khám để kịp thời điều trị y tế.
Mẹ nên theo dõi khi trẻ bị nôn kèm các triệu chứng như sốt, tiêu chảy... và kịp thời đưa đi thăm khám
Với trẻ lớn hơn, các bé bị nôn cũng có thể do ngộ độc thực phẩm ở giai đoạn ăn dặm. Để tránh tình trạng này, mẹ nên chú ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách lựa chọn đồ tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng và bảo quản lạnh nếu chưa dùng đến, nhất là khi thời tiết nóng bức dễ sinh vi khuẩn trong thức ăn. Với các loại rau xanh, dư lượng thuốc trừ sâu có thể khiến trẻ bị ngộ độc, nôn thốc nôn tháo và nguy hiểm đến tính mạng. Do đó cần phải đảm bảo nguồn rau cung cấp cho trẻ phải là thực phẩm sạch, hoặc thực phẩm hữu cơ. Nếu có thể, mẹ nên tự trồng một ít rau để đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn cho bé trong giai đoạn ăn dặm.
Xem thêm bài viết liên quan tại đây:
Tác hại không ngờ khi trẻ nôn trớ thường xuyên - Dạy con kiểu Nhật
Đừng tưởng nôn trớ là bình thường, con có thể đang gặp nguy mà mẹ không hề hay biết