Trẻ ngủ không đủ giấc sẽ gặp nhiều bất lợi trong quá trình phát triển trí não và thể chất so với các bạn đồng trang lứa.
Em có mấy đứa cháu, chẳng hiểu sao tụi nó mới học tiểu học mà đã thức khuya kinh khủng. Ngày nào cũng học bài xíu xong lại chơi game hoặc xem TV đến tận khuya luôn. Bố mẹ thì cứ xem như đây là chuyện bình thường nên toàn để tụi nó đến 11h đêm mới ngủ, có hôm còn hơn giờ đó nữa, nói hoài mà chẳng nghe. Thực sự giấc ngủ rất quan trọng đối với mỗi người, với trẻ nhỏ lại càng đặc biệt cần thiết phải ngủ sớm và đủ giấc, vì điều này quyết định rất nhiều tới trí não cũng như quá trình phát triển thể chất của con đó các mẹ ơi.
Mới đây em có đọc được một nghiên cứu từ Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, lại càng củng cố thêm về tầm quan trọng của giấc ngủ đối với trẻ nhỏ nữa. Sau khi thực hiện những cuộc khảo sát, họ cho biết rằng khi trẻ ở trạng thái ngủ sâu giấc, tốc độ phát triển tư duy não bộ cũng như hormone tăng trưởng được tiết ra cũng cao hơn rất nhiều.
Tiến sĩ Ze Wang, chuyên gia chẩn đoán X-quang và Y học hạt nhân UMSOM khẳng định rằng, dựa vào kết quả chụp chiếu qua các cuộc nghiên cứu, ông cùng đội nghiên cứu phát hiện những đứa trẻ ngủ ít hơn 9 tiếng mỗi đêm sẽ có ít chất xám hơn những đứa trẻ ngủ đủ khác. Không những thế, những vùng kiểm soát sự tập trung, trí nhớ của trẻ cũng nhỏ hơn. Điều này cho thấy việc cho trẻ nhỏ ngủ đúng và đủ giấc quan trọng đến thế nào.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu
Ở mỗi lứa tuổi, trẻ sẽ cần khoảng thời gian ngủ khác nhau. Theo đó, từ 1 - 3 tuổi, trẻ ngủ 12 - 14 tiếng một ngày, từ 3 - 6 tuổi trẻ ngủ 10 - 12 tiếng/ngày, trẻ 6 - 12 tuổi ngủ 9 - 12 tiếng/ngày như trong nghiên cứu bên trên và trẻ từ 12 tuổi trở lên cần ngủ trung bình 7 - 11 tiếng/ngày.
Nhiều bố mẹ vẫn lầm tưởng rằng, trẻ nhỏ chỉ cần ngủ khoảng 7 – 8 tiếng một ngày là đủ. Nếu tối hôm trước ngủ trễ, ví dụ 12h đêm thì sáng hôm sau chỉ cần để con ngủ đến 8h sáng là xong, nhưng sự thật lại không đơn giản như thế. Tốt nhất, bố mẹ nên cho trẻ đi ngủ sớm, khoảng từ 9h tối để đảm bảo con có giấc ngủ sâu khi hormone tăng trưởng, bồi dưỡng não bộ được tiết ra mạnh mẽ nhất.
Bố mẹ cũng nên chú ý, cần tập cho con thói quen ngủ lành mạnh, đi ngủ đúng giờ và để trẻ ngủ đủ giấc chứ không nên đánh thức con dậy quá sớm, sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Nhiều phụ huynh hay than phiền rằng, rất khó để con chịu đi ngủ sớm. Để cải thiện tình trạng khó ngủ, bố mẹ nên tạo cho con thói quen đi ngủ đúng giờ giấc ngay từ nhỏ, tạo môi trường ngủ thoải mái, phù hợp nhất cho con.
Ngoài ra, những thói quen sau đây cũng có thể khiến trẻ dễ bị trằn trọc, khó vào giấc. Các mẹ cần chú ý để nhắc nhớ con không nên làm những điều này trước khi đi ngủ:
- Sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ: Các tác động từ ánh sáng xanh có thể khiến trẻ bị ảnh hưởng đến thị lực và các tế bào thần kinh, làm cho trẻ khó vào giấc hơn và không thể đi ngủ đúng giờ. Thế nên tốt nhất là trong khoảng thời gian ngay trước khi đi ngủ, mẹ không nên cho con sử dụng cách thiết bị điện tử đâu ạ.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu
Ăn uống quá nhiều trước khi ngủ: Nhiều mẹ có tâm lý sợ con bị đói nên thường cho bé ăn uống thật nhiều sau đó mới đi ngủ. Đây là một điều vô cùng tai hại vì buổi tối, cơ thể con không còn cần quá nhiều năng lượng. Việc nạp dư thừa dưỡng chất khiến hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều hơn, tạo thành gánh nặng khiến trẻ dễ bị khó chịu, mệt mỏi và đương nhiên điều này cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ của con.
Đùa giỡn quá mức trước khi ngủ: Đùa giỡn quá mức khiến tinh thần trẻ luôn ở trong trạng thái phấn khích và như thế, con sẽ khó có được một giấc ngủ ngon lành, dễ bị trằn trọc, mệt mỏi. Trước khi ngủ, các gia đình chỉ nên có những hoạt động nhẹ nhàng như cùng trò chuyện, đọc sách, cùng nghe nhạc,… thì sẽ tốt hơn việc đùa giỡn quá mức đó các mẹ nha.