Phải đối diện với những lời khuyên, những khen chê, góp ý từ người thân và cả… người ngoài là một áp lực vô hình đè lên sức chịu đựng vốn mỏng manh của người mẹ nuôi con nhỏ. 

Làm mẹ là một quá trình hạnh phúc nhưng cũng đầy vất vả. Sau 9 tháng 10 ngày thai nghén nhiều mệt mỏi, mẹ lại phải trải qua ca sinh mất nhiều sức lực và sau đó là những tháng ngày nuôi con nhỏ nhọc nhằn. Những áp lực nuôi con sơ sinh dễ khiến mẹ căng thẳng, stress, có người còn rơi vào trầm cảm. Chỉ những ai làm mẹ rồi mới hiểu, để nuôi dạy một đứa con còn đỏ hỏn đến lớn khôn trưởng thành, mẹ phải đánh đổi những gì.

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn ảnh: baby.kapook

Trong muôn ngàn áp lực nuôi con sơ sinh, từ việc đang thời son rỗi bỗng nhiên làm mẹ với nhiều bỡ ngỡ, từ việc phải thức đêm chăm con, dỗ dành khi con khóc, chăm sóc khi con ốm… còn có một áp lực vô hình, đó là phải đối diện với những lời khuyên, những khen chê, góp ý từ người thân và cả… người ngoài. 


Những lời khen chê, bình phẩm về cách nuôi con không làm cho các mẹ bớt mệt mỏi, trái lại còn khiến họ thêm áp lực, dễ rơi vào cảm giác tự trách, cho rằng bản thân mình là một người mẹ thất bại, một người mẹ không ra gì. 

Dưới đây là những lời khuyên khiến mẹ mệt mỏi, áp lực và dễ nản lòng.

1. "Cho bé bú thêm đi, chắc bé đói rồi đó!"

Khi làm mẹ, dù phải đối mặt với nhiều bỡ ngỡ, nhưng sau một thời gian chăm con, mẹ cũng đã dần nhận biết nhu cầu của con, biết con cần ăn hay cần ngủ, biết con ăn bao nhiêu là đủ. Và mẹ cảm thấy rất ngột ngạt nếu mỗi lần con khóc mẹ lại nhận được những câu như “cho bé bú thêm đi, chắc là bé đói rồi”, “khổ thân, chắc lại đói quá không ngủ được”…

2. "Sao để con ngủ một mình thế kia!"

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn ảnh: baby.kapook

Rất nhiều mẹ hiểu rằng, cho con ngủ riêng từ sớm sẽ rèn cho bé tính tự lập, giúp con rèn thói quen tự ngủ, cho bé ngủ riêng cũng đảm bảo an toàn cho bé, và dù cho bé ngủ riêng nhưng mẹ vẫn canh chừng con, để có thể xuất hiện kịp lúc khi con cần. Thế nhưng, một số người thân trong gia đình, thậm chí cả người ngoài, lại lên án việc mẹ cho trẻ ngủ riêng. Không ít mẹ cảm thấy muốn nổ tung khi nhận được những lời bình phẩm như “Việc gì phải cho con ngủ riêng?”, “Sao để con nằm một mình tội nghiệp nó?", "Bế con lên tí cho có hơi người chứ ai lại để trẻ nhỏ ngủ một mình bao giờ”…

3. "Sao mặc cho con phong phanh thế, nó lại ốm ra thì khổ!"

Mẹ đã mệt mỏi căng thẳng khi phải thức đêm trông con, thay tã cho con, nhìn vào gương trông mình già nua xấu xí tàn tạ, hai mắt thâm quầng, vậy mà vẫn không được yên khi suốt ngày phải nghe những lời khuyên bảo về việc nuôi con. Không ít mẹ phát cáu khi liên tục bị người thân ép phải mặc thêm áo cho bé, mặc dù mẹ biết con không hề bị lạnh. Những câu như “Sao mặc cho con phong phanh thế kia”, “Ôi, mặc thế thì thằng bé chết cóng à”, “Đội thêm chiếc mũ vào cho nó ấm”, “Đắp thêm chăn cho con chứ nó chết rét mất”… khiến mẹ chỉ muốn biến mất khỏi thế gian này. 

4. "Cứ để đứa nhỏ nó khóc thế mà chịu được à?"

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn ảnh: Sina

Sau một khoảng thời gian con đến trong đời, mẹ đã quen với tiếng khóc của con, biết đọc vị nhu cầu của con, biết con cần gì. Có lúc con khóc mẹ sẽ xuất hiện ngay lập tức để dỗ dành, nhưng cũng có lúc mẹ không vội chạy đến bên con, và mẹ biết điều gì tốt cho trẻ. Thế nhưng, lúc này mẹ lại phải nghe những câu như “Sao lại để nó khóc thế”, “Bế nó lên đi chứ, khổ thân”, “Cứ để nó khóc thế à, làm mẹ kiểu gì vậy”… Việc phải nghe những câu này khiến mẹ cảm thấy nản lòng.

5. "Nuôi con kiểu gì sao ngày càng gầy thế kia!"

Một trong những áp lực nuôi con sơ sinh khiến các mẹ căng thẳng nhất là chuyện cân nặng của con. Mặc dù mẹ vẫn đưa con đi khám sức khỏe định kỳ và được bác sĩ thông báo con phát triển bình thường, cân nặng chiều cao đủ chuẩn, thế nhưng trong mắt người khác con lúc nào cũng ốm yếu, do đó từ bà nội bà ngoại, cô dì chú bác đều ra sức nói những câu như “Nuôi con gì mà càng ngày càng còi cọc thế kia”, “Thằng bé chẳng lên cân nhỉ”, “Chắc mẹ nó ăn hết phần con nên con mới ốm yếu thế”… Những lời bình phẩm này khiến mẹ mệt mỏi, căng thẳng, cảm thấy áp lực, có người rơi vò tình trạng hoang mang, không biết mình cần phải làm gì để tốt nhất cho con.

6. "Nhạt nhẽo thế người lớn còn ăn không nổi sao ép con nhỏ!"

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn ảnh: Sina

Khi con bước vào thời kỳ ăn dặm, nhiều bà mẹ lại đối mặt với áp lực khi liên tục phải nghe những lời bình phẩm về thức ăn dặm của con. “Thức ăn nhạt nhẽo quá, chẳng có mắm muối gì thì ăn thế nào”, “Hầm tí nước xương cho có chất”, “Cho ăn uống thế kia thì làm sao thằng bé nó béo lên được”… Những câu nói này khiến mẹ chán nản, mẹ biết với trẻ dưới một tuổi thì thức ăn không cần nêm gia vị, mắm muối, nhưng nếu lên tiếng giải thích thì câu chuyện sẽ kéo dài mãi, cho nên đành im lặng cho qua nhưng không tránh khỏi bực bội. 

Để vượt qua áp lực nuôi con sơ sinh đến từ những lời bình phẩm, can thiệp của người thân mẹ cần có những cuộc nói chuyện thẳng thắn, nói cho họ biết đâu là điều tốt nhất cho con và mỗi em bé sẽ phát triển theo một cách riêng cũng như mỗi bà mẹ đều có cách nuôi con riêng của mình. Nếu sau đó lại tiếp tục phải nghe phàn nàn, cách tốt nhất là mẹ hãy giữ vững lập trường trong việc chăm con, đừng để tâm đến bất cứ lời bình phẩm, khuyên bảo nào của người khác nếu điều đó không tốt cho trẻ.