Hẳn nhiều bà con vẫn đang mong ngóng ngày TP.HCM mở cửa trở lại. Thế nhưng không phải nói mở là có thể mở ngay được mà cần phải từng bước chuẩn bị thật thận trọng và kỹ lưỡng.

Trước mắt, bà con cũng thấy chúng ta đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Cố gắng để người dân trên 18 tuổi được tiêm đầy đủ vắc-xin và thực hiện cấp thẻ xanh ‘cô vi’ để từng bước nới lỏng giãn cách, chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới.

Đi đôi với việc tiêm vắc-xin phải là kiểm soát tình hình lây nhiễm trong cộng đồng để từ đó có phương án giải quyết nhanh chóng, nhằm giảm số ca nhiễm và ca mất vì ‘cô vi’ xuống thấp nhất có thể. Vì thế, Ban Chỉ đạo phòng chống ‘cô vi’ đã có Công văn về việc tiếp tục triển khai công tác xét nghiệm tại địa bàn dân cư từ nay đến ngày 30/9/2021.

hình ảnh


Ảnh: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Để thực hiện yêu cầu này, mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã ký Công văn khẩn 6776/SYT-NVY hướng dẫn thực hiện công tác xét nghiệm giám sát thường xuyên.

Theo đó, tùy theo địa điểm và đối tượng mà tần suất và phương pháp xét nghiệm khác nhau. Có thể chia thành 8 nhóm sau đây:

#1. Tại chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị và cửa hàng tiện lợi:

- Đối với toàn bộ nhân viên và tiểu thương: Xét nghiệm 3 ngày/lần bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên, sử dụng mẫu gộp nếu có thể.

- Đối với lái xe, phụ xe hàng: Xét nghiệm 1 ngày/lần bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên, sử dụng mẫu gộp hoặc toàn bộ người theo xe.

#2. Tại trường học:

Đối với toàn bộ học sinh, giáo viên và cán bộ nhân viên: Xét nghiệm 7 ngày/lần theo phương pháp Realtime RT-PCR mẫu gộp.

#3. Tại sân bay, bến xe, bến tàu, ga, đường sắt:

Đối với nhân viên và người phục vụ: Xét nghiệm 3 ngày/lần bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên, sử dụng mẫu gộp nếu có thể.

#4. Tại bệnh viện:

- Đối với nhân viên y tế và bệnh nhân điều trị nội trú: Xét nghiệm 7 ngày/lần bằng phương pháp Realtime RT-PCR mẫu gộp.

- Đối với bệnh nhân đến khám lần đầu: Xét nghiệm 1 lần trước khi vào khám bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên mẫu đơn.

#5. Tại các đơn vị thường xuyên lưu trú đông người như doanh trại quân đội, Công an, trại giam…

Đối với toàn bộ cán bộ, công nhân viên lưu trú tại cơ sở: Xét nghiệm 7 ngày/lần bằng phương pháp Realtime RT-PCR mẫu gộp.

#6. Các lực lượng thường trực tại chốt giao thông, lực lượng giao hàng (shipper):

Tất cả đều phải xét nghiệm từ 1 đến 3 ngày/lần tùy theo đặc điểm khu vực và bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên, sử dụng mẫu gộp nếu có thể.

#7. Tại đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp:

Đối với toàn bộ công nhân viên: Xét nghiệm 7 ngày/lần bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên, sử dụng mẫu gộp nếu có thể.

#8. Tại các khu công nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh:

Đối với toàn bộ công nhân viên: Xét nghiệm 7 ngày/lần bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên, sử dụng mẫu gộp nếu có thể.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Hải Quan Online và Công an Nhân dân. 

Được biết, Sở Y tế TP.HCM giao cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM tiếp tục phân công nhân sự trực tiếp giám sát công tác xét nghiệm thường xuyên để nắm bắt tình hình, diễn biến, số liệu và tiến độ thực hiện để báo cáo với Sở và Trung tâm điều phối xét nghiệm nhằm điều chỉnh và hỗ trợ kịp thời khi cần.

Trước đó, theo tin em đọc được trên báo Thanh Niên, một số đơn vị doanh nghiệp được phép hoạt động đi kèm với các điều kiện, trong đó có xét nghiệm định kỳ theo quy định, và họ đã lên tiếng về việc không kham nổi chi phí xét nghiệm nên có mong muốn được hỗ trợ khoản chi phí này. Tuy nhiên, đến nay việc hỗ trợ như thế nào vẫn chưa có văn bản chính thức.

Nhiều người lo ngại chính yêu cầu này đã đẩy các thứ chi phí dẫn đến giá thành các sản phẩm, dịch vụ tăng cao, người cuối cùng chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là người dân.