Sau khi tốt nghiệp đại học, người đàn ông trong câu chuyện bên dưới lại có quyết định vô cùng khác biệt so với những bạn bè đồng trang lứa. Thay vì đi xin việc, anh đã trở thành “người nhặt rác”.
Nhiều người thường cho rằng, sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học sẽ nhanh chóng nộp hồ sơ xin việc và thậm chí cạnh tranh gắt gao để được tuyển vào các công ty tốt. Điều này không sai vì công sức ăn học bao năm nên mong muốn được đền đáp với mức lương xứng đáng cũng như môi trường làm việc hiện đại, mát mẻ, không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Nhưng với anh chàng tên Vũ Khải Tư lại khác. Tuy tốt nghiệp xuất sắc với chuyên ngành Luật tại đại học danh tiếng ở Quảng Châu (Trung Quốc) nhưng Khải Tư đã không trở thành luật sư, hoặc làm việc ở các công ty cao cấp mà trở thành một người đi nhặt rác trên đường phố.
(Ảnh Sina)
Câu chuyện hy hữu của anh từng lên đài truyền hình ở xứ Trung và nhận được sự quan tâm của nhiều người. Nói là nhặt rác nhưng mỗi món đồ được Khải Tư mang về đều có câu chuyện riêng, trải qua “sàng lọc” của anh. Anh thường nhặt những món đồ mang theo một lượng thông tin, như thư từ, ảnh cũ hoặc biển quảng cáo…
Một trong những món đồ đặc biệt mà Khải Tư nhặt về là 100 bức thư giữa một người đàn ông Pháp và một phụ nữ Trung Quốc. Câu chuyện tình xuyên biên giới được chuyển tải trong trăm bức thư này.
Cũng từ việc này, Khải Tư trở nên nổi tiếng trên truyền thông. Tuy vậy, gia đình của anh vẫn không thể cởi mở, chấp nhận việc làm của con trai sau khi tốt nghiệp đại học danh giá. Thay vì thấy tự hào khi con xuất hiện trên truyền thông, bố mẹ của Khải Tư rất giận vì cho rằng những người có phát minh, sáng chế mới thật sự đáng khen ngợi thay vì một việc làm kỳ quặc.
(Ảnh Sina)
Trong trường hợp này, có ý kiến cho rằng bố mẹ của Khải Tư giận con trai là có thể thông cảm được. Họ đã tốn tiền của, công sức nuôi con ăn học cũng như đặt nhiều kỳ vọng vào con để rồi giờ đây anh chàng làm phí tấm bằng đại học để làm công việc khó hiểu là “nhặt rác” ngoài đường. Ngoài ra, chưa rõ công việc này có mang lại thu nhập cho Khải Tư hay không và dĩ nhiên là khó lòng so bì với việc anh trở thành luật sư như đúng chuyên ngành đã được đào tạo ở đại học.
Tuy nhiên, cũng có suy nghĩ cho rằng việc một người sống hạnh phúc là dựa vào họ có được làm điều mình yêu thích hay không, có cảm thấy đây là công việc để mình sống hết lòng vì nó. Trong khi đó, quan điểm của xã hội thường cho rằng một người thành công là phải có công việc tử tế, lương cao, vị trí trong xã hội phải ở bên trên. Nhưng làm sao có thể áp dụng công thức này cho tất cả mọi người và mỗi người sẽ có quan điểm riêng về thế nào là một cuộc đời đáng sống.