"Tôi gửi tiền ủng hộ cứu trợ đồng bào miền Trung cho MC Đại Nghĩa vì thấy được ý nghĩa ra sao".
MC Đại Nghĩa thực hiện nhiều chuyến đi từ thiện với quy mô khác nhau
Sau vụ việc 'ngâm' chục tỷ tiền cứu trợ của đồng bào miền Trung của một danh hài được nhiều khán giả mến mộ tạo nên nhiều xáo trộn trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc nghệ sĩ phải 'chuyên nghiệp hóa' việc kêu gọi và làm từ thiện để tránh những sự việc đáng buồn như những gì đã xảy ra. Chỉ một hành động nhỏ nhưng có thể khiến nhiều tập hợp người bị tổn thương trong tình huống này!
Ý kiến 'chuyên nghiệp hóa' từ thiện thì hay nhưng nó có dễ dàng thực hiện hay không? Tôi đặt ra câu hỏi này là vì khái niệm công tác xã hội và xã hội hóa tổ chức từ thiện ở nước ta còn rất mờ với những định nghĩa, khái niệm và cách hiểu khác nhau. Và liệu rằng, có một quy trình 'chuyên nghiệp hóa' từ thiện nào có thể đáp ứng tất cả những mong muốn của cộng đồng và xã hội.
Nhiều đơn vị truyền thông chia sẻ thông điệp nghệ sĩ nên làm từ thiện chuyên nghiệp hơn
Nhìn sâu hơn về mối liên kết "kêu gọi - đóng góp - thực hiện - giải trình" từ thiện của các nghệ sĩ và những người quyên góp tiền ở giai đoạn hiện tại cũng đã thấy nhiều trường phái khác nhau. Có người công bố minh bạch - có người 'im lìm' - lại có người cho rằng nghệ sĩ không cần giải trình việc mình đã làm khi cầm số tiền từ thiện vì ăn tiền này không ngóc đầu lên được.
Xin thưa, chuyện ăn hay không ăn chưa bàn tới trong phạm vi bài viết này. Điều quan trọng nhất là những người quyên góp một phần tiền của mình cực khổ làm ra vì một nghĩa cử cao đẹp cần nhận được sự trân trọng - tôn trọng và biết rằng số tiền của mình đã được làm gì và ở đâu. Họ có quyền được biết, có quyền 'giám sát' và theo dõi những gì quý vị thực hiện. Họ có quyền lên tiếng khi số tiền đó bị sử dụng sai mục đích hay sai thời điểm với thông điệp khi phát đi lời kêu gọi.
Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, người gửi tiền không được quyền 'SAI KHIẾN' người nhận tiền từ thiện phải làm điều này hay làm điều kia để đúng với hệ quy chiếu suy nghĩ của bản thân. Nếu muốn vậy, người gửi tiền hãy tự SAI bản thân mình trực tiếp làm từ thiện thì nó sẽ đúng hơn.
Thủy Tiên và Đại Nghĩa là hai sao Việt nhận được số tiền quyên góp lớn từ công chúng
Thực tế, khi quyên góp chi phí từ thiện cho một nghệ sĩ (cá nhân, hoặc một cá nhân quản lý một quỹ từ thiện cơ bản không có ban bệ) thì phần nhiều số tiền và chi phí thực hiện công tác từ thiện sẽ đứng trên lập trường, suy nghĩ và quan điểm của người nhận được số tiền ủng hộ từ mọi người, chứ họ không có nghĩa vụ phải thực hiện theo yêu cầu của những người gửi tiền.
Nói cho rõ những điều trên vì sau đây tôi sẽ trình bày một khái niệm khác về việc chuyển tiền của người quyên góp từ thiện. Ở thời điểm hiện tại, nhiều người hưởng ứng lời kêu gọi quyên góp từ thiện dựa trên độ mến mộ, thần tượng của họ đối với những ngôi sao của showbiz, họ dùng giả thiết 'sự nổi tiếng đi kèm với uy tín'... Ở một khía cạnh nào đó, điều này không sai nhưng có thể hơi vội vàng vì những gì người nghệ sĩ ấy làm sau khi nhận được quyên góp lại không khiến bạn hài lòng vì những cách thực hiện khác nhau.
Ở đây, tôi muốn nói rằng những người gửi tiền từ thiện hãy dành một ít thời gian để lựa chọn những người nghệ sĩ có công tác thiện nguyện phù hợp với suy nghĩ của mình để thực hiện chuyện quyên góp của bản thân.
Bạn sẽ hỏi, sao lại phiền nhiễu như vậy! Từ thiện thôi mà, ai chẳng như nhau! Xin thưa, bởi vì từ thiện có rất nhiều loại hình khác nhau ở thời điểm hiện tại: Kêu gọi rồi trực tiếp làm hay kêu gọi rồi thay mặt đóng góp cho một tổ chức làm. Đó là 2 chuyện, 2 phương pháp khác nhau. Phải chăng, việc chọn lựa những cá nhân quyên góp phù hợp với bản thân mình là trách nhiệm và quyền lợi của người gửi tiền khi tham gia công tác thiện nguyện.
Tôi gửi tiền ủng hộ cứu trợ miền Trung cho MC Đại Nghĩa vì được quyền 'giám sát
Như trình bày ở tiêu đề, tôi đã gửi tiền cho MC Đại Nghĩa khi miền Trung đang gánh chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai vào cuối năm 2020 vì ít nhất anh ấy cho tôi quyền 'giám sát' công tác thiện nguyện của bản thân sau khi nhận được quyên góp từ mọi người. MC Đại Nghĩa cũng có những báo cáo chi tiết về những hành trình mà nhóm từ thiện của anh ấy đi qua. Tôi thấy cách làm của anh Đại Nghĩa phù hợp với cá nhân tôi. Tôi đóng góp và nhờ anh ấy sẻ chia và lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng.
Trong một bài chia sẻ về việc từ thiện, MC Đại Nghĩa đã thẳng thắn đưa ra nhận định của bản thân: "Không chỉ riêng tôi, nghệ sĩ nào cũng sẽ buồn khi làm từ thiện mà gặp phải ý kiến trái chiều, bị chỉ trích hay phản đối. Đó là điều không phải nghệ sĩ nào cũng muốn. Tôi mà rơi vào trường hợp của họ, tôi cũng sẽ buồn. Ở đây, tôi chỉ nói riêng mình bản thân tôi, không nhận xét bất cứ ai, bất cứ người bạn đồng nghiệp nào trong việc làm từ thiện. Vì tôi rất sợ bị chỉ trích như thế nên sẽ cố gắng làm mọi thứ cẩn thận, chỉn chu ngay từ đầu.
Tôi sẽ chia sẻ với tất cả khán giả, mạnh thường quân để mọi người thấy được hành trình tôi từ thiện như thế nào, thấy được đồng tiền họ gửi gắm cho tôi sẽ ý nghĩa ra sao. Tôi nghĩ, nếu chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo như vậy, số đông công chúng sẽ đồng thuận. Tôi không thể đòi hỏi tất cả đều phải yêu thích, ủng hộ mình mà không có ý kiến trái chiều. Nếu sự chỉ trích, phản đối chỉ là số ít thì không sao, nhưng nếu số người phản đối lớn dần, phải nhìn lại xem việc mình làm đã đúng hay chưa", MC Đại Nghĩa chia sẻ.
Ngoài ra, tôi còn thích cách anh Đại Nghĩa lăn xả, xông xáo, cấp thiết đến những nơi vừa trải qua thiên tai, vật lộn với tử thần để động viên người dân ham sống hơn để nhìn về tương lai dù họ trắng tay và đứng trên những tài sản của mình bị sụp đổ vì bão lũ. Địa phương của tôi (một xã của Nha Trang, Khánh Hòa) đã trải qua trận bão lũ vào năm 2017, lúc đó nhóm từ thiện của MC Đại Nghĩa đã đến và chia sẻ với người dân quê tôi. Để rồi đến tận bây giờ mọi người vẫn nhớ đến những chia sẻ của một người nghệ sĩ với họ trong lúc gian khó mong rằng nụ cười sẽ nở trên môi người dân vì chúng ta vẫn phải cười và lạc quan cho tương lai sau khi may mắn vượt qua sự khắc nghiệt của thiên tai. Đó có lẽ là những giá trị khác cao hơn cả những giá trị vật chất khi một người nghệ sĩ tham gia công tác thiện nguyện.
Nam MC Đại Nghĩa chia sẻ thêm: "Bản thân tôi cũng từng bị chỉ trích, gặp ý kiến trái chiều khi làm từ thiện như vậy. Ban đầu tôi buồn, tổn thương và đổ vỡ, nhưng rồi tôi cũng phải nghiêm túc nhìn lại. Có thể với mình, việc từ thiện đó là đúng, nhưng với số đông là chưa rõ ràng, khiến họ hoài nghi. Mình phải tự trách mình trước rồi làm việc lại với chính bản thân mình, cộng sự của mình để mọi thứ trở nên rõ ràng hơn nữa, từ đó thỏa mãn được dư luận".
Dạo này khán giả có vẻ thích xem những chương trình kinh doanh trên truyền hình và ít nhiều cũng nghe đến câu: "Khi tầm đến tiền sẽ đến". Và khi có tiền thì chúng ta mới có thể làm những điều diệu kỳ như trong một ca khúc 'Tiền nhiều để làm gì?' của một Rapper trẻ trình bày trong một chương trình truyền hình.
Xin dùng một chia sẻ của MC Đại Nghĩa trong đợt miền Trung lũ lụt lịch sử vừa qua để tạm kết bài viết này ở đây. Có lẽ, trước khi yêu cầu một quy trình từ thiện chuyên nghiệp hóa từ những nghệ sĩ chứ không phải nhà hoạt động xã hội thì chúng ta nên lựa chọn việc gửi tiền của mình đến những nơi hợp với bản thân mình! Để những người có tâm và tầm sẽ trau dồi, tham khảo và thực hiện những điều lớn lao hơn trong tương lai.
MC Đại Nghĩa chia sẻ: "Đợt lũ lụt vừa rồi, tôi đã đi miền Trung hai chuyến để làm từ thiện, chuyến đầu tiên bốn ngày, chuyến thứ hai ba ngày. Tôi cũng đi qua các tỉnh như Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nhưng do thời gian chưa có nhiều nên số lượng quà từ thiện chúng tôi mang đến cho bà con vẫn còn ít để bà con phục hồi sau bão lũ. Tôi còn muốn làm nhiều thứ hơn nữa nên sau khi trở về từ hai chuyến từ thiện trước, tôi đã chia sẻ rằng, tôi sẽ làm những công tác lâu dài hơn như công tác giúp bà con xây nhà chống lũ".
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả dựa trên những sự việc, thông tin được chia sẻ trên truyền thông.