Mấy hôm trước nghe tin sắp có gói hỗ trợ 26.000 tỷ, làm em vừa mừng vừa lo. Mừng vì sẽ có nhiều người sắp thoát cảnh đói khổ, khó khăn, nhưng lo là không biết khi nào chính thức được ban hành.
Theo như em được biết từ nguồn VnExpress thì gói hỗ trợ lần này sẽ bổ sung hỗ trợ cho cả nhóm người lao động lẫn người sử dụng lao động đang gặp khó khăn do dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu chính sách lần này cần rà soát để đảm bảo phủ kín tới người cần hỗ trợ, đặc biệt là nhóm lao động tự do. Chưa hết, việc thực thi cần minh bạch và không để xảy ra tiêu cực.
Và rồi giải tỏa những lo lắng đó, ngày hôm qua, 01/7/2021, Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP, theo đó có 12 đối tượng được hưởng chính sách, cụ thể như sau:
#1. Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người sử dụng lao động
Theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành, mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động đối với người sử dụng lao động là 0,5% trên mức lương đóng BHXH.
Tuy nhiên vì ảnh hưởng dịch bệnh, theo Nghị quyết 68, mức đóng này sẽ là 0%, áp dụng kể từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Số tiền được giảm đóng sẽ dùng để hỗ trợ người lao động phòng chống dịch bệnh.
Chú ý rằng: Chính sách này không áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
#2. Tạm dừng đóng quỹ hưu trú và tử tuất đối với người sử dụng lao động
Người sử dụng lao động đã đóng đủ BHXH hoặc đang tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến phải giảm 15% lao động tham gia BHXH so với thời điểm tháng 4/2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn hay thỏa thuận nghỉ không lương) thì cả người lao động lẫn người sử dụng lao động được tạm dừng đóng quỹ này 06 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị. Nếu đủ điều kiện sẽ được giải quyết nhưng tổng không quá 12 tháng.
Được biết hiện hành, mức đóng quỹ hưu trí và tử tuất hiện tại là 14% trên mức lương đóng BHXH đối với người sử dụng lao động và 8% trên mức lương đóng BHXH đối với người lao động.
#3. Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động
- Mức hỗ trợ: Tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng.
- Thời gian hỗ trợ: Tối đa 06 tháng.
- Điều kiện hỗ trợ: Đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ, thay đổi cơ cấu công nghệ và có doanh thu quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 và 2020, có phương án phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
- Thời gian nộp hồ sơ đề nghị: Từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
#4. Hỗ trợ lao động tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương
- Đối tượng áp dụng: Lao động làm tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư, chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp bị tạm hoãn hợp đồng lao động liên tục từ 15 ngày trở lên hoặc nghỉ việc không lương tính từ ngày 01/5/2021 đến hết 31/12/2021.
- Điều kiện: Đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương.
- Mức hỗ trợ: Nếu từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng là 1,855 triệu đồng/người, còn từ 01 tháng trở lên là 3,71 triệu đồng/người.
#5. Hỗ trợ người lao động ngừng việc
- Đối tượng áp dụng: Lao động ngừng việc do phải cách ly y tế hoặc ở khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên, tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
- Điều kiện áp dụng: Đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc.
- Mức hỗ trợ: 1 triệu đồng/người và được nhận một lần.
#6. Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động
- Đối tượng áp dụng: Lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch trong thời gian từ 01/5/2021 đến hết 31/12/2021.
- Điều kiện áp dụng: Đang tham gia BHXH bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Mức hỗ trợ: 3,71 triệu đồng/người và được nhận một lần.
#7. Hỗ trợ bổ sung và trẻ em:
* Các đối tượng ở mục 4,5 và 6 nếu đang mang thai, nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi.
- Mức hỗ trợ thêm: 1 triệu đồng/người (hoặc trẻ).
- Chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha.
* Trẻ em nhiễm bệnh dịch hoặc cách ly y tế theo Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Được miễn phí tiền điều trị và tiền ăn 80.000 đồng/trẻ/ngày.
- Được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ trong thời gian điều trị, tính từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
#8. Hỗ trợ tiền ăn cho F0, F1
- Mức hỗ trợ: 80.000 đồng/người/ngày.
- Thời gian điều trị để tính hỗ trợ: Từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021, tối đa 45 ngày đối với F0 và 21 ngày đối với F1.
#9. Hỗ trợ người làm nghệ thuật, du lịch
- Đối tượng áp dụng: Đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động biểu diễn, không bao gồm đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang, phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng chống dịch; hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch bệnh
- Thời gian để tính hưởng: Từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
- Mức hưởng: 3,71 triệu đồng/người và được nhận một lần.
#10. Hỗ trợ hộ kinh doanh
- Điều kiện: Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Thời gian để tính hưởng: Từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
- Mức hưởng: 3 triệu đồng/hộ và được nhận một lần.
#11. Cho vay trả lương ngừng việc hoặc phục hồi sản xuất
* Cho vay trả lương ngừng việc:
- Đối tượng áp dụng: Người sử dụng lao động vay tiền để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên.
- Thời gian tính hưởng: Từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.
- Điều kiện: Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm vay vốn.
- Mức cho vay: Lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay và tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 03 tháng.
- Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
* Cho vay trả lương phục hồi sản xuất:
- Đối tượng áp dụng: Người sử dụng lao động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch bệnh và phải trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang tham gia BHXH bắt buộc
- Thời gian tính hưởng: Từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.
- Điều kiện: Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm vay vốn.
- Mức cho vay: Lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay và tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 03 tháng.
- Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
#12. Lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác
Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Trải qua hơn 2 tháng dịch bùng phát trở lại, tính đến thời điểm này đã lan sang 50 tỉnh, thành với số ca nhiễm vượt 17.000. Đáng nói là nó xâm nhập vào các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang và đe dọa sản xuất của các tỉnh thành phía nam trong đó có TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Dự báo thời gian tới, nếu tình hình này vẫn cứ còn tiếp tục, sẽ có thể khiến nhiều lao động phải ngừng việc, ước tính con số có thể lên đến 2,5 triệu người.
Đọc tin xong thấy lo mẹ ha, nhất là với những người phải làm lụng vất vả từng ngày để trang trải cuộc sống cho gia đình lại càng thấy khốn đốn cỡ nào. Nên hy vọng gói hỗ trợ lần này gần gũi và sát sao đến người dân hơn.
Đặc biệt rút kinh nghiệm từ năm ngoái, thông thường sẽ dựa vào danh sách thông tin đăng ký cư trú là thường trú hoặc tạm trú để hỗ trợ, do vậy mẹ cần coi lại nếu mình đúng đối tượng được hưởng thì phải kiểm tra lại đầy đủ giấy tờ, chẳng hạn như với người lao động làm việc cho công ty cần có hợp đồng lao động lẫn thỏa thuận tạm hoãn do dịch bệnh này để hưởng đủ quyền lợi theo quy định.