Suốt 3 năm THPT, thủ khoa ngành Khoa học Máy tính Đại học Bách khoa Hà Nội luôn đạt điểm 10 môn Toán, một điều mà không phải học sinh xuất sắc nào cũng có thể làm được.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vừa qua với hơn một triệu thí sinh tham dự, có 12 em giành điểm 10 tuyệt đối môn Toán, trong số đó có Đặng Quốc Vinh, cựu học sinh lớp 12A, trường THPT Ninh Giang, Hải Dương.

Nguyện vọng một Vinh chọn là ngành Khoa học Máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội. Với lợi thế điểm 10 môn Toán, môn chính được nhân hệ số 2, Đặng Quốc Vinh vừa trở thành thủ khoa đầu vào của Đại học Bách khoa Hà Nội với 29,47 điểm khối A00 (Toán, Lý, Hóa) và 29,65 điểm khối A01 (Toán, Lý, Anh).

hình ảnh

Đặng Quốc Vinh vừa trở thành thủ khoa đầu vào của Đại học Bách khoa Hà Nội

Như mọi năm, ngành Khoa học Máy tính vẫn là ngành có điểm chuẩn cao nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội. Do đó, thủ khoa của ngành này cũng chính là thủ khoa của trường.

Rất nhiều người khi nhìn vào bảng điểm của Vinh đều vô cùng ngưỡng mộ bởi em không chỉ xuất sắc trong các môn thuộc tổ hợp A00 mà tổ hợp A01 cũng đạt được số điểm rất lý tưởng.

Em đọc trên Vnexpress, được biết điểm chứng chỉ tiếng Anh TOEIC của Vinh đạt 830/990. Còn điểm bài thi tư duy đạt 96 điểm, đây là mức điểm mà trong 11.000 thí sinh dự thi, chỉ 7 người đạt được (thủ khoa là 96,49 điểm). Điều này có nghĩa là dù không xét điểm thi tốt nghiệp chăng nữa thì Vinh vẫn đậu vào ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa.

Khi xem cụ thể điểm từng môn của Vinh, mọi người càng hiểu rõ hơn cách thức tính điểm chuẩn ngành này của trường và không quá khó hiểu khi vì sao, trước đó, hai thủ khoa khối A00 lại không đậu được nguyện vọng 1.

“Đấy, mọi người cứ thắc mắc hai thủ khoa kia, rồi lãng phí nhân tài. Chỉ là trường họ cũng đã tuyển đủ nhân tài cho khoa này rồi. Nhân tài ở đây có nhiều khía cạnh đánh giá, không chỉ xét điểm tốt nghiệp.”

“Ngành Khoa học máy tính thì ưu tiên toán (x2) là đúng rồi. Ngành chỉ lấy số lượng ít thì phải chọn những người ưu tú nhất, thích hợp với ngành. 2 bạn thủ khoa kia tuy rất cũng rất giỏi, nhưng không cạnh tranh được ở ngành này thì phải chấp nhận thôi. Chênh lệch giữa 9,6 với 10 là rất lớn.”

“Ai học Bách khoa cũng sẽ hiểu thôi. Tố chất sẽ quyết định tài năng, Bách khoa Hà Nội là nơi đào tạo tinh hoa, những con người kiệt xuất, giỏi toàn diện không phải là tất cả mà phải xuất chúng vì ở cái gì.”

hình ảnh

Bản thân Vinh sau khi biết tin mình trở thành thủ khoa của ngành đã rất vui mừng. Còn mẹ của Vinh, Chị Bùi Thị Việt Hà thì chia sẻ chị thấy như trút gánh nặng khi biết điểm chuẩn bởi dù điểm của con ổn nhưng vào được Bách khoa Hà Nội bắt buộc phải chấp nhận cạnh tranh mức độ cao.

Chị Hà còn chia thêm về tính cách của Vinh khiến mọi người từ chỗ ngưỡng mộ lại càng thêm yêu mến. Theo lời chị, Vinh là một chàng trai hiền lành lại tốt bụng. Có những hôm, em dành cả buổi tối để giúp bạn ôn bài. Lắm khi sốt ruột cho con, chị Hà có nhắc nhở thì Vinh chỉ nói sẽ học bù thêm giờ khác để mẹ an tâm.

Trước sức học phải nói là "như siêu nhân" của Vinh, nhiều phụ huynh khác tò mò cũng muốn biết làm sao có thể một người học giỏi đến mức gần như hoàn hảo đến vậy:

“Sao em giỏi thế nhỉ, đấy là bẩm sinh hay là rèn luyện?”

“Khiếp, 3 năm cấp 3 môn Toán chỉ toàn điểm 10, chỉ có thể là trong truyền thuyết.”

“Quan trong vẫn là tính tự giác, nếu không có ép học cỡ nào cũng không thành.”

Về vấn đề này, chị Hà cũng xác nhận bản thân chị chưa bao giờ phải giục con hay nhắc nhở Vinh học bài. Vốn dĩ Vinh từ bé đã giỏi Toán và tiếng Anh, từng đi thi nhiều cuộc thi học sinh giỏi và đạt nhiều giải thưởng.

Ngoài sự tự giác ra, có lẽ niềm đam mê với ngành học là một động lực không nhỏ thôi thúc, đúng như Vinh chia sẻ: “Em thích máy tính và lập trình, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu.”

Mục tiêu đã có và việc tiếp theo sẽ là tập trung, vạch ra chiến lược để có thể biến ước mơ thành hiện thực.

Từ khi còn ở cấp tiểu học, Vinh đã tập trung vào việc học và học đều tất cả các môn. Lên cấp hai, em tập trung vào các môn Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh và thường xuyên ôn giải các bài thi đánh giá tư duy theo bộ đề của Đại học Bách khoa Hà Nội. Không chỉ có vậy, xác định được Khoa học Máy tính là ngành có sức cạnh tranh gay gắt bởi các thí sinh tham dự đều là những học sinh xuất sắt nhất nên chàng trai Hải Dương còn nỗ lực hoàn thiện ở cả phương thức đánh giá năng lực tư duy lẫn kỳ thi tốt nghiệp THPT để bản thân có thêm nhiều khả năng đỗ vào ngành học mơ ước.

Qua tấm gương học tập nghiêm túc và đầu tư có chiến lược của Vinh, có thể thấy, việc sớm tìm ra ước mơ trong tương lai của trẻ và định hướng một chiến lược đúng đắn ngay từ đầu là mấu chốt. Có thể, con đường đi đến ước mơ của mỗi người mỗi khác, tùy năng lực bản thân để chọn một phương thức tiếp cận phù hợp nhưng quan trọng nhất vẫn là làm sao khơi dậy được ước mơ và thổi bùng ước đó để nó trở thành một động lực có sức thúc giục mạnh mẽ nhất đối với người học.

Tuy nhiên, công thức này đúng với người này nhưng chưa hẳn đúng với người khác. Điều tốt nhất mà bố mẹ có thể giúp con mình là đừng làm thui chột những ước mơ chớm nở.