Sau tất cả thì kẻ khoe sẽ đi du học, người khoe "được tuyển thẳng"... cũng về quê làm khu công nghiệp cùng người rớt đại học.

Về quê tìm việc sau khi tốt nghiệp đại học - con đường chẳng mấy người trẻ chịu đi. Mỗi người có hàng trăm lý do. Có người thực sự muốn bám trụ Sài Gòn, nhưng cũng có những người lại khá là ngại trước lời ra tiếng vào của người thân, hàng xóm. Nhưng một khi "cái nghèo" đã lớn hơn "cái sĩ" thì có ngại mấy, có từng mạnh miệng cỡ nào đi chăng nữa cũng phải chọn khăn gói về quê để ổn định cuộc sống.

Tôi chia sẻ như thế không có ý đánh giá lựa chọn của bất kì ai, chẳng qua trên mạng mấy ngày qua đang rầm rộ câu chuyện của 4 thanh niên trẻ về chuyện việc làm, gầy dựng sự nghiệp của mình nên muốn chia sẻ lại với mọi người. Cụ thể thì một trong bốn thanh niên này có một anh trượt đại học nên đã quyết định về khu công nghiệp ở Bắc Ninh xin việc theo lời khuyên của hàng xóm. Dự định cũng có đầy đủ cả rồi, anh này sẽ làm ở đây vài năm để ổn định cuộc sống, khi có vốn rồi thì mới tiếp tục tính đến chuyện gây dựng sự nghiệp.

Bất ngờ là trên chuyến xe về quê, anh chàng đã gặp lại những người bạn từng học chung lớp 12. Đáng nói, trước đây họ từng không ngần ngại khoe với nhau về những dự định, một tương lai sáng chói của bản thân. Người thì kêu sẽ đi du học, người bảo được tuyển thẳng đại học, người còn lại còn tự hào khoe mình thi được tận 30 điểm. Phải công nhận với thành tích như vậy thì chắc chắn ai cũng nghĩ, sau này họ sẽ có tương lai tươi sáng lắm, thế nhưng chẳng rõ vì lý do gì mà cuối cùng họ lại chung số phận đi xin việc tại khu công nghiệp giống anh chàng trượt đại học kể trên.

Tôi xin được trích thêm đôi dòng tâm sự của chàng trai trẻ trên trang Beatvn:

"... Em thì trước đấy cũng văn vở với các bạn là vào trong Nam học, giờ các bạn hỏi em đành bảo: "Đi làm mấy năm xong có tiền thì học, tại thương bố mẹ", cả 3 thằng cùng gật gù bảo: "Ừ, đúng rồi như thế là sáng suốt đấy, anh em mình sức dài vai rộng, kết quả thi cao đấy nhưng không nỡ lòng để bố mẹ nuôi tiếp đại học, mấy năm nữa có tiền học lại sau cũng được". Trên chuyến xe, 4 thằng bọn em vui lắm, chia nhau 2 quả trứng gà luộc mà lòng lâng lâng. Đấy, tình bạn là khi chúng ta giữ cho nhau chút liêm sỉ cuối cùng".

hình ảnh

Ảnh minh họa: kknews.cc & Báo Bắc Ninh

Chia sẻ của thanh niên nhanh chóng thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Những dòng tâm sự và hoàn cảnh của 4 chàng trai trẻ trên đây khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ. Và hẳn nhiều người trong chúng ta cũng từng áp lực chuyện lên thành phố ăn học nhất định phải thành tài chứ không thể về quê làm công nhân. Qua đó tôi còn thấy một điều, 4 thanh niên này chắc ít nhiều hiểu được hoàn cảnh, tâm tình của bạn nên không nỡ bóc trần những lời nói dối của nhau.

Đúng là cuộc đời chẳng biết đâu mà lần, mọi người ha! Nay là học sinh giỏi, tương lai rộng mở nhưng mai lại thấy làm bốc vác, khéo lại làm chung với đứa bạn từng "đội sổ" ở lớp không chừng. Có nhiều lý do dẫn đến điều này lắm, từ khách quan cho đến chủ quan, từ lý do chính đáng đến lý do không chính đáng... Thế nên ở đời đừng có nhìn điểm số mà coi thường nhau. Với lại mọi người đừng nghĩ làm khu công nghiệp thì không bằng ai nha. Chịu khó, chăm chỉ mấy năm có khi mau có tiền mà đời sống thanh thản hơn là cố bám trụ ở thành thị nữa đó.

Nói chung mỗi người một cuộc đời, một số phận. Mặc kệ ai nói gì, mình cảm thấy bản thân hạnh phúc với những gì mình hiện có là được. Không làm ông này bà nọ cũng chẳng sao, miễn mang tiền về cho bản thân, bố mẹ, những đồng tiền trong sạch là được. Quyết tâm dứt bỏ cái mác học đại học xong phải làm trên thành phố, bỏ qua cái định kiến của xã hội để trở về quê làm lại từ đầu hoặc khởi nghiệp theo mong muốn của riêng mình thật tình đâu dễ dàng! Nhưng với những chàng trai trên đây phải nói các bạn cũng có tinh thần dũng cảm và kiên quyết đó chứ!

Tóm lại, đừng ngại, đừng lo ai nói gì, bản thân mình cố gắng từng chút vững vàng để ngày mai tốt hơn hôm nay là được rồi, chuyện to tát từ từ tính sau!