Đến một lúc nào đó, trẻ sẽ chểnh mảng trong chuyện học tập và không muốn đi học. Khi đó con sẽ muốn làm khó mẹ bằng câu “Tại sao con phải chăm học”.

Trong tình huống con không muốn đi học, cha mẹ sẽ phải trả lời sao? Một số phụ huynh khi ở trong tình huống này thường trả lời như sau: Học sẽ đem lại rất nhiều ý nghĩa với cuộc đời con. Nó giúp con mở rộng tầm nhìn và thậm chí thay đổi số phận của một người.

Đây là cách hướng trẻ đến chân lý của cuộc đời và hiển nhiên sự thật luôn rất đáng trân trọng, nhưng những đứa trẻ sẽ không hiểu sự thật vì con chưa thể có được tầm nhìn rộng để hiểu hết ý nghĩa thực sự đằng sau cái gọi là vận mệnh trong tay ta.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: new.qq

Cũng có một câu trả lời phổ biến khác từ các bậc phụ huynh rằng: "Con chăm chỉ học tập thì sau này sẽ có cơ hội thi vào một trường trung học cơ sở tốt. Sau đó con sẽ được vào một trường trung học phổ thông tốt và cuối cùng là trúng tuyển vào một trường đại học tốt. Khi có được công việc tốt trong tương lai, con sẽ có được thu nhập cao và cuộc sống sung túc, đầy đủ thay vì lao động tay chân vất vả." 

Cũng lại có những bậc cha mẹ muốn hướng con nhìn đến sự khó nhọc của cuộc sống rằng: "Nếu con không chăm chỉ học hành, con sẽ phải ra ngoài đường, đi quét rác, nhặt ve chai, bán vé số. Những công việc đó rất vất vả và khó nhọc nhưng đồng tiền kiếm được lại chẳng là bao."  

Dù đang cố gắng bằng nhiều cách khác nhau nhưng xem ra không có cách nào thực sự lay động được trắc ẩn trong trẻ. 

Vậy phải trả lời câu hỏi “Tại sao trẻ con phải chăm học” sao cho ngầu đây? 

1. Nương theo ý nghĩ của con

Nếu mẹ để ý sẽ thấy trẻ em thích so sánh với động vật. Con nghĩ rằng con không cần học vì ghen tị với mấy con vật. Con nghĩ chỉ cần ăn, ngủ và chơi là tốt quá rồi. Mặc dù ý tưởng này có vẻ thật nực cười nhưng đây là cơ hội tốt để mẹ trả lời con cho thật ngầu.

Mẹ có thể so sánh cuộc sống của động vật và con người, để con có thể hiểu được những khác biệt thiết yếu và khao khát một cuộc sống chất lượng hơn. 

Ví dụ, so sánh con kiến ​​với con người. Từ khía cạnh lao động, kiến ​​làm những công việc hạn chế để tồn tại, trong khi con người làm tất cả những công việc vượt ngoài sức tưởng tượng.

Từ quan điểm ăn uống, kiến ​​ăn để sinh tồn, trong khi con người ăn để cảm nhận vị ngon, để giao tiếp, để thắt chặt mối quan hệ. 

Dưới góc độ môi trường sống, loài kiến ​​chỉ có thể sống trong những chiếc tổ hẹp và tối trong khi con người có thể tự tạo ra một môi trường sống đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị, thỏa mãn nhu cầu về sinh hoạt và thẩm mỹ. 

Kiến không có một cuộc sống đa dạng, trong khi con người còn nhiều thứ phải làm. Học tập sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta nhiều màu sắc hơn. Chúng ta có thể vui chơi và giao tiếp với nhiều người. Chúng ta có thể tạo ra bất kỳ cuộc sống vui vẻ và thoải mái nào mà chúng ta muốn thông qua việc học. Và học tập sẽ cho phép con người thực hiện ước mơ của mình và bắt đầu một cuộc sống tốt hơn. 

2. Cuộc đời ai người nấy sống

Trẻ có thể nghĩ rằng nghề nghiệp nào cũng được kế thừa và bố mẹ làm nghề gì thì sau này con cái cũng sẽ theo đuổi được nghề này. Trẻ con mà, chúng rất ngây thơ nên không thể hiểu được rằng nghề nghiệp không có tính thừa kế. Con cần phải hiểu được rằng nếu con không học, sau này con không thể làm được điều con muốn, ngay cả khi muốn theo đuổi nghề của bố mẹ cũng không thể làm được. 

Mặt khác, không phải đứa trẻ nào cũng mong muốn được như cha mẹ. Các bé sẽ có những hướng đi riêng của mình, ít nhất là chỉ trong ý nghĩ về nhiều nghề nghiệp khác nhau như trở thành nhà thiết kế, đầu bếp bánh ngọt, nhà văn, ca sĩ,… Nếu muốn đạt được ước mơ của mình, nhất định con cần phải chăm học để hiểu biết nhiều hơn và làm được nhiều hơn. 

Ví dụ, nếu một đứa trẻ muốn trở thành một nhà thiết kế thời trang, nó cần phải hiểu lịch sử của thiết kế, các kiểu dáng phổ biến hiện tại, nhu cầu thiết kế trong tương lai, chất lượng và giá cả của các loại vải. Các kiến ​​thức này liên quan đến ngôn ngữ, toán học, lịch sử, hóa học, mỹ thuật,… Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở trường, trẻ phải học qua sách báo và Internet, thực hành nhiều lần mới có thể thực hiện được ước mơ của mình.

3. Học tập có thể thỏa mãn trí tò mò và giúp phát triển

Trẻ em bẩm sinh đã rất tò mò và luôn thích hỏi 1001 câu hỏi tại sao. Cho dù đó là đồ vật thực tế hay chỉ là một từ vựng trong văn học, trẻ cũng sẽ tò mò và muốn tìm hiểu.

Câu trả lời gợi mở sẽ khuyến khích trẻ học tập chăm chỉ theo cách thỏa mãn trí tò mò của mình. Hãy nói với con rằng tất cả các câu hỏi đều có thể được trả lời từ kiến thức trên lớp, trong sách vở, trên Internet, ở thư viện… Từ chỗ đi tìm câu trả lời, trẻ sẽ thấy rằng việc học thật tuyệt vời. 

Trẻ càng học nhiều thì tính tò mò của trẻ càng mạnh. Nó giống như khi chúng ta mở chiếc hộp Pandora và mọi thứ không thể dừng lại. Có quá nhiều điều thú vị trên thế giới này đang chờ khám phá và con đường duy nhất đi đến đó không gì khác là phải chăm chỉ học tập. Trong quá trình này, trẻ làm quen với thế giới rộng lớn hơn và lớn lên liên tục.

4. Học tập vì lợi ích bản thân và phù hợp với thời đại

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: new.qq

Xã hội này không hề tĩnh tại, mà là không ngừng phát triển nhanh chóng. Nếu con dựa dẫm vào chút kiến thức ít ỏi của mình để tin là ra ngoài kia có thể hòa nhập vào xã hội, vào các nền văn hóa khác nhau và phát triển bản thân thì đó chỉ là ảo tưởng sức mạnh. 

Trước đây, thông tin liên lạc còn lạc hậu, con người truyền tải thông tin dưới dạng thư từ và điện báo với tốc độ rất chậm. Giờ đây, giao tiếp đã được phát triển, con người có thể liên lạc ngay lập tức bằng cách dựa vào một mạng lưới kết nối vô cùng mạnh mẽ. Trong tương lai, nó có thể là thế giới của trí tuệ nhân tạo, của không gian không giới hạn. Do đó, nếu không có kho kiến ​​thức đầy đủ và khả năng tư duy mạnh mẽ, con có thể sẽ bị thay thế bởi robot và trở nên vô dụng.

Trong tương lai, sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt, không chỉ cạnh tranh với con người mà còn cạnh tranh với cả những con robot trên cùng một sàn đấu. Không học thì con sẽ bị tụt hậu và không có chỗ cho sự sống còn. Chỉ những ai chăm chỉ học tập mới có khả năng tiếp thu kiến ​​thức mới, thích ứng với sự phát triển của xã hội và biến mình thành người có ích.