Chồng mất, người phụ nữ ôm 2 con nhỏ, mỗi ngày đẩy xe đi bán đậu phụ và mì. Vậy mà thức thời phất lên thành tỷ phú sở hữu tài sản 1,9 tỷ USD.
Cuộc sống vốn dĩ không ai biết trước được điều gì nên cứ sống trọn vẹn mỗi ngày, làm việc hết sức, phấn đấu hết mình thì mới có thể phát triển và không hối hận về sau. Nhất là chị em phụ nữ chúng ta - tuổi trẻ và nhan sắc rồi sẽ qua đi, tiền bạc vật chất là hư vô, thứ bạn có thể nắm trong tay vẫn là tinh thần tích cực và ý chí kiên cường của chính mình.
Mới đây, tôi có đọc được câu chuyện rất ấn tượng về người phụ nữ có tên Tao Huabi trên Vietnamnet nên muốn chia sẻ lại với mọi người. Cụ thể, ngày đó, bà Tao Huabi là một người mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ, có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi ngày, bà đều đẩy chiếc xe đẩy đi bán đậu phụ và mỳ lạnh. Nhờ siêng năng và khéo tay, bà tự chế ra loại ớt chưng đặc biệt để làm đồ ăn kèm cho thực khách của mình.
Món ớt chưng tự làm rất ngon nên khách tới ăn đều yêu thích. Thậm chí, họ còn mê mẩn nó hơn cả đồ ăn, đôi khi đến chỉ vì nhớ hương vị ớt chưng này. Nhận ra điều này nên bà Tao Huabi quyết định bán thêm mặt hàng ớt chưng riêng (đựng trong lọ chỉn chu) cho khách.
Vào năm 1990, gần địa điểm bà Tao Huabi bán hàng có một con đường cao tốc mới xây dựng nên nhiều tài xế xe tải hay đi ngang qua. Nhận thấy đây là thời cơ tốt để quảng bá món ớt chưng tới nhiều người hơn nên bà hào phóng tặng miễn phí cho các tài xế dùng thử. Việc làm thức thời này khiến sản phẩm của bà được lan tỏa đi nhiều nơi xa hơn, đến tay nhiều khách hàng tiềm năng. Tiếng lành đồn xa, họ còn cất công tới tận nơi để mua.
Bà Tao Huabi (Ảnh trái: Vietnamnet). Ảnh phải: reddit
Sáu năm sau, thương hiệu ớt chưng của bà Tao Huabi chính thức ra đời. Ớt chưng có vị cay và nhiều dầu mỡ. Đây là thứ không thể thiếu trong ẩm thực của người Trung Quốc. Nhờ chất lượng và giá thành rẻ nên những lọ ớt chưng của người mẹ đơn thân được thị trường đón nhận. Trong vòng 2 thập kỷ, bà Tao Huabi đã xuất sắc trở thành tỷ phú đô la với khối tài sản trị giá 1,9 tỷ USD, là một trong những phụ nữ giàu có nhất Trung Quốc.
Sự thành công của bà càng thêm ý nghĩa khi tạo công ăn việc làm cho nhiều người nghèo khổ. Đó là 180.000 nông dân trồng ớt, 5.000 người làm việc tại các nhà máy và cơ sở sản xuất ớt chưng. Những con số nghe qua đã thấy vô cùng ấn tượng phải không mọi người? Từ một single mom cơ cực mà vươn lên đến tầm cao như thế này, đối với tôi mà nói, đó là cả một hành trình nỗ lực quá ngoạn mục.
Sau này, khi đã "có tuổi", bà Tao Huabi để cho con trai út kế thừa công việc kinh doanh. Thế nhưng vì để tiết kiệm chi phí, cậu con trai này đã chuyển sang trồng một loại ớt khác khiến chất lượng sản phẩm không còn được như trước. Năm 2018, doanh thu của công ty sụt giảm nghiêm trọng khiến bà Tao Huabi dù đã nghỉ hưu cũng không thể nào yên lòng. Bà đành tái xuất thương trường để vực dậy doanh thu của công ty bằng việc tự điều hành và triển khai nhiều chiến dịch tiếp thị hấp dẫn.
Rất may là nhờ tâm huyết của bà, công ty tăng trưởng trở lại. Chỉ có điều những thách thức mới cũng xảy đến khiến công ty không còn đạt đỉnh cao như xưa. Chẳng hạn như thị trường tương ớt bùng nổ với hơn 4.500 công ty cạnh tranh nhau, dịch bệnh, sự phát triển của thương mại điện tử...
Tuy vậy, cho đến nay, hầu như người Trung Quốc nào cũng biết đến thương hiệu của bà Tao Huabi. Từ một xe đẩy bán hàng rong với những lọ ớt chưng trở thành công ty lớn, bà tâm niệm chỉ cần làm tốt công việc của mình để phục vụ xã hội và không tham lam vật chất là hạnh phúc lớn nhất đời mình.
Câu chuyện trên cũng khiến tôi nhớ tới người đàn ông quê Sóc Trăng lúc trẻ trồng ớt, về già thành "đại gia tương ớt" nổi danh nước Mỹ có tên David Trần (SN 1945). Ông sinh ra trong một gia đình đông con, bố là thương nhân, mẹ làm nội trợ. Năm 16 tuổi, lúc ấy mới chỉ học hết tiểu học, ông Trần theo anh trai lên Sài Gòn làm việc trong một cửa hàng bán hóa chất. Được một thời gian thì ông quay về Sóc Trăng học trung học.
Sau này, ông Trần lấy vợ rồi cùng anh trai trồng ớt trên miếng đất của gia đình rồi từ từ chuyển sang làm tương ớt. Ông thấy giá ớt trái lên xuống thất thường, đồng thời đánh giá các loại tương ớt trên thị trường lúc đó không đủ độ cay hoặc hương vị chưa thực sự hấp dẫn nên nảy ra ý tưởng mua ớt tươi về, vận dụng kiến thức của mình về hóa chất để chế biến một loại tương ớt giữ được vị tươi ngon và cay.
Tháng 12/1978, David Trần ở tuổi 33 quyết định đem một số vốn qua Mỹ. Tại đây, ông mua ớt từ các chợ địa phương và thành lập công ty sản xuất tương ớt vào tháng 02/1980. Công việc kinh doanh thuận lợi nên công ty mở rộng và chuyển tới cơ sở lớn hơn.
Năm 2014, thành phố Irwindale kiện công ty của David Trần vì mùi ớt bay ra từ nhà máy khiến người dân khó chịu. Vụ kiện ầm ĩ khiến các chính trị gia như thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas kêu gọi David Tran và công ty của ông phải rời khỏi Los Angeles. Lúc này, ông Trần nảy ra ý tưởng mở cửa nhà máy để người dân được vào tham quan quy trình sản xuất của công ty, từ đó thay đổi góc nhìn.
Nhận ra thành ý và sự quyết tâm trong điều hành doanh nghiệp của ông Trần mà sau đó thành phố đã rút đơn kiện. Hoặc các thách thức khác như sản phẩm tương ớt của công ty bị làm nhái tràn lan, quan hệ của công ty với nhà cung cấp ớt độc quyền cho công ty bị đổ vỡ dẫn đến cuộc chiến pháp lý, thời tiết khắc nghiệt khiến ớt mất mùa dẫn đến thiếu hụt nguồn nguyên liệu trầm trọng, công ty tạm ngừng sản xuất...
Tới thời điểm hiện tại, những khó khăn đã dần qua đi nên công ty của David Trần có thể bắt nhịp trở lại với tốc độ sản xuất 18.000 chai tương ớt/giờ. Công ty luôn sử dụng một công thức gồm ớt, đường, muối, tỏi và giấm để sản xuất tương ớt từ năm 1980 đến nay. Trong 40 năm, chính công thức này đã đem lại thành công cho họ, đi từ một công ty nhỏ lên thành doanh nghiệp tỷ đô. David Trần từ đó mà trở thành "tỷ phú tương ớt" duy nhất trên đất Mỹ.
Ông David Trần (Ảnh: Trbimg)
Nói về tâm huyết làm nghề, ông Trần chia sẻ: "Tôi có thể sử dụng nguyên liệu rẻ hơn hoặc quảng bá sản phẩm để kiếm được nhiều tiền hơn nhưng tôi không làm thế. Mục tiêu của tôi là tạo ra tương ớt chất lượng như cho người giàu với cái giá dành cho người nghèo".