Thương bà con miền Trung quá đi, năm nào cũng hứng chịu bão, rồi bão vừa qua lo dọn dẹp lại nhà cửa, vườn tược, ruộng lúa... thì lũ lại kéo tới. Cứ thế hết thời gian, còn sức đâu mà lo kinh tế nữa.
Mới đây nhất, em đọc được tin trên báo Tuổi trẻ, sau khi bão Noru vào các tỉnh miền Trung thì Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lại thông tin tiếp rằng nguy cơ xảy ra lũ quét cùng sạt lở ở nơi vùng núi, ngập lụt sâu tại các vùng trũng thấp, ven sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum là rất lớn.
Từ đây đến trong vòng 12 giờ tới, tại các con sông ở Quảng Nam và Kon Tum, lũ tiếp tục tăng lên và từ nay đến ngày 30/9/2022, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị sẽ xuất hiện ít nhất 1 đợt lũ. Đặc biệt nhất là tại các khu vực sau đây cần chú ý:
- Tỉnh Quảng Trị: Huyện Hướng Hóa, Đắk Rông.
- Tỉnh Thừa Thiên Huế: Huyện Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc.
- Tỉnh Quảng Nam: Huyện Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước.
- Tỉnh Kon Tum: Huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đắk Glei, Đăk Tô.
Do đó, để đề phòng nguy cơ lũ quét và ngập úng sâu, nhằm giảm thiểu thiệt hại và bảo đảm an toàn tính mạng cho bản thân cùng người thân trong gia đình, bà con nên lưu ý 7 điều sau:
#1. Cập nhật liên tục các thông tin liên quan đến lũ quét, ngập úng theo đài địa phương. Cố gắng giữ liên lạc với nhau và chấp hành đúng theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
#2. Trong trường hợp cần thiết, bà con hãy nhanh chóng di dời khỏi nơi ở có nguy cơ ngập sâu, lũ quét hoặc sạt lở đất.
#3. Chuẩn bị các vật dụng vệ sinh cá nhân, lương thực thực phẩm, nước uống cùng thuốc men cần thiết có thể sử dụng trong vài ngày. Ngoài ra, áo phao và các vật có thể làm nổi cũng là thứ cần phải chuẩn bị trong lúc này.
#4. Tiết kiệm năng lượng và thường xuyên nạp sạc pin điện thoại cùng với đèn pin để sử dụng trong trường hợp cần thiết. Bởi mưa lũ có thể khiến khu vực bà con ở mất điện bất cứ lúc nào. Do đó hãy dự phòng các tình huống khi còn có thể.
#5. Khi lũ lụt đến, bà con nếu đang ở nơi an toàn thì cố gắng yên vị tại chỗ, tránh di chuyển, trừ trường hợp buộc phải di chuyển nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. Ngoài ra, nhớ ngắt các thiết bị điện gần mặt đất nơi lũ có thể đi qua, khóa van gas và kê cao các vật dụng cần bảo quản.
#6. Nắm bắt được các khu vực gần nơi mình ở hoặc trú bão lũ để biết không đi qua các khu vực cầu cống nơi lũ dự kiến sẽ tràn vào.
#7. Những lúc như thế này, bà con tuyệt đối không được bơi lội và đánh bắt cá vì rất nguy hiểm, thậm chí có thể bỏ mạng.
Ảnh trái: Nước lũ ngập nhà dân ở huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Ảnh phải: Lũ tràn qua mặt đường quốc lộ 40b huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum - Nguồn: Báo Tuổi trẻ.
Sau khi lũ rút rồi, việc còn lại là bà con dọn dẹp và tiêu hủy xác động vật rồi vệ sinh sạch sẽ xung quanh nơi ở để phòng tránh các dịch bệnh nguy hiểm có thể lây lan. Đặc biệt chú ý đến việc sử dụng điện, hãy cẩn thận để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra sự cố điện giật mất mạng.
Năm nào cũng vậy bão lũ đến rồi đi mang biết bao thiệt hại về tính mạng con người cùng tài sản. Đối với bão Noru này tuy trước đó được dự đoán là lớn nhất trong vòng 20 năm qua, nhưng có lẽ công tác chuẩn bị của chúng ta khá chắc nên tính đến giờ, thiệt hại bà con miền Trung gánh chịu không quá lớn nhưng cũng đủ khiến mọi người lao đao, mất thời gian để phục hồi lại từ đầu.