Ngày dự sinh bị thay đổi vốn là chuyện bình thường, đấy cũng chỉ là một phép tính sai số phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau nên các mẹ cũng không cần quá lo lắng.
Theo lý thuyết, thời gian mang thai của người phụ nữ là 9 tháng 10 ngày, tuy nhiên trên thực tế, con số này không hoàn toàn chính xác với tất cả thai phụ và dĩ nhiên, ngày dự sinh cũng sẽ không "chắc như đinh đóng cột", thay đổi sớm hoặc muộn hơn cũng là điều bình thường với nhiều lý do khác nhau.
Các mẹ bầu khi đi khám thai sẽ được các bác sĩ liên tục đưa ra ngày dự sinh. Đây là việc làm cần thiết để mẹ chủ động chuẩn bị đồ đạc, tâm lý cho ngày sinh nở, đồng thời tránh trường hợp nguy hiểm do mang thai quá ngày hay đẻ rơi.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến ngày dự sinh của thai phụ thay đổi và cách tính ngày dự sinh "chuẩn" nhất? Mời mẹ bầu theo dõi bài viết dưới đây.
Ngày dự sinh là gì?
Việc biết được thời gian dự sinh sẽ giúp ích rất nhiều cho các mẹ bầu từ khâu chuẩn bị đồ dùng cho đến tâm lý
Nói một cách dễ hiểu, ngày dự sinh là ngày bác sĩ ước đoán thai nhi được khoảng 40 tuần tuổi dựa trên tính toán theo kỳ kinh cuối trước khi có bầu của thai phụ. Việc biết được ngày dự sinh là rất quan trọng vì sẽ giúp chị em theo dõi được sát sao sự phát triển của thai nhi, can thiệp sớm những trường hợp quá ngày dự sinh để tránh những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Và như đã đề cập ở trên, ngày dự sinh chỉ mang tính chất áng chừng chứ không thể khẳng định vì thai kỳ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, hay nói vui là người duy nhất có thể trả lời được chính xác ngày bạn sẽ sinh con, đó chính là em bé của bạn.
4 lý do chính khiến ngày dự sinh thay đổi
Ngày dự sinh thay đổi do thai phụ có chu kỳ kinh nguyệt không đều
Các mẹ bầu có thể dựa vào chu kì kinh nguyệt để tính ngày dự sinh
Theo đó, để ước tính được ngày dự sinh, các bác sĩ sẽ hỏi kỳ kinh nguyệt cuối cùng của bạn là khi nào. Đối với những chị em có chu kỳ không đều (kéo dài hơn 28 ngày) có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả dự sinh.
Để tính ngày dự sinh, điều quan trọng cần nhớ là thời gian từ lúc rụng trứng đến kỳ kinh tiếp theo là khoảng 14 ngày. Vì vậy, nếu chu kỳ của bạn dài 33 ngày thì ngày rụng trứng rất có thể xảy ra vào ngày 18. Vậy nên, với các thai phụ có tiền sử kinh nguyệt không đều thì ngày dự sinh sẽ có sự thay đổi.
Ngày dự sinh thay đổi do bạn siêu âm vào tam cá nguyệt thứ hai
Một nghiên cứu của Tạp chí Sản phụ khoa Hoa Kỳ đã chỉ ra, siêu âm được thực hiện trong ba tháng đầu tiên - hoặc cụ thể là cho đến tuần thứ 13 của thai kỳ - sẽ chính xác hơn trong việc dự đoán ngày dự sinh của bạn.
Chính vì thế, khi siêu âm thai muộn khi thai đã lớn thì cách tính ngày dự sinh có thể không chính xác. Nhiều thai phụ siêu âm ở tam cá nguyệt thứ hai, tuổi thai và ngày dự sinh tính ra có thể sai lệch đến 1 - 2 tuần.
Ngày dự sinh thay đổi do nồng độ Alpha-fetoprotein cao bất thường
Alpha-fetoprotein viết tắt là AFB - một loại protein được sản xuất bởi gan của thai nhi, xuất hiện nhiều trong máu của thai nhi.
Theo đó, khi thai nhi được 15 - 20 tuần tuổi, mẹ có thể tiến hành làm xét nghiệm máu để định lượng mức AFP mà thai nhi sản sinh ra được hòa lẫn vào máu mẹ. Nồng độ AFP tăng có thể chỉ điểm cho một số dị tật bẩm sinh của thai như hội chứng Down, các dị tật về não (thai không có xương sọ, thoát vị não, khuyết bán cầu não, não úng thủy), các dị tật về ống cột sống (nứt ống sống, chẻ đôi ống sống),...
Và đồng thời, nếu mức AFP cao, điều đó còn có nghĩa là ngày dự sinh dự đoán của thai phụ sẽ không chính xác.
Ngày dự sinh thay đổi do mẹ bầu thừa cân béo phì
Hầu hết phụ nữ đều có xu hướng bị béo phì trong thai kỳ. Béo phì không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn làm gia tăng các biến chứng trong thời gian mang thai. Trước hết, việc thừa cần trong quá trình mang thai sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến ngày dự sinh của bạn, khiến thai kỳ kéo dài hoặc kết thúc sớm vì có cơn co sớm.
Ngoài ra, phụ nữ thừa cân, béo phì khi mang thai còn sẽ làm tăng các nguy cơ sảy thai, dị tật bẩm sinh, tiểu đường thai kỳ, trẻ bị béo phì...
Cách tính ngày dự sinh chính xác, dễ hiểu nhất cho mẹ bầu
Không phải nhờ tới bác sĩ, các mẹ bầu vẫn có thể tính được ngày bé chào đời
Công thức tính ngày dự sinh các mẹ có thể tham khảo:
- Xác định ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng, rồi cộng với 280 ngày.
- Xác định độ dài trung bình của chu kỳ kinh thông thường của bạn.
+ Chiều dài chu kỳ trung bình là 28 ngày
+ Nếu chu kỳ kinh của bạn
+ Nếu chu kỳ kinh của bạn >28 ngày, ngày dự sinh sẽ cộng thêm bấy nhiêu ngày.
Ví dụ: Ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối của bạn là ngày 1/1:
- Cộng thêm 280 sẽ ra ngày 8/10.
+ Nếu chu kỳ kinh của bạn là 28 ngày, ngày dự sinh sẽ là 8/10.
+ Nếu chu kỳ kinh của bạn là 26 ngày, ngày dự sinh sẽ trừ đi 2 ngày, là ngày 6/10.
+ Nếu chu kỳ kinh của bạn là 30 ngày, ngày dự sinh sẽ cộng thêm 2 ngày, là ngày 10/10.
Dựa vào các ứng dụng
Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều các ứng dụng trên điện thoại giúp mẹ tính ngày dự sinh. Tuy nhiên điều kiện là mẹ phải nhớ được ngày đầu tiên của kì kinh cuối của bản thân để nhập dữ liệu ban đầu.