Qua châu Phi làm việc, chàng trai quê Nghệ An đã yêu và cưới cô gái Angola làm vợ. Hôn nhân của cặp đôi chồng Việt - vợ Angola khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Theo dõi kênh Cô gái châu Phi, mình rất thích câu chuyện của vợ chồng anh Đức và Dyana. Cả hai tuy đến từ hai quốc gia khác nhau, có màu da, ngôn ngữ, văn hóa khác biệt nhưng tình yêu đã giúp họ xích gần nhau, trở thành người một nhà.
Đầu năm 2012, anh Đức (sinh năm 1988, quê Nghệ An) qua Angola làm việc. Đến năm 2015, anh quen biết với cô gái bản địa tên Dyana, kém 10 tuổi. Cô gái châu Phi có làn da bánh mật đặc trưng của người Angola. Lần đầu gặp, chàng trai Việt không nghĩ cô gái này sẽ là vợ của mình sau này.
Anh Đức (áo đen) xem Angola như quê hương thứ hai của mình. (Ảnh chụp màn hình)
Kể về cơ duyên quen biết nhau, anh Đức cho biết, một lần đi làm về và ghé vào quán ăn thì tình cờ gặp Dyana đang bán hàng. Anh mở lời làm quen và ngày nào cũng đến ủng hộ cô gái Angola.
“Sau thời gian chuyện trò, tìm hiểu, thấy cô ấy cũng hay ho và hợp tính. Lúc đầu chưa xác định gì cả, nhưng thấy cô ấy cũng quan tâm mình từ cái nhỏ nhặt nên quyết định tiến tới", anh Đức bộc bạch.
Sau thời gian tìm hiểu, năm 2017, anh Đức và Dyana chính thức về chung một nhà. Về phía cô gái Angola, cô cũng chưa từng nghĩ mình sẽ cưới người đàn ông Việt làm chồng. Kể về lần đầu gặp ông xã của mình, Dyana cho biết:
“Lần đầu tiên nhìn thấy anh ấy tôi sợ nhưng dần dần, cảm thấy yêu anh và muốn lấy anh làm chồng. Tôi cũng lo gia đình và bạn bè ngăn cản người Việt và Angola sống chung với nhau. Nhưng khi chúng tôi về ở cùng, mọi người không nói gì cả, thậm chí còn rất ủng hộ”.
Anh Đức (áo đen) và người vợ Angola. (Ảnh chụp màn hình)
Phong tục cưới hỏi ở Angola khác biệt và phức tạp hơn so với ở Việt Nam. Vợ chồng anh Đức - Dyana chỉ làm lễ bỏ trầu lại mặt hai họ và chưa tổ chức đám cưới.
Người Angola quan niệm, đính hôn (giống như đám hỏi ở Việt Nam) là nghi lễ quan trọng nhất. Sau khi đính hôn, cặp đôi có thể sống chung và sinh con. Đến khi kinh tế vững vàng, ổn định, cặp đôi có thể tổ chức đám cưới. Thời gian có thể dao động từ một, hai năm hoặc thậm chí cả chục năm. Lúc này, trong đám cưới của hai vợ chồng sẽ có sự xuất hiện của những đứa trẻ.
Trước đây, anh Đức làm trong ngành xây dựng nhưng sau khi kết hôn, anh chuyển sang công việc khác để ổn định, có thời gian chăm sóc vợ con, vun đắp hôn nhân hơn. Thời gian đầu, ông bố 8X mở lò bánh mì nhưng chỉ duy trì được một thời gian là phải đóng cửa. Hiện tại, anh Đức mở tiệm sửa điện thoại tại nhà.
Một trong những bí quyết quan trọng giúp hai vợ chồng duy trì hôn nhân là phải học cách hòa nhập trong lối sống và suy nghĩ. Vì mỗi người đến từ một quốc gia khác nhau, có khác biệt trong văn hóa, suy nghĩ nên cần phải biết thích nghi, làm quen, thậm chí đôi khi nhún nhường để chung sống hòa hợp.
“Người Angola nóng tính còn người Việt nhìn chung thường hiền và dễ tính. Tôi thích tính cách và sự quan tâm của chồng dành cho mình”, cô vợ người Angola nói về chồng.
Sau 6 năm sống chung, cặp đôi có 2 đứa con đáng yêu. Ngoài tiếng Angola, anh Đức còn dạy tiếng Việt cho các con để chúng không quên một phần nguồn cội đang chảy trong người mình.
“Tương lai chưa biết ra sao nhưng trước mắt mình vẫn xác định cuộc sống lâu dài ở Angola và coi đây như đất nước thứ 2. Năm sau mình dự định đưa con về Việt Nam học, còn vợ chồng vẫn sẽ tiếp tục công việc ở Angola. Chắc chắn có dịp gần nhất mình sẽ đưa vợ con về Việt Nam”, anh Đức chia sẻ kế hoạch tương lai.