Giáo viên hành xử thiếu chuẩn mực chỉ là số ít nhưng phụ huynh lại đánh đồng, cảnh giác với thầy cô giáo thái quá đến mức chuyện vụn vặt gì xảy ra cũng cho là con mình đang bị đối xử tệ.
Con đến lớp học, trách nhiệm dạy dỗ thuộc về người đứng lớp. Tuy nhiên với mức độ bênh con đến từng đường tơ kẽ tóc của các phụ huynh hiện nay, thầy cô giáo liệu có còn đủ dũng khí để sẵn lòng dốc tâm dạy dỗ học trò?
Khi nghe đến việc một học sinh bị thầy giáo tát tai vì mang vật cấm lên trường, nhiều phụ huynh thế hệ trước dù không ủng hộ cách làm của thầy nhưng vẫn tán đồng việc phải để học trò cho cô thầy dạy dỗ.
Theo những phụ huynh này, họ cũng từng một thời là học sinh, hoàn toàn có thể hiểu được tâm lý bất đồng của các em ở tuổi mới lớn. Nếu ngày trước không nhờ những nghiêm khắc của thầy cô thì sẽ không có lứa phụ huynh thành người tài đức của ngày hôm nay. Phạt học trò cũng là vì lợi ích tương lai của trò. Nếu các em hiểu được thì nghĩa là đã đủ trưởng thành để bước tiếp.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, mục đích giống nhau nhưng nay phương tiện giáo dục có thể đã khác, mỗi thời mỗi đòi hỏi. Thầy cô giáo trước đây có thể đủ dũng khí thay mặt bố mẹ dạy dỗ trò khi các em đến trường. Còn bây giờ đụng vào học sinh, thầy cô có dũng khí đến đâu cũng phải rén dăm bảy phần.
Các trò ngày nay đi học có thể mang theo cả điện thoại nếu nhà trường không cấm. Đối với gia đình, các trò là “ông trời con” không thể để ai động tay động chân. Đi học về, dù chỉ một vết xước cũng phải gặp giáo viên hỏi cho ra lẽ. Nếu có liên quan đến thầy cô giáo thì rõ là lớn chuyện. Còn nếu là do bạn bè của con gây ra thì lắm khi phụ huynh còn hùng hổ xông thẳng vào trường, gặp ngay đứa gây chuyện mà dần thẳng tay chứ quyết không để con mình bị ai ức hiếp.
Vai trò giám sát của phụ huynh đối với con em khiến các giáo viên ngày nay sợ động đến học sinh. Như một sự phó mặc, trẻ nào đến lớp chịu nghe cô giảng, biết vâng lời, chăm ngoan thì coi như tự rước phần thưởng cho mình. Còn trẻ nào thiếu tập trung, hay quậy phá, ngủ gật thì coi như trò không biết nhận phần khôn cho mình.
Trách nhiệm với công việc giảng dạy và yêu thương học sinh là có nhưng làm sao có thể tránh được những lúc nóng giận? Sơ hở một chút chắc chắn sẽ phải lãnh hậu quả khôn lường.
Ông bà có câu “thầy có nghiêm thì trò mới nên”, giáo viên nghiêm khắc thường đào tạo ra lứa học sinh giỏi, hoặc ít nhất thì kết quả học tập của học sinh tự nhiên sẽ được cải thiện. Nhưng nếu sự nghiêm khắc đó chẳng may bị hiểu lầm hoặc bị suy diễn thành bạo hành thì thầy cô liệu có còn đường hành nghề nữa hay không?
Ở Quảng Châu có một nữ giáo viên liên tục nhận được thư tố cáo của phụ huynh một em học sinh trong lớp. Chỉ trong chưa tới một học kỳ mà bà mẹ này đã hơn 10 lần đâm đơn tố cô giáo nhưng đáng nói là lý do đằng sau những đơn kiện nghe ra rất nhảm nhí. Nhiều người ví lỗi đó giống như thể ai đó cố tìm ra lỗ trên bề mặt vỏ trứng vậy.
Chẳng hạn, phụ huynh này tố "cô giáo gọi đồ ăn vặt sau giờ dạy". Theo người này, "cô làm vậy rồi con chị cũng bắt chước đòi hỏi bố mẹ thì sao?"
Làm thế nào một giáo viên có thể bị cấm ăn uống giữa buổi với mục đích nạp năng lượng cho tiết học sau?
Lần khác, phụ huynh lại tố cô giáo "không chịu dạy học, không giao bài tập về nhà cho con."
Rõ ràng Lớp 1, Lớp 2 bên bển có quy định rõ giáo viên không được giao bài tập viết về nhà cho trẻ nhưng bây giờ đến lượt phụ huynh lại muốn cô giáo giải trình về việc này.
Ảnh minh họa
Lần khác nữa, giáo viên này còn bị phụ huynh tố ăn mặc không phù hợp, không chịu mặc váy qua đầu gối và không mặc trang phục theo quy định của nhà trường. Lần đó cô mặc váy trên gối nhưng vẫn đảm bảo lịch sự, tuy nhiên vẫn không vừa lòng phụ huynh học sinh.
Rõ ràng những lý do vị phụ huynh này đưa ra tìm cách bắt lỗi giáo viên đều là những vụn vặt không cần thiết. Nếu thật sự giáo viên thiếu chuẩn mực đạo đức, đánh mắng học sinh, không chịu giảng bài... thì phụ huynh có thể tố. Đằng này dường như có vẻ phụ huynh đang cố bới lông tìm vết, tìm không được lại quay ra tố những chuyện rất không đáng.
Trước khi bị tố nhiều lần, cô giáo này trong mắt học sinh vẫn là người tận tụy và tâm lý với học sinh. Cô thường đến trường với tinh thần vui vẻ để truyền năng lượng tích cực cho học trò của mình. Nhưng từ khi xảy ra sự việc, cô thường rầu rĩ, ít vui và nhạt dần nhiệt huyết.
Thế nhưng một bộ phận phụ huynh không muốn hiểu điều này. Họ gởi báo cáo về thầy cô giáo lên nhà trường để thể hiện mình là một phụ huynh biết quan tâm đến con mình, rằng để chứng minh con mình không phải là đứa trẻ dễ bắt nạt như thể muốn nhắn đến thầy cô đừng tùy tiện đối xử với con mình. Nhưng sâu xa hơn, những tố cáo của phụ huynh vê thầy cô giáo còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Thái độ của giáo viên sẽ quyết định nhiều đến chất lượng giảng dạy. Nếu giáo viên không còn mặn mà với việc truyền đạt kiến thức, dạy dỗ học trò thì dù trò có sai, cô cũng sẽ bàng quan như không, xem như không liên quan. Trong khi đó, học sinh ở trường nhiều hơn ở nhà, tiếp xúc bạn bè, thầy cô còn hơn anh chị em, cha mẹ. Nếu trẻ sai mà không ai sửa và sai gì cha mẹ cũng không biết, không hay thì sau này sẽ thành ra người thế nào? Có biết được phải chăng cũng đã muộn?
Thầy cô giáo trẻ khi mới vào nghề đều mang trong mình bầu nhiệt huyết hừng hực, họ luôn ấp ủ lý tưởng tạo ra những thế hệ học trò xuất sắc. Nhưng sau chỉ một thời gian ngắn, ngọn lửa nhiệt huyết đó dần ngủm đi chỉ bởi sợ cha mẹ học sinh chuyện gì cũng tố.
Đam mê và nhiệt huyết bị bào mòn theo thời gian, lại phải luôn ghi nhớ nguyên tắc không đánh hay la mắng học sinh, không được chỉ trích học trò mà chỉ có thể giáo dục mềm mỏng. Dưới sức ép như vậy, liệu có bao nhiêu thầy cô chịu đựng được để tiếp tục theo đuổi nghề?
Tất nhiên, sai không bao che, lỗi không giấu giếm nếu giáo viên thật sự vi phạm chuẩn mực đạo đức nhà giáo. Chỉ nên hiểu một điều nếu phụ huynh cứ một mực bênh con mình và dạy con dựa vào quyền trẻ em để lấn át thầy cô hoặc chính phụ huynh là người trực tiếp bới lông tìm vết để báo cáo giáo viên thì đến mức này thầy cô giáo chẳng phải đến lúc sợ sao?
Làm vậy, trò không thể hưởng lợi từ giáo dục kỷ luật ở nhà trường mà học sinh cũng sẽ vin vào thế mạnh của gia đình để tha hồ buông thả và hư hỏng. Như vậy liệu có lợi cho học sinh hay không?