Dẫu biết không đủ chỗ phơi nên chủ nhà mới đem lúa ra đường thế này. Nhưng gây mất an toàn là không thể thông cảm được.
Mỗi khi thu hoạch nông sản, bà con phải đem ra phơi cho khô ráo khoảng 2-3 ngày thì mới đem trữ kho hoặc bán cho thương lái. Nhà ai có sân rộng rãi thì việc phơi lúa, phơi rơm rất thuận tiện, không cần phải mang đi xa. Nhưng nhà ai chật hẹp, không đủ chỗ thì họ có thể mượn sân, mượn bãi nhà hàng xóm hoặc đem ra đường. Mà phơi ngoài đường thì muôn vàn chuyện để nói, nhất là khi một số người thiếu ý thức như trường hợp sau:
Trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh người dân phơi lúa chiếm hết một phần đường. Và điều đặc biệt là, trên thanh chắn bằng gỗ có đóng đinh dễ gây nguy hiểm cho người đi đường. Một người đã chụp lại hình ảnh này và đăng tải lên mạng xã hội. Dẫu biết là miếng cơm manh áo của người nông dân nhưng như thế này có phần quá đà. Dù cố ý hay vô tình lấy vật này để chắn lúa thì cũng là điều tránh tuyệt đối.
Ảnh trái: Thanh gỗ có đinh khiến người tham gia giao thông kêu trời (Nguồn: Beatvn). Ảnh phải minh họa: Yeuhaiduong
Ngay khi nhìn thấy hình ảnh này, cư dân mạng đã có nhiều bình luận:
- Phơi ở đường mà nên dẹp vào để còn nhường đường cho xe chạy thì xe người ta cũng không chạy vào thóc lúa phơi đâu mà. Cứ phơi tràn cả ra thì xe không có chỗ để chạy thì mới chèn vào thôi. Đường mà cứ như sân với ngõ nhà mình.
- Hôm trước mình đi ngang qua cũng gặp quả phơi thóc chắn cả cành cây to ra sát giữa đường, trời thì tối đêm, đường trong nên mình không dám bật đèn pha, lúc đến sát mới giật hết cả mình.
- Mình xuất thân nông dân chính hiệu mà không bênh nổi mấy kiểu như này.
- Văn minh ý thức 1 chút, đi đường thấy chướng ngại vật xi nhan tấp vô dẹp hết, lùa hết rồi quăng vào lề đường để không ảnh hưởng xe đi sau.
Đến mùa vụ, người dân mang thóc lúa ra đường phơi như thế này bản thân họ cũng nhiều khi không muốn. Nhìn thóc lúa phơi tràn lan, người tham gia giao thông thấy bất tiện, nông dân có thể gặp nguy hiểm khi đang lom khom phơi lúa mà xe cộ qua lại dày đặc.
Người dân phơi lúa ngoài đường quốc lộ. Ảnh Zing
Một người phụ nữ ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định từng cho biết, vườn nhà phủ kín bóng dừa nên sau khi thu hoạch lúa trên đồng, gia đình thường chở ra đường quốc lộ phơi. "Dẫu biết rằng phơi lúa trên quốc lộ 1 gặp nhiều nguy hiểm nhưng nếu không mang lên đường thì chúng tôi không biết phơi ở đâu bây giờ", bà nói.
Một người nông dân khác cũng ở huyện Hoài Nhơn cũng chung hoàn cảnh: “Bí quá nên vợ chồng tôi chở lúa lên dọc hai bên quốc lộ 1 phơi tạm chứ để lâu thì hư hỏng hết”.
Người đi đường không biết chạy xe như thế nào. Ảnh We25
Ngay cả khi những hình ảnh phơi thóc lúa tràn lan trên đường được đăng tải lên mạng xã hội cũng nhận những ý kiến đồng cảm vì cho rằng người nông dân cực chẳng đã mới phải làm như vậy. Ai mà chẳng muốn sự tiện lợi, ai cũng sợ làm phiền người khác nên nhà có điều kiện thì họ đã không mang ra đường.
Tuy nhiên, người nông dân có lý do thì người đi đường cũng có nỗi khổ. Nếu chỉ đơn giản là phơi lúa ngoài đường và chừa chỗ đi rộng rãi, lịch sự thì có lẽ sự việc chẳng căng thẳng. Còn như trường hợp trên đây dễ gây nguy hiểm hoặc phơi tràn làn không chừa lối. Nếu lỡ xảy ra chuyện không may, chủ nhà có chấp nhận bồi thường thì người khổ nhất vẫn là người bị tai nạn. Nên biết suy nghĩ cho nhau để giảm thiểu tối đa thiệt hại.