Câu chuyện về người đàn ông ngoại quốc phải bỏ lại con ngựa bằng giấy (ngựa vàng mã) tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) sau chuyến du lịch đã thu hút nhiều cư dân mạng quan tâm.
Gần đây, khi lướt mạng xã hội, mình thấy nhiều người tỏ ra thích thú trước hình ảnh con ngựa vàng mã bị một du khách bỏ lại tại sân bay vì quy định không được mang lên máy bay. Khi đọc trên Thanh Niên và Phụ nữ Việt Nam, mình được biết chủ nhân của con ngựa này là Arnaud Zein El Din (44 tuổi), một kiến trúc sư, chủ sở hữu nhà hàng và là một blogger sống ở Mexico.
(Ảnh: Thanh Niên)
Trong tháng 7 vừa qua, anh Arnaud đã có thời gian du lịch, trải nghiệm văn hóa ở Hà Nội và “phải lòng” thành phố này. Chia sẻ trên Phụ nữ Việt Nam về câu chuyện con ngựa vàng mã bị bỏ lại ở sân bay, anh cho biết:
"Tôi cảm thấy khá vui vì tôi tạo ra một câu chuyện của riêng mình với con ngựa giấy này. Ngay từ đầu, tôi đã biết việc mang nó lên máy bay sẽ rất khó nhưng tôi muốn thử một lần. Tôi có cảm giác sẽ có điều gì đó xảy ra nhưng khó có thể tưởng tượng được rằng hình ảnh đó lại được lan truyền trên các phương tiện truyền thông như vậy.
Tôi tình cờ đến Đông Anh và gặp một người phụ nữ đang làm những con ngựa này. Tôi thực sự thích nó, nó làm tôi nhớ đến đồ vật được gọi là "Piñata" (một biểu tượng văn hóa ở Mexico). Tôi đã mua lại con ngựa giấy này với giá 100.000 đồng. Lúc này tôi vẫn chưa hiểu ý nghĩa thực sự của nó cho đến khi được mọi người giải thích.
Khi tôi làm thủ tục tại quầy của hãng hàng không E., họ nhìn thấy con ngựa và cảnh báo rằng "không, bạn không thể nào mang nó lên máy bay đâu". Mọi thứ vẫn rất ổn nhưng ngay trước khi lên máy bay, một anh chàng từ bàn kiểm tra đã nhìn thấy tôi và cho biết tôi phải bỏ món đồ lại. Tôi không còn lựa chọn nào khác và để nó một mình cạnh cửa an ninh”.
(Ảnh: Thanh Niên)
(Ảnh: Dân Trí)
Nhiều cư dân mạng Việt Nam tỏ ra thích thú với hình ảnh con ngựa vàng mã bị bỏ lại ở sân bay, đồng thời họ cũng cảm thấy vui khi văn hóa Việt đã chiếm được cảm tình của du khách nước ngoài.
Arnaud còn cho biết thêm, ngoài con ngựa vàng mã mà anh đành phải bỏ lại sân bay, anh còn mua nhiều món quà kỷ niệm trong 3 tuần du lịch tại Hà Nội. đó là chiếu trúc, ghế đẩu, ly bia hơi, bánh đậu xanh, mặt nạ… Đây được xem là những món đồ, món quà mang đậm dấu ấn về Hà Nội, về Việt Nam.
Arnaud mua nhiều món quà đặc trưng của Hà Nội. (Ảnh: VietNamNet)
Có thể nói chuyến đi của Arnaud đến Hà Nội mang tính ngẫu hứng hơn là có chuẩn bị, sắp xếp từ trước. Điều này cũng có lợi vì anh đã được khám phá, trải nghiệm một vùng đất từ con số 0 và càng thêm ấn tượng về nơi này.
"Một người bạn kể về chuyến đi đến Việt Nam của anh ấy cách đây nhiều năm và tôi đã nói 'Tôi rất muốn đến Hà Nội'. Ngày hôm sau, tôi đặt vé. Tôi không biết nhiều, không đọc bất cứ thứ gì trước khi đến Hà Nội. Tôi muốn được khám phá từ con số 0 và có thể tận mắt chứng kiến mọi thứ làm nên phong cách riêng của thành phố.
Trong suốt 3 tuần ở Hà Nội, tôi đã chứng kiến và trải nghiệm nhiều điều tuyệt vời. Tôi đi bộ trên cầu Long Biên, tình cờ được dự một nghi lễ cúng bái truyền thống, tôi cũng trải nghiệm bơi tại sông Hồng, chơi bóng chuyền chân với người dân địa phương,... Mọi thứ thật là kỳ diệu, tất cả trải nghiệm này đều vô cùng tuyệt vời và rất dễ chịu. Tôi cảm thấy đây là thứ chân thực nhất mà tôi đã từng làm.
Tôi yêu mọi thứ thuộc về thành phố này, cà phê, sân thượng. Đây là nơi bạn có thể đi một mình, nhìn, đọc, viết và tận hưởng thời gian. Thời gian ở Hà Nội khiến tôi cảm thấy rất vui. Tôi sẽ trở lại Hà Nội và Việt Nam để khám phá nhiều hơn về nghề thủ công cho dự án bộ sưu tập của mình", nam du khách người Mexico chia sẻ.
Diễn biến mới của câu chuyện này là ở phần story trên trang cá nhân, Arnaud đã chia sẻ lại những tin nhắn của nhiều người Việt bày tỏ sự tiếc nuối và mong muốn tặng anh một con ngựa vàng mã khác để làm quà.
Qua đây có thể thấy, nhiều người Việt rất hiếu khách và cảm thấy vui khi văn hóa của quê hương được bạn bè quốc tế đón nhận, yêu thích. Tuy rằng có chút tiếc nuối khi Arnaud không thể mang con ngựa vàng mã về nhà nhưng mình nghĩ anh đã có trải nghiệm tuyệt vời, đáng nhớ sau 3 tuần khám phá Hà Nội. Hy vọng lòng hiếu khách và văn hóa của người Việt sẽ là một trong những lý do tuyệt vời khiến Arnaud cũng như nhiều du khách quay trở lại Việt Nam.