Nhiều lúc cứ hỏi mãi sao không sinh đứa nữa mà phát cáu với ông bà luôn, nuôi một đứa con đâu có dễ, sức đâu mà nuôi thêm.
Có lẽ chuyện nổi quạu với ông bà khi bị giục sinh con thứ 2 là tình trạng phổ biến rồi ạ. Đa số các cặp vợ chồng trẻ bây giờ rất ngại sinh nhiều con. Thường họ chỉ sinh một con rồi dừng hoặc có sinh tiếp thì phải đợi đến 6, 7 năm sau. Ông bà ở nhà nhiều khi nóng ruột thay con luôn.
Một số đôi vợ chồng còn xác định chỉ sinh một con để tập trung nuôi con thật tốt. Chứ sinh 2, 3 đứa lại sợ không lo được cho con. Áp lực nuôi một đứa con bây giờ thật sự rất lớn. Tốn kém kinh khủng lại còn phải tập trung dạy dỗ con nên người, cho con hưởng nền giáo dục tốt nhất.
Đúng là nhiều cái khó khi sinh thêm con, nhưng nói đi phải nói lại, ông bà giục sinh thêm cũng là nghĩ cho con cái. Vì vốn dĩ sinh tiếp đứa thứ 2 sẽ có nhiều ưu thế cho gia đình.
Con cái không cô đơn
Bị ông bà giục sinh con thứ 2 có thể khiến con cái khó chịu, thậm chí cãi nhau. Nhưng nếu cha mẹ nhìn thấy cảnh con mình là con một, chỉ có thể thui thủi một mình trong nhà, không có anh chị em chơi cùng thì sẽ suy nghĩ lại.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: netease
Đứa trẻ là con một có thể nhận tất cả tình thương của cha mẹ, được tạo điều kiện tốt nhất nhưng cũng là đứa trẻ cô đơn nhất. Dù con có thể kết bạn nhưng chẳng thể nào bì được với anh chị em ruột thịt trong nhà.
Vì thế, sinh cho con thêm một đứa em không chỉ để con có người chơi cùng, có em còn giúp tâm lý của trẻ phát triển lành mạnh, ổn định hơn. Tất nhiên, để đạt được sự hòa thuận, mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con khi sắp có em. Đồng thời độ tuổi chênh lệch giữa con đầu và con thứ hai nên từ 5 – 9 tuổi.
Con cái được nâng cao kỹ năng xã hội
Các kỹ năng xã hội của trẻ lớn lên trong các gia đình một con hơi kém hơn so với các gia đình sinh con thứ hai hoặc nhiều con. Vì con một quen làm việc độc lập, thường ở một mình nên khó hòa đồng với người khác.
Trẻ em trong các gia đình sinh con thứ hai hoặc đông con đã quen với việc tiếp xúc, tương tác với anh chị em từ nhỏ. Điều này sẽ giúp nâng cao kỹ năng giao tiếp, dễ dàng hòa nhập khi con ra ngoài xã hội.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: netease
Con cái sẽ đỡ áp lực hơn trong việc phụng dưỡng cha mẹ về già
Tuy nói sinh con ra không phải để dựa dẫm tuổi già, nhưng phận làm con, khi cha mẹ về già, con vẫn phải làm đúng bổn phận. Áp lực nếu chỉ dồn lên con một sẽ thực sự rất lớn. Nếu cha mẹ mạnh khỏe thì không sao, một khi bị bệnh, gánh nặng của con một sẽ tăng lên.
Không chỉ áp lực tiền bạc mà còn là thời gian, sức lực. Nếu chỉ có một mình, con rất khó có thể cùng lúc vừa chăm sóc cha mẹ, vừa đi làm kiếm tiền. Ngược lại, nếu gia đình có 2 con trở lên, anh chị em có thể thay phiên nhau chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Áp lực tài chính, bổn phận cũng sẽ đỡ hơn rất nhiều.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: toutiao
Đỡ cô quạnh tuổi già
Đối với các gia đình một con, lúc con đi học xa nhà, đi làm khác địa phương là xem như cha mẹ cô quạnh, có con mà như không. Còn nếu nhà có 2, 3 đứa con, các con có thể thay phiên nhau thăm nom, chăm sóc cha mẹ. Hoặc ít nhất một trong các con sẽ ở cùng cha mẹ. Không có đứa này thì vẫn còn đứa kia, cha mẹ cũng được an ủi. Chứ chỉ có một con thì hên xui, hoặc có con ở cùng, hoặc tuổi già đơn độc.
Trên đây là ưu thế của những gia đình sinh con thứ 2. Mọi người có thể suy nghĩ thật kỹ về việc sinh thêm con, còn dựa theo kinh tế, điều kiện gia đình nữa. Và đừng vội chỉ trích, gay gắt với ông bà chỉ vì giục sinh. Ông bà mong cháu, thương con là điều đáng quý. Dù không đồng quan điểm thì cũng đừng quá phũ, cùng lắm, không muốn sinh thêm thì hoặc nói thẳng, hoặc tránh đi để giữ hòa khí gia đình.