Ai từng đi ở trọ rồi biết nè, có tiền thuê chỗ sang ở không sao, chứ không có tiền ở mấy chỗ lụp xụp tình hình an ninh phức tạp dễ mất xe như chơi.
Nên ở trọ chứ để đồ đạc có giá trị rồi ra ngoài là nơm nớp lo sợ kẻ gian lợi dụng sơ hở lấy mất đồ của mình. Đa số nạn nhân sau đó thường báo cho chủ rồi báo cơ quan chức năng lập biên bản, viết tường trình xong rồi thôi, chứ ít vụ nào được giải quyết tới cùng và được trả lại tài sản. Thế nên, mặc định mọi người cứ hiểu mất đồ thì chịu chứ biết làm sao giờ.
Như vừa rồi có chị gái là dân văn phòng nọ kể chị cũng đi thuê trọ và để xe chung với mấy người khác ở trước phòng. Hôm đó chị bị kẻ gian lấy mất xe, chị vội báo Công an lẫn chủ trọ để được giải quyết. Nay 1 tháng trôi qua vẫn không thấy ai thông tin gì cho mình, chị mới sực nghĩ mình thuê trọ trả tiền hằng tháng đầy đủ, vậy thì mình mất xe như thế, chủ trọ có phải chịu trách nhiệm bồi thường cho mình không?
Em đoán chắc là rất nhiều người ở đây sẽ nghĩ là không, nhưng khoan nào, xem kỹ lại hợp đồng thuê trọ nào. Bởi trong hợp đồng thuê trọ, nếu có thêm điều khoản chủ trọ có trách nhiệm trông coi tài sản của người thuê thì chủ trọ phải chịu trách nhiệm đấy!
Dù hiện tại theo quy định của pháp luật về dân sự hiện hành không đề cập đến nghĩa vụ của chủ trọ phải trông coi tài sản của người thuê và ngược lại không có quy định người thuê được quyền yêu cầu chủ trọ phải trông coi tài sản của người thuê.
Tuy nhiên, các bên vẫn có thể thỏa thuận với nhau về việc này và người thuê có thể phải gửi thêm phí giữ tài sản cho chủ trọ (bên cho thuê) hoặc không tùy theo thỏa thuận. Song, nhiều người vẫn hiểu để ràng buộc trách nhiệm này, thường là bên cho thuê sẽ thu thêm phí.
Vì thế, nếu có thỏa thuận về nghĩa vụ trông coi tài sản thì đây là hợp đồng gửi giữ tài sản và chủ trọ (bên cho thuê) phải có trách nhiệm bồi thường tài sản cho người thuê theo giá trị thiệt hại của tài sản đó tại thời điểm bị mất trong trường hợp xảy ra, kể cả do bị kẻ gian lấy.
Thực tế em biết xưa giờ, mọi người đi thuê phòng trọ hay nhà trọ thường ít để ý đến việc ký hợp đồng lắm, chủ yếu thỏa thuận bằng miệng thôi. Chủ trọ nói gì thì mình nghe nấy, nhưng đến khi xảy ra tranh chấp mới biết cái nào quan trọng hơn. Không riêng người thuê, nhiều trường hợp chủ trọ cũng làm hợp đồng theo mẫu có sẵn, qua loa chiếu lệ nhằm hợp thức hóa thủ tục đăng ký tạm trú với cơ quan Công an.
Vì lẽ đó, nên khi thuê phòng trọ hay nhà trọ, bước đầu sau khi trò chuyện thương thảo các vấn đề thì bà con nên ngồi lại cùng với chủ trọ xem hợp đồng hai bên dự định ký. Không nên vì nóng vội mà nhanh chóng ký tên, bà con biết rồi đó, ‘bút sa là gà xối mỡ’ liền. Mình ký mà không đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng, lỡ xảy ra rủi ro gì thì chỉ có mình chịu chứ ai. Do vậy, bà con nên đọc kỹ nội dung trong hợp đồng để xem mình có nghĩa vụ gì và được hưởng quyền lợi như thế nào, nếu muốn bà con vẫn có thể thỏa thuận thêm một số điều khoản cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho mình nha.