Vài ngày trước em nghe tin người quen mình bị nhiễm ‘cô vi’ và khá bất ngờ vì họ chẳng đi đâu kể từ khi ‘cô vi’ bùng phát trở lại và TP.HCM áp dụng lệnh giãn cách xã hội.
>>> 136 bệnh viện tại TP.HCM sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân: Bà con lưu lại để gọi khi cần
Sau khi tìm hiểu, đọc bài viết phân tích của nhiều chuyên gia, bác sĩ thì em mới vỡ lẽ ra rằng, mấu chốt là khi chúng ta tiếp xúc với người giao hàng hay tiếp tế thực phẩm mà không có biện pháp sát khuẩn kịp thời, sẽ rất dễ nhiễm bệnh.
Lâu nay, chúng ta vẫn theo thói quen sinh hoạt hằng ngày, mà quên đi rằng cần phải thận trọng khi giao dịch, tiếp xúc với người bên ngoài, vì nó dễ dẫn đến lây nhiễm, kể cả qua hàng hóa nhận được.
Theo tin đăng trên báo Thanh Niên em đọc được, Tiến sĩ – Bác sĩ Phạm Lê Duy, giảng viên Trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết, chúng ta thường dễ bị lây nhiễm ‘cô vi’ thông qua tiếp xúc không chỉ với người mà còn với các bề mặt vật dụng.
Dù TP.HCM đang áp dụng lệnh giãn cách xã hội, hầu như mọi người đều đang ở nhà, nhưng thỉnh thoảng vẫn có cơ hội dễ lây nhiễm khi đi mua thực phẩm, thuốc men, vật được chuyển phát từ nơi khác đến hoặc đi lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin và còn có thể lây nhiễm từ người ở cùng nhà.
Bà con đọc báo nhiều cũng biết, ngoài việc lây lan trực tiếp từ các giọt khí dung lơ lửng trong không khí, vi-rút còn có thể hiện diện trên bề mặt vật dụng và bằng cách nào đó có thể tiếp xúc với các vùng niêm mạc như mắt, mũi, miệng và đôi bàn tay của chúng ta.
Đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm có thể xuất hiện trong không gian kín như tòa nhà, thang máy hay siêu thị. Có thể kể đến những thói quen mà bà con dễ bị lây nhiễm bệnh dù chỉ ở trong nhà:
- Vỏ trứng gà vịt mua về không rửa.
- Trái cây, rau củ mua về không rửa.
- Tiền trao đổi khi mua bán không được khử khuẩn.
- Cây viết mượn xài xong rồi quên rửa tay, sát khuẩn.
- Không lau chén, đũa muỗng và các vật dụng trước khi ăn.
- Mở cửa vô nhà mà không rửa tay sau đó.
- Cầm giấy tờ đọc xong rồi quẹt tay lên mũi, miệng.
- Điện thoại để xuống bàn khi chưa sát khuẩn rồi đưa lên mặt để nghe.
- Đi tiêm vắc-xin mà không đeo khẩu trang, mắt kính.
- Tụ tập đông người khi lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin.
- Khi lấy mẫu xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu không thay găng tay cho mỗi lượt xét nghiệm.
- Nhận hàng từ shipper mà không đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và sát khuẩn vật phẩm, rửa tay sau khi nhận hàng.
- Quần áo mặc sau khi ra nơi công cộng hoặc tiếp xúc nơi có nguy cơ cao mà không được giặt giũ.
Từ những rủi ro đó mà bà con phải chú ý những điều sau để tránh trở thành bệnh nhân nhé, em nói giờ mà nhiễm bệnh là mệt lắm, không chỉ bản thân mà người thân xung quanh mình cũng liên lụy nữa ạ.
#1. Hạn chế dùng thang máy đông người
Nếu có thể hãy dùng thang bộ, trong trường hợp bắt buộc dùng thang máy thì phải đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện, cười giỡn trong thang máy. Có thể dùng các vật dụng như chìa khóa để bấm nút thang máy thay vì dùng tay.
Hiện tại, đã có nhiều người dùng cồn hoặc nước sát khuẩn xịt vào trong không khí bên trong thang máy để diệt vi-rút nhưng điều này được khuyên là không nên vì vừa không hiệu quả, lại có thể gây ngộ độc nếu hít phải hoặc tổn thương da nếu tiếp xúc lên da.
#2. Điện thoại là vật trung gian quan trọng dễ làm lây nhiễm bệnh
Vì khi vừa tiếp xúc với bàn tay của chúng ta, vừa tiếp xúc gần vùng mắt, mũi và miệng. Vì vậy, nếu phải ra ngoài, nên bỏ điện thoại vào túi và về đến nhà phải lau túi bằng dung dịch sát khuẩn rồi mới lấy ra dùng. Trường hợp không có túi đựng thì có thể bọc bằng màng bọc thực phẩm và khi đi ra ngoài trở về thì phải sát khuẩn và vứt bỏ lớp màng bọc.
Lúc đi ra ngoài, nếu nhận được cuộc gọi nên mở loa ngoài để nghe hoặc sử dụng tai nghe, hạn chế áp điện thoại lên mặt nếu chưa chắc chắn là nó sạch.
#3. Thực phẩm, hàng hóa mua về
Dù chưa có bằng chứng cụ thể về việc vi-rút lây qua các bưu phẩm, vật phẩm giao nhận nhưng nghiên cứu cho thấy nó có thể tồn tại trên bề mặt giấy carton 1 ngày, bề mặt nhựa 3 ngày. Tuy chưa biết lượng đó có đủ để gây nhiễm hay không nhưng cũng chưa có bằng chứng để chứng minh điều ngược lại.
Vì thế, phòng bệnh hơn chưa bệnh, bác sĩ Duy khuyên khi nhận vật phẩm từ nơi khác, bà con nên lau bề mặt vật phẩm bằng dung dịch sát khuẩn trước khi mang vào nhà hoặc rửa tay sạch sau khi mở.
Đối với thực phẩm thì nên rửa sạch dưới vòi nước chảy hoặc ngâm vào dung dịch muối loãng rồi rửa sạch trước khi chế biến. Hạn chế mua thực phẩm chế biến sẵn trong giai đoạn này.
Lưu ý, nếu đi về từ nơi có nguy cơ cao như tụ tập đông người, khu cách ly hay bệnh viện thì nên để giày dép bên ngoài, không mang vào nhà, hoặc phải xịt khuẩn rồi mang vào nhà, sau đó rửa tay, dùng dung dịch sát khuẩn hoặc rửa tay bằng nước và xà phòng. Cởi quần áo bên ngoài và cho vào máy giặt hoặc ngâm với xà phòng, rồi đi tắm rửa sạch sẽ, nhớ súc mũi họng vì đó là nơi bệnh dễ xâm nhập. Khẩu trang sau khi dùng xong nên vứt ngay thùng rác.
Trước đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng đã có khuyến cáo đến bà con đừng để hoạt động tiếp tế trở thành nguồn lây.
Khi tiếp tế thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, hãy chắc chắn rằng món hàng được đặt ở vị trí trung gian. Bà con lấy hàng cũng nên từng người ra thôi, đừng có lựa vì khi đó xúm nhau lựa thì mình dễ lây ngay chỗ đó. Thậm chí, không có người trung gian nhận hàng mà người trong khu phong tỏa ở yên trong nhà thì cũng chờ đoàn tiếp tế đến đặt đồ trước cửa nhà rời đi mới nên mở cửa ra nhận để đảm bảo an toàn.
Tương tự với người mang đồ đến nhà và người giao hàng cũng vậy, xin đừng đưa tận tay nhau, vì lúc đó không còn khoảng cách bảo đảm nữa rồi. Đặt món hàng ở đâu đó, người giao hàng rời đi thì mới nên ra lấy sẽ tốt hơn cả.
Kỹ hơn thì khi nhận hàng có thể xịt khuẩn rồi tháo bọc ngoài bỏ đi hoặc phơi nắng, tia UV có thể diệt khuẩn rất tốt, vậy là an tâm. Thực phẩm rửa sạch, nấu chín rồi thì không còn con vi-rút nào còn sống được nên yên tâm mà ăn thôi.
Khi đi lấy mẫu cũng phải chú ý giữ khoảng cách. Đặc biệt nhận hàng cũng nên cách xa nhau - Ảnh: Chính phủ, Vietnamnet
#4. Tay nắm cửa, bàn, ghế
Nên vệ sinh, lau chùi bề mặt hằng ngày bằng dung dịch sát khuẩn mỗi ngày 1 – 2 lần, hoặc khi có nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.
Điều đặc biệt cuối cùng, bà con nên nhớ hãy tiêm vắc-xin khi có cơ hội.
Vì những người đã tiêm vắc-xin xong nếu bị nhiễm vẫn sẽ nhẹ hơn người chưa tiêm, tỷ lệ qua đời do nhiễm bệnh cũng sẽ ít hơn. Nhưng lưu ý khi đi tiêm phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc 5K và quy trình thực hiện để tránh lây nhiễm cho bản thân và người thân ở chung nhà.
Bà con nhớ tuân thủ đúng, giữ gìn sức khỏe để cùng nhau vượt qua giai đoạn này nhé.