Chưa có kinh nghiệm nuôi con, tâm lý lo lắng, trạng thái khó chịu… khiến nhiều bà mẹ sau sinh mất ngủ. Tình trạng này thậm chí diễn ra trong thời gian dài lên đến 5-6 năm. 

Không phải một vài mà rất nhiều bà mẹ mới sinh cũng như các mẹ đang nuôi con nhỏ than phiền rằng không thể ngủ yên giấc về đêm. Trong khi đó, các ông bố lại ít gặp vấn đề này hơn dù họ có tham dự tích cực trong vai trò người cha sau khi đón con chào đời. Đây là một kết luận sau cuộc khảo sát của Đại học Georgia Southern.

Các nhà nghiên cứu đã điều tra thói quen ngủ của 5.805 người lớn dưới 45 tuổi. Kết quả cho thấy việc có con hay không có con ảnh hưởng rất lớn đến thói quen ngủ của phụ nữ. Cụ thể, có đến 62% phụ nữ không có con có thể ngủ đủ 7 tiếng mỗi ngày, trong khi đó chỉ có 48% phụ nữ có con có thể “đạt chuẩn” thời lượng giấc ngủ như trên. Ngoài ra, với mỗi thành viên mới tăng thêm, nguy cơ các bà mẹ có con nhỏ không ngủ đủ giấc còn tăng cao hơn, lên đến 50%.

hình ảnh

Sự có mặt của một đứa trẻ có ảnh hưởng rất nhiều đến sự mệt mỏi của phụ nữ

Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy sự có mặt của một đứa trẻ có ảnh hưởng rất nhiều đến sự mệt mỏi của phụ nữ. Trung bình, phụ nữ nuôi con nhỏ cảm thấy mệt mỏi khoảng 14 ngày một tháng, trong khi đó, so với những người không có con thì con số này giảm, chỉ còn 11 ngày.

Người dẫn đầu cuộc khảo sát, Kelly Sullivan cho biết: "Ngủ đủ giấc đóng vai trò then chốt đối với sức khỏe tổng thể và cũng ảnh hưởng đến tim, não và cân nặng ...” Người này cũng cho một vài lời khuyên để cải thiện tình trạng giấc ngủ như sau: “Để có giấc ngủ lành mạnh cần hạn chế lượng caffeine, giữ cho đèn phòng ngủ không quá sáng và nhắm mắt trước khi đi ngủ thay vì nghịch điện thoại hoặc xem TV để mỏi mắt ngủ quên.”

Cũng liên quan đến giấc ngủ của người mẹ sau sinh và trong thời gian nuôi con nhỏ, một nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí Khoa học Giấc ngủ của Tiến sĩ Marie-Hélène Pennestri, thuộc Trường Đại học McGill (Canada) dẫn đầu cho thấy các cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ, sẽ bị mất ngủ ít nhất trong vòng 6 năm kể từ khi có con. Điều này được giải thích là do các bà mẹ thường xuyên thức dậy trong đêm, gián đoạn giấc ngủ nhiều lần vì nhiều lý do liên quan đến con mỗi đêm. Nhưng có một điều đặc biệt mà McGill cho biết đó là mẹ nuôi con so thường ngủ ngon hơn so với những bà mẹ có con rạ thứ hai, thứ ba.

Vậy, chung quy lại, đâu là những yếu tố có thể khiến mẹ mất ngủ sau sinh và trong thời gian nuôi con nhỏ?

1. Chịu ảnh hưởng của sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể

Khi mang thai, sự bài tiết hormone tuyến giáp, corticosteroid, estrogen và progesterone ở phụ nữ tăng lên ở các mức độ khác nhau. Sau khi sinh con, nồng độ của các hormone này giảm nhanh chóng, trong đó estrogen và progesterone có sự thay đổi rõ rệt. Những thay đổi này thường xuất hiện từ khoảng 3 ngày sau sinh. Một khi chức năng nội tiết mất cân bằng, nó sẽ làm rối loạn hoạt động bình thường của hệ thần kinh, ban đầu có thể gây đau đầu, cáu gắt, mệt mỏi, lo lắng và mất ngủ. Nếu mất ngủ nghiêm trọng, thậm chí còn dẫn đến rối loạn tâm thần cực độ.

2. Ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý xã hội

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: sanook

Quá căng thẳng và sợ hãi trong quá trình sinh nở, không có người thân bên cạnh trong quá trình sinh nở, cảm thấy cô đơn và không thể dựa dẫm vào ai, đứa trẻ khó nuôi khiến mẹ sợ hãi đủ bề, kinh tế gia đình khó khăn... có thể là những yếu tố gây ra một số áp lực tâm lý nhất định cho người mẹ khiến mẹ nuôi con nhỏ không thể ngủ ngon giấc trong thời gian dài đến 5-6 năm.

3. Chất lượng đời sống tinh thần trước khi sinh

Những ai từng mắc chứng loạn thần kinh, bị ám ảnh nặng nề, thậm chí mắc vấn đề tâm thần trong những cú sốc lớn từ các điều kiện khách quan cũng thường xuyên bị mất ngủ sau sinh và trong giai đoạn nuôi con nhỏ.

4. Ảnh hưởng của băng huyết sau sinh hoặc nhiễm trùng hậu sản

Băng huyết sau sinh hoặc nhiễm một số loại vi khuẩn trong thời kỳ hậu sản có thể dẫn đến những thay đổi bất thường về tinh thần. Trong trường hợp nhẹ, cảm xúc không ổn định, khó chịu, mất trí nhớ, mất ngủ và mơ nhiều hơn trong lúc ngủ,... Còn trường hợp nặng, dễ bị kích động và hưng cảm, ảo giác, ảo tưởng hoặc buồn ngủ, mê sảng, hôn mê, v.v.

Mất ngủ sau sinh phải làm thế nào?

hình ảnh

Đừng ép bản thân trở về trạng thái như trước khi thực tế, bạn đã có con

1. Chấp nhận thực tế và đừng ép bản thân trở về trạng thái trước đây khi mất ngủ mà hãy coi việc mất ngủ là trạng thái bình thường cần thích nghi;

2. Lạc quan dù nghe tiếng con khóc hay trẻ bỏ bú và cứ để bản thân có thời gian quen dần;

3. Bổ sung dinh dưỡng và phục hồi thể lực càng sớm càng tốt;

4. Xây dựng thói quen ngủ tốt, không ngủ quá nhiều vào ban ngày, nếu quá khó ngủ vào ban đêm, tốt nhất không nên ngủ trưa;

5. Nếu tập thể dục, không để quá sát giờ đi ngủ, nếu không bạn sẽ dễ bị mất ngủ;

6. Nếu chưa ngủ trong vòng nửa tiếng, có thể dậy làm việc khác, lướt Internet, làm một số việc nhà, đọc sách,… để khi mệt sẽ chìm vào giấc ngủ.

7. Nếu đã thử nhiều cách mà không thể ngủ được, tình trạng mất ngủ ngày càng trầm trọng hơn thì nên nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ.