Sau khi kết hôn, các cặp vợ chồng thường gặp một vấn đề nan giải: Ai là người nên quản lý tiền bạc trong nhà? Câu hỏi ấy tưởng đơn giản nhưng không dễ trả lời các mẹ nhỉ?

Trước đây, chuyện tiền nong trong nhà chủ yếu do đàn ông quản lý. Tuy nhiên, xã hội tiến bộ giúp cho địa vị của người phụ nữ càng được nâng cao. Dần dần, họ thay thế chồng trở thành người quản lý chi tiêu trong gia đình.

Tuy nhiên câu chuyện sau đây lại khá buồn, khi mà người phụ nữ nắm quyền chi tiêu không phải là cô vợ mà là mẹ chồng. Cụ thể, một người đàn ông đã lên mạng kể về sai lầm lớn anh từng phạm phải:

"Hồi đầu mới kết hôn, tôi cũng đưa vợ giữ tay hòm chìa khóa. Tôi làm sale, thu nhập khá ổn, tháng này bù tháng khác trung bình mỗi tháng kiếm được khoảng 25-30 triệu. Vợ tôi làm bên ngành du lịch, thường xuyên phải đi tour.

hình ảnh

Bài chia sẻ của người chồng thu hút bình luận của cư dân mạng (Ảnh: Tiin)

Cũng vì vợ thường xuyên vắng nhà nên mẹ tôi không ưng cô ấy. Bà nói rằng người ta có con dâu được nhờ cậy, báo hiếu còn vợ tôi đi suốt ngày nên bà có con dâu cũng như không. Vì điều này mà mâu thuẫn giữa mẹ với vợ tôi mỗi ngày một nhiều.

Khi có 2 mẹ con, mẹ thường nhắc tôi đàn ông không thể giao hết kinh tế cho vợ. Nhất là vợ tôi lại suốt ngày đi như thế, tôi không thể kiểm soát được ở bên ngoài cô ấy sẽ làm gì sau lưng chồng hoặc giả sử vợ mang tiền về cho bố mẹ đẻ, tôi cũng chẳng biết được.

Bà nhắc tôi phải đề phòng, nhỡ một ngày nào đó giữa hai đứa có vấn đề gì, làm sao tôi có thể dám chắc mình có thể lấy lại được đúng số tiền hàng tháng đưa vợ"Mưa dầm thấm lâu, dần dần người chồng thấy mẹ mình nói đúng. Anh bắt đầu đề phòng vợ, hàng tháng nhận lương, anh chỉ đưa cho vợ một khoản vừa đủ chi tiêu sinh hoạt, số còn lại anh gửi mẹ đẻ cầm.

"Trong suốt 5 năm, tôi đều làm như thế. Ban đầu vợ tôi phản đối, hai đứa cũng to tiếng cãi vã nhiều lần nhưng ý tôi đã quyết, vợ đương nhiên phải chịu. Khúc mắc giữa tôi với vợ ngày một nhiều, khi hai bên cảm giác không thể tìm được tiếng nói chung, tôi quyết định chủ động đề nghị ly hôn theo lời tư vấn, động viên của mẹ.

Mặc dù người quyết định chia tay là tôi nhưng ngày ra tòa với vợ, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, mất mát tới khó tả. Chán đời, tôi ra quán rượu uống tới say mềm rồi bắt taxi về nhà mẹ đẻ. Tôi không nhớ mình đã vào được nhà như thế nào, chỉ biết tới 10h đêm, tỉnh rượu, khát nước tôi mới bật dậy định xuống bếp lấy.

Không ngờ lúc ngang qua phòng mẹ, tôi bất chợt nghe được cuộc nói chuyện điện thoại giữa bà với em gái tôi. Em gái tôi kết hôn được hơn năm, vì quen thói ăn chơi, nhà chồng không chịu được, họ dẫn về trả. Mấy năm nay toàn bố mẹ tôi nuôi không em ấy. Mẹ không những chiều chuộng, dung túng con gái mà lại còn dụ tôi đưa lương cho để bà dồn tiền mua nhà riêng cho em ấy.

Tới lúc ấy tôi mới hiểu ra, những lời khuyên đàn ông không được nghe vợ, không được giao kinh tế cho vợ giữ của bà đều là có tính toán cả. Thú thực tiền mẹ lừa tôi giấu mua nhà cho em tôi, tôi không tiếc. Điều làm tôi buồn là cách bà lừa gạt, đối xử với tôi như một kẻ bù nhìn để bà giật dây. Nghĩ tới vợ, tôi ân hận vô cùng nhưng tất cả đều đã muộn".

hình ảnh

Có thể thấy trong bất cứ gia đình nào, tiền bạc cũng là chủ để nhạy cảm. Nếu không giải quyết hợp tình hợp lý, nó có thể trở thành rào cản lớn gây chia rẽ giữa hai vợ chồng. Và với câu chuyện nói trên, anh chồng xứng đáng nhận được “báo ứng”.

Cái sai của anh, là không tin tưởng vào bạn đời, không yêu thương che chở chị vợ trước những hiềm khích của mẹ chồng. Anh đứng ở giữa, đáng ra anh phải tỉnh táo nhất, phải giải quyết mọi mâu thuẫn trong gia đình. Vậy mà đằng này, anh lại bênh mẹ bỏ vợ, thật là chua chát!

Tiền của anh, có lẽ chẳng nhiều tới mức chị vợ phải khư khư đòi giữ lấy. Chẳng qua chị muốn anh đưa cho chị vài đồng, để dành tích cóp, sau này có con cái, có bao nhiêu chuyện cần xoay sở, hoặc lỡ có bị thất nghiệp giữa chừng, còn có chút vốn liếng để dành.

Nhưng anh lại nghĩ, vợ lấy tiền của mình là để ăn chơi đàn đúm, có khi hứng lên còn tặng cho trai. Thậm chí anh ích kỷ sợ đem cho nhà ngoại. Rõ là ngay từ đầu, anh đã có tư tưởng độc đoán, vậy thì cuộc hôn nhân này không sớm cũng muộn đều phải tan tành.

Còn bà mẹ chồng trong câu chuyện trên, lấy tiền con trai nuôi con gái là không công bằng trong cách dạy con. Bà còn gieo tiếng xấu cho con dâu, khiến con trai bỏ vợ. Bây giờ con trai không còn tin mẹ, con gái thì tiếp tục ăn chơi. Để xem sau này bà sống như thế nào nếu một ngày cạn kiệt tài sản. Đời này, nhân quả tới nhanh lắm.

hình ảnh

(Ảnh minh họa: baokhanhhoa, zingnews)

Sau cùng, ở góc nhìn cá nhân, em thấy chuyện tiền bạc tuy tế nhị nhưng cần rạch ròi. Phụ nữ trước khi lấy chồng nên thẳng thắn với người yêu của mình luôn. Xem ai là người nắm quyền quản lý kinh tế. Thống nhất được rồi thì cứ vậy mà làm.

Còn muốn đời sống hôn nhân bền chặt, thì vợ nên nghĩ cho chồng, chồng nghĩ cho vợ, rồi cả hai cùng hỗ trợ lẫn nhau. Chẳng hạn, đối với chi tiêu thường ngày trong gia đình, phụ nữ nên làm chủ để đảm bảo cân bằng tài chính, không vung tay quá trán.

Còn đối với những khoản chi tiêu quan trọng, đàn ông nên là người đưa ra quyết định vì họ có gan lớn, tầm nhìn xa dài hạn, lại biết tính toán nhanh nhạy. Trên đời chẳng có việc gì là tuyệt đối, cũng không có ranh giới giữa đúng và sai, giữa ưu điểm và khuyết điểm. Vợ hay chồng quản lý tiền trong nhà đều có mặt tốt và mặt xấu, chỉ khi cả hai cùng giúp đỡ lẫn nhau mới có thể khiến cuộc sống ổn định hơn.