Thế nào là dậy thì bình thường?
Dậy thì là giai đoạn phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát (như lông mu, lông nách, phát triển ngực, kinh nguyệt, dương vật, tinh hoàn…) và có sự chuyển tiếp từ giai đoạn chưa trưởng thành sinh dục sang giai đoạn trưởng thành. Những thay đổi dễ nhận thấy như tăng trưởng chiều cao vượt trội, phát triển cơ bắp, phát triển ngực, lông mu, lông nách, bắt đầu xuất hiện huyết trắng và có kinh nguyệt… Một số dấu hiệu kín đáo hơn là sự thay đổi thành phần cơ thể, trẻ bắt đầu có khả năng sinh sản. Chính những biến đổi về thể chất sẽ dẫn đến những thay đổi về mặt tâm lý ở trẻ trong suốt quá trình dậy thì. Vì vậy, cha mẹ sẽ thấy con mình đột nhiên lớn “phổng phao” và những “khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì” rất thường gặp trong giai đoạn này.
Vậy khi nào trẻ được xem là dậy thì bình thường? Dậy thì bình thường khi trẻ bắt đầu xuất hiện các đặc tính sinh dục thứ phát từ sau 8 – 13 tuổi ở trẻ gái và sau 9 – 14 tuổi ở trẻ trai. Tuổi khởi phát dậy thì thay đổi tùy theo từng chủng tộc, tại Việt Nam, độ tuổi này trung bình là 10,5 tuổi ở trẻ gái và 11,5 tuổi ở trẻ trai.
Khi nào trẻ được gọi là dậy thì sớm?
Dậy thì sớm ở trẻ đang là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa hiểu rõ khi nào trẻ dậy thì sớm hay trẻ đang diễn tiến dậy thì bình thường. Vậy dậy thì sớm là gì? Trẻ được xem là dậy thì sớm nếu xuất hiện các đặc tính sinh dục thứ phát sớm hơn độ tuổi bình thường, ở trẻ gái là trước 8 tuổi và ở trẻ trai là trước 9 tuổi.
Dậy thì sớm được chia làm 3 nhóm:
- Dậy thì sớm trung ương: là nhóm thường gặp nhất. Nguyên nhân dậy thì sớm của nhóm này đa số là vô căn (nhất là trẻ gái), tức là không có nguyên nhân bệnh lý thực thể gây ra dậy thì sớm.
- Dậy thì sớm ngoại vi: dạng này ít phổ biến hơn so với dậy thì sớm trung ương. Thường liên quan đến bướu buồng trứng, tinh hoàn, thượng thận…
- Dậy thì sớm không hoàn toàn: phát triển sớm, đơn độc, một đặc tính sinh dục thứ phát (ví dụ tăng sinh tuyến vú đơn độc).
Mỗi nhóm sẽ có hướng điều trị, tiên lượng và theo dõi khác nhau
Tại sao dậy thì sớm cần được quan tâm
Dậy thì là quá trình phát triển tất yếu của con người. Tuy nhiên, nếu trẻ dậy thì quá sớm sẽ có những tác động, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý và thể chất của trẻ và gia đình. Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào tuổi khởi phát dậy thì, mức độ phát triển các cơ quan sinh dục thứ phát, tùy điều kiện hoàn cảnh kinh tế, xã hội, môi trường sống của trẻ và gia đình...Bên cạnh việc ảnh hưởng đến các vấn đề phát triển thể chất và tâm sinh lý, một số trường hợp trẻ dậy thì sớm có thể là biểu hiện ban đầu của những bệnh lý thực thể nguy hiểm khác, tuy hiếm gặp, nhưng cần được chẩn đoán sớm (như u não, u nang buồng trứng, u tinh hoàn…). Vì vậy cần đưa trẻ đến các cơ sở chăm sóc nhi khoa để được tư vấn và hỗ trợ khi phát hiện trẻ có những biểu hiện của dậy thì sớm nhằm có kế hoạch can thiệp và theo dõi thích hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://emedicine.medscape.com/article/924002-overview
https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/ /asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/bao-ong-tinh-trang-day-thi-som-o-tre-em
https://nhidong.org.vn/be-khoe-be-ngoan/day-thi-la-gi-c52-979.aspx
Berberoğlu M (2009), "Precocious puberty and normal variant puberty: definition, etiology, diagnosis and current management", Journal of Clinical Research in Pediatric Endocrinology, 1, pp. 164-174.