Chậm kinh sẽ gây ra những lo lắng thường trực ở phái nữ, vậy đâu là những nguyên nhân chậm kinh thường gặp?
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ xuất hiện đều đặn vào mỗi tháng. Khi chu kỳ đến quá sớm hoặc quá trễ, chị em sẽ dễ cảm thấy lo lắng vì không biết sức khỏe mình có đang gặp phải vấn đề gì hay không. Chậm kinh là tình trạng rất nhiều chị em phụ nữ gặp phải, vậy đâu là những nguyên nhân chậm kinh và chúng ta phải làm gì để cải thiện chu kỳ kinh nguyệt của mình?
Những nguyên nhân chậm kinh thường gặp nhất
Có thai
Nguyên nhân đứng hàng đầu khi bị chậm kinh chính là mang thai. Kinh nguyệt xuất hiện khi trứng không gặp được tinh trùng, lúc này, lớp niêm mạc tử cung sẽ bị loại bỏ và ra máu, đó chính là kinh nguyệt.
Có thai là nguyên nhân chậm kinh hàng đầu
Ngược lại, nếu trứng và tinh trùng gặp được nhau và quá trình thụ thai bắt đầu, lớp niêm mạc sẽ không bị loại bỏ mà có nhiệm vụ tiếp tục nuôi dưỡng cho quá trình phát triển của thai nhi. Khi đó, kinh nguyệt sẽ không xuất hiện và chậm kinh chính là một trong những dấu hiệu rõ rệt báo mang thai sớm.
Căng thẳng quá mức
Căng thẳng quá mức cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng. Stress kéo dài làm cho kinh nguyệt đến chậm hoặc thậm chí có thể mất hẳn trong tháng đó. Nguyên nhân là vì hormone estrogen chịu tác động rất nhiều từ những hormone gây ra bởi stress.
Stress hoàn toàn có thể gây rối loạn, khiến chu kỳ kinh nguyệt bị chậm lại so với bình thường. Chỉ khi não bộ được ở trong tình trạng thoải mái, không bị mệt mỏi thì chu kỳ mới có thể đều đặn trở lại.
Tăng hoặc giảm cân đột ngột
Rất nhiều người bị chậm kinh, thậm chí là mất kinh sau khi tăng hoặc giảm cân quá đà. Giảm cân quá mức khiến cơ thể không có đủ năng lượng để phục vụ cho quá trình sản sinh estrogen, gây ra hiện tượng chậm kinh hoặc nếu giảm cân nhiều một cách quá đột ngột còn có thể khiến kinh nguyệt biến mất.
Ngoài ra, tăng cân đột ngột cũng là nguyên nhân khiến kinh nguyệt xuất hiện chậm. Trái ngược với việc giảm cân, tăng cân đột ngột khiến cơ thể sản sinh lượng estrogen vượt mức. Chúng làm cho lớp nội mạc tử cung trở nên kém ổn định và đường nhiên độ bình thường của chu kỳ kinh nguyệt cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Rối loạn chu kỳ
Nếu kinh nguyệt đến chậm nhưng không phát hiện ra bất cứ nguyên nhân nào khác, chị em có thể đã bị rối loạn chu kỳ. Rối loạn chu kỳ là hiện tượng kinh nguyệt bất ổn, có tháng chúng đến rất chậm nhưng có tháng lại đến sớm. Có tháng chúng không xuất hiện nhưng cũng có những tháng lại tới tận 2 lần.
Rối loạn chu kỳ sẽ dẫn đến chậm kinh
Rối loạn chu kỳ có thể là dấu hiệu cảnh báo một số căn bệnh tiềm ẩn. Thế nên nếu thấy tình trạng rối loạn chu kỳ của mình kéo dài, tốt nhất chị em nên đi thăm khám để kịp thời phát hiện và xử trí nếu sức khỏe gặp phải những bất thường.
Đa nang buồng trứng
Đa nang buồng trứng không chỉ có thể tác động đến chu kỳ kinh nguyệt mà còn có khả năng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản của nữ giới. Đây là hiện tượng buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ, chúng có thể gây ra nhiều sự cản trở cho quá trình thụ thai, ngăn cản sự rụng trứng cũng như tác động trực tiếp tới những hormone giải phóng trứng.
Chị em có vấn đề về đa nang buồng trứng nên đến các địa chỉ uy tín để thăm khám và nhận lời khuyên từ bác sĩ. Đây là vấn đề có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này nên lại càng phải cẩn thận.
Mắc các bệnh phụ khoa
Mắc một số căn bệnh phụ khoa như viêm, nhiễm,... cũng hoàn toàn có thể làm cho chu kỳ của nữ giới đến chậm. Bệnh phụ khoa khiến nữ giới dễ bị căng thẳng mệt mỏi, ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng đời sống nên cần đi thăm khám và điều trị sớm.
>>> Có thể bạn quan tâm: Tìm hiểu nguyên nhân chậm kinh do uống thuốc tránh thai khẩn cấp
Phụ nữ cần làm gì để có kinh nguyệt đều đặn?
Ngoại trừ nguyên nhân chậm kinh xuất phát từ việc mang thai và một số bệnh lý, chị em nếu muốn chu kỳ ổn định trở lại tốt nhất nên chú trọng đến những vấn đề sau.
Vận động hợp lý
Các bài vận động nhẹ nhàng, hợp lý giúp cơ thể được tái tạo năng lượng và quá trình sản sinh các hormone cũng được thực hiện một cách ổn định hơn.
Chị em cần vận động hợp lý
Vận động còn hỗ trợ cho cơ thể hoạt động hiệu quả, thêm khỏe khoắn, giảm thiểu được nguy cơ thiếu máu, đau đầu, giúp kinh nguyệt ổn định và cũng loại bỏ được một số triệu chứng khó chịu khi đến kỳ như đau bụng, đau lưng,...
Giữ tâm lý thoải mái
Stress làm ảnh hưởng đến lượng estrogen sản sinh cho quá trình rụng trứng, loại bỏ niêm mạc và hình thành kinh nguyệt. Do đó, để phòng ngừa nguy cơ chậm kinh do stress, tốt nhất chị em cần giữ cho mình tâm lý thoải mái, không bị căng thẳng, mệt mỏi.
Vệ sinh sạch sẽ
Chị em cần vệ sinh sạch sẽ cơ thể mỗi ngày và chú ý đừng bao giờ bỏ qua vấn đề vệ sinh vùng kín. Chị em nên thay đồ nhỏ ít nhất 2 lần trong ngày, quần lót cũng cần được giặt sặt, phơi nắng và thay mới khoảng vài tháng một lần.
Bên cạnh đó, hãy chú ý vệ sinh vùng kín đúng cách để phòng ngừa nguy cơ viêm nhiễm gây chậm kinh. Chị em không nên thụt rửa sâu hoặc sử dụng những chất tẩy mạnh, đặc biệt phải nhớ vệ sinh cũng như lau khô vùng kín kỹ càng sau mỗi lần đi vệ sinh.
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt
Chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Khi cơ thể khỏe mạnh, chu kỳ cũng được hưởng lợi và xuất hiện đều đặn hơn.
Chế độ sinh hoạt cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự đều đặn của chu kỳ
Chị em nên có chế độ sinh hoạt, ngủ nghỉ đúng giờ, không bỏ bữa, tăng hoặc giảm cân đều cần một quá trình chi tiết và hợp lý. Ngoài ra, bổ sung một chế độ dinh dưỡng đa dạng khoáng chất, vitamin... cũng rất có lợi cho sức khỏe nói chung cũng như chu kỳ kinh nguyệt nói riêng.
Chu kỳ kinh nguyệt thất thường không những khiến chị em phụ nữ thường xuyên lo lắng, mà hiện tượng này nếu kéo dài còn ảnh hưởng rất nhiều tới cơ thể cũng như khả năng sinh sản về sau. Muốn có một chu kỳ khỏe mạnh, chị em nên chú ý chăm sóc bản thân, tìm hiểu kỹ những nguyên nhân gây chậm kinh để cải thiện ngay nếu có dấu hiệu bất thường nhé.
Xem thêm bài viết tham khảo:
https://www.healthline.com/health/how-late-can-a-period-be
https://www.healthline.com/health/womens-health/why-is-my-period-late
https://www.nhs.uk/conditions/stopped-or-missed-periods/
Xem thêm bài viết liên quan:
9 nguyên nhân gây chậm kinh nguyệt
Vì sao kinh nguyệt không đều, điểm mặt 13 nguyên nhân khiến chu kỳ rối loạn
Những nguyên nhân khiến cho kinh nguyệt của chị em “không bình thường”