1. Sau điều trị dậy thì sớm, sau này lớn lên trẻ có thể sinh sản bình thường được không? Sau khi ngưng chích bao lâu trẻ gái sẽ có kinh nguyệt?

Hiện nay, các bằng chứng cho thấy thuốc điều trị dậy thì sớm trung ương (đồng vận GnRH) không ảnh hưởng đến sinh sản của trẻ và không gây rối loạn kinh nguyệt. Theo một số nghiên cứu theo dõi dài hạn, các trẻ gái đã từng điều trị dậy thì sớm vẫn sinh sản bình thường và có chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Các nhà khoa học cũng không ghi nhận thuốc điều trị dậy thì sớm làm tăng nguy cơ mắc buồng trứng đa nang ở trẻ gái.  Trẻ sẽ dậy thì bình thường, trẻ gái xuất hiện kinh nguyệt trung bình từ 12 tháng đến 17,5 tháng sau khi kết thúc điều trị, và trẻ tiếp tục đạt được tăng trưởng trong giai đoạn dậy thì.

2. Việc điều trị có giúp kiểm soát tâm lý của trẻ hay không?

Thuốc điều trị dậy thì sớm trung ương (đồng vận GnRH) có tác dụng làm chậm tiến triển quá trình dậy thì, ức chế sự tiết các hormone sinh dục, giúp bảo tồn chiều cao trưởng thành. Việc điều trị giúp trẻ có thể “trì hoãn” quá trình dậy thì đợi đến độ tuổi phù hợp sinh lý. Tuy nhiên về mặt tâm lý, các thay đổi tâm lý tuổi dậy thì không hoàn toàn do hormone quyết định mà còn có thể do phản ứng của trẻ trước sự thay đổi của cơ thể. Do đó, bố mẹ cần động viên, giáo dục tâm lý và đưa trẻ khám thêm chuyên gia tâm lý nếu việc dậy thì gây rối loạn tâm lý của trẻ.

3. Thuốc điều trị dậy thì sớm có tác dụng phụ gì hay không?

Một số tác dụng không mong muốn thường gặp có thể là đau đầu, đau nhức tại chỗ chích, áp xe vô trùng tại chỗ, một số ít trẻ có thể xuất hiện ra huyết âm đạo trong 3 tháng đầu sau tiêm thuốc, các nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ này khoảng 5%. Việc ra huyết âm đạo này thường là lượng ít, tự khỏi sau vài ngày và không cần điều trị gì. Hiện nay, chưa có bằng chứng rõ ràng về việc thuốc điều trị dậy thì sớm (chất đồng vận GnRH) gây béo phì hay ảnh hưởng mật độ xương của trẻ.  Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy mật độ xương của trẻ có thể giảm nhẹ trong quá trình điều trị, và hầu hết sẽ phục hồi sau khi ngưng điều trị ; một số nghiên cứu khác lại nhận thấy mật độ xương của trẻ không thay đổi trong và sau quá trình điều trị.

hình ảnh

Hình. Tác dụng không mong muốn ít gặp của thuốc điều trị dậy thì sớm là có thể gây áp xe sưng đau tại chỗ tiêm.

4. Trẻ bị dậy thì sớm có được tiêm ngừa vaccine Covid không ?

Dậy thì sớm không phải là chống chỉ định của tiêm ngừa vaccin Covid và cả các loại  vaccine khác, phụ huynh nên đưa trẻ tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.

5. Có phải tất cả trẻ dậy thì sớm đều cần điều trị hay không?

Không phải tất cả trẻ dậy thì sớm đều có chỉ định điều trị. Các bác sĩ sẽ dựa vào nhiều yếu tố như tuổi của trẻ, chiều cao dự đoán khi trưởng thành, tuổi xương, sự tiến triển các dấu hiệu dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao để quyết định điều trị. Không phải tất cả trẻ dậy thì sớm đều có chỉ định điều trị. Việc điều trị chỉ cân nhắc khi trẻ dậy thì sớm tiến triển nhanh (kích thước tuyến vú hoặc mức độ phát triển lông mu tăng lên trong thời gian theo dõi), đe doạ chiều cao khi trưởng thành hoặc bị rối loạn tâm lý do dậy thì sớm ở một số trẻ nhạy cảm. Nếu trẻ dậy thì sớm nhưng quá trình này tiến triển chậm, các bác sĩ sẽ theo dõi trẻ trong 3-6 tháng để theo dõi diễn tiến, tốc độ dậy thì để quyết định có điều trị hay không.

Tài liệu tham khảo

1. Berberoğlu M (2009), "Precocious puberty and normal variant puberty: definition,

etiology, diagnosis and current management", Journal of Clinical Research in Pediatric Endocrinology, 1, pp. 164-174.

2. Dennis M, Melvin M (2011), "Puberty: Ontogeny, Neuroendocrinology, Physiology, and Disorders", In: Melmed, Polonsky, Larsen, Kronenberg, editors, Williams Textbook of Endocrinology, 13 ed. pp. pp1054-1199

3.  Tanaka T. (2005). "Results of long-term follow-up after treatment of central precocious pubertywith leuprorelin acetate: evaluation of effectiveness of treatment and recovery of gonadal function", The Journal of clinical endocrinology and metabolism, 1371

4. Results of Long-Term Follow-Up after Treatment of Central Precocious Puberty with Leuprorelin Acetate: Evaluation of Effectiveness of Treatment and Recovery of Gonadal Function.  Toshiaki Tanaka, Hiroo Niimi, Nobutake Matsuo, Kenji Fujieda, Katsuhiko Tachibana, Kenji Ohyama, Mari Satoh, Koji Kugu. The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, Volume 90, Issue 3, 1 March 2005, Pages 1371–1376, https://doi.org/10.1210/jc.2004-1863

5. Martinerie L, de Mouzon J, Blumberg J, di Nicola L, Maisonobe P, Carel J, -C:, “Fertility of Women Treated during Childhood with Triptorelin (Depot Formulation) for Central Precocious Puberty: The PREFER Study”, Horm Res Paediatr 2020;93:529-538.

6. Bajpai A, Menon P (2011), "Contemporary issues in precocious puberty", Indian


 Journal of Endocrinology and Metabolism, 15, pp. 172-179

7. Park HK, Lee HS, Ko JH, Hwang IT, Lim JS, Hwang JS (2012), "The effect of gonadotrophin-releasing hormone agonist treatment over 3 years on bone mineral density and body composition in girls with central precocious puberty", Clinical Endocrinology, 77, pp. 743-748.

8. Antoniazzi F., Zamboni G., Bertoldo F., et al. (2003), "Bone mass at final height in precocious puberty after gonadotropin-releasing hormone agonist with and without calcium supplementation", J Clin Endocrinol Metab, 88 (3), pp. 1096-101.

9. Longitudinal follow-up of bone density and body composition in children with precocious or early puberty before, during and after cessation of GnRH agonist therapy (2002) Inge M van der Sluis 1, Annemieke M Boot, Eric P Krenning, Stenvert L S Drop, Sabine M P F de Muinck Keizer-Schrama

10. Changes in bone mineral density and body composition in children with central precocious puberty and early puberty before and after one year of treatment with GnRH agonist. Jung Hee Ko 1, Hyo Sung Lee, Jung Sub Lim, Shin Mi Kim, Jin Soon Hwang

11. Final height, gonadal function and bone mineral density of adolescent males with central precocious puberty after therapy with gonadotropin-releasing hormone analogues

Silvano Bertelloni, Giampiero I. Baroncelli, Marco Ferdeghini, Fabrizio Menchini-Fabris & Giuseppe Saggese . European Journal of Pediatrics volume 159, pages 369–374 (2000)